Tùng Dương chịu khó mang các dòng nhạc lạ đến giới thiệu với khán giả trong nước, lần này là progressive rock kết hợp giao hưởng. Nhưng nói chung khỏi cần phân tích gì nhiều, với số đông khán giả, Tùng Dương đã là một dòng nhạc không lẫn vào đâu được. Thế mà mãi tận tới lần thứ 12 làm chương trình riêng, anh mới “dám” mang tên mình đặt cho show. “Đến giờ mình cũng là một chỉnh thể hoàn chỉnh so với chính mình”, Dương lý giải. “Một chỉnh thể ổn định, nhưng không an toàn. Tùng Dương chưa bao giờ an toàn. Với tôi, an toàn nghĩa là chết”!
Nhưng như rất nhiều ca sĩ trong nước khác, Tùng Dương không hề bỏ qua cơ hội thâm canh trên những mảnh đất dễ hái ra tiền và quảng bá tên tuổi: hát lại nhạc xưa, nhạc đỏ... Tuy vậy dù ở đâu, làm gì, anh vẫn để lại dấu ấn riêng. Ban đầu thấy lạ, người ta tạm dùng những từ như “quái”, “điên” khi nhắc tới anh. Dương xem nó là lời khen: “Vì mình tạo ra điều gì đó để người ta cảm nhận được sự khác biệt của mình, từ cách chọn bài, chọn dòng nhạc, cách phát ngôn hay hóa thân vào tác phẩm. Khi đã nhận hát một tác phẩm nào đó từ người viết không chuyên tới chuyên nghiệp, tôi đều nâng niu, rút ruột rút gan làm hết mình”.
Trong Tùng Dương Concert dài tới 3 tiếng diễn ra tuần trước, Tùng Dương điểm lại những bản hit thời mới thành danh, tri ân những nhạc sĩ gạo cội như Phó Đức Phương, Phú Quang, Trần Tiến, Lê Minh Sơn, Trần Lập... giới thiệu các đại biểu đang lên trong lớp các nghệ sĩ tự viết nhạc và hát: Ngọt, Bùi Lan Hương. Anh sẵn sàng cùng hát bài của khách mời. Riêng với khách mời gần gũi (về thế hệ và phong cách) nhất: Hà Trần, chủ và khách cùng hát hit của mỗi người: Dệt tầm gai và Con cò. Hà Trần trong show của Dương lại trở thành đại diện của trường phát “kinh điển” với lối hát tĩnh tại, tròn vành rõ chữ đưa khán giả ngược trở về thời Nhật thực trên một tâm thế mới. Nhật thực có thể nói là dự án tiên phong hiếm hoi với ý tưởng xuyên suốt chấn động V-pop cách đây 18 năm. Và Human rõ ràng cũng đang là một tổng thể rất mạnh về ý tưởng và ê-kíp được thoát thai trong thời kỳ hỗn mang do COVID gây ra. Tên album thỉnh thoảng lại được họa sĩ thiết kế viết thành HUMVN. Chắc cũng có ý tự hào về thành quả chung mà các nghệ sĩ Việt Nam có được giữa lúc thế giới còn đang mải chống trọi với đại dịch?!
Có thể thấy Tùng Dương không chỉ tỏa sáng một mình. Anh luôn muốn phản chiếu, dung nạp những tinh hoa của thế hệ và thời đại bổ sung vào nguồn sáng riêng. Tùng Dương đánh giá cao và muốn giới thiệu tới khán giả của mình những ca- nhạc sĩ đang vẽ nên những mảng màu ấn tượng trong nhạc Việt đương đại. Biết mình còn hạn chế trong sáng tác nhưng anh vẫn bỏ ngỏ khả năng một ngày sẽ hát lên những thông điệp của chính mình. Kỳ thực anh cũng từng công bố một sáng tác từ hồi thi Sao Mai Điểm hẹn 2004- viết do sự thách đố của bạn bè. Bài hát Trong vòng tay cô đơn bị chính tác giả đánh giá là “dễ dãi”, nhưng cũng đã được Thái Thùy Linh đưa vào album đầu tay.
Với phong cách dù sao vẫn được cho là kén người nghe, Tùng Dương bộc lộ gu riêng trong lựa chọn đối tác. Ít khi anh “chơi” với cộng sự nào quá một dự án. Với dự án kép album và đêm nhạc lần này, anh giới thiệu hai giọng phối khí gần như mới toanh: Nguyễn Hữu Vượng và Lưu Quang Minh. Cả hai đã làm nên những màn trình diễn rock, giao hưởng, điện tử vạm vỡ, hình khối và chắt lọc, trúng tâm điểm, làm toát lên được tinh thần của ý tưởng mà chủ nhân giao phó. Có những bản phối làm cho bài hát kinh điển trở nên mới bất ngờ, như Em ơi Hà Nội phố vụt thành tráng ca với tiếng hát Tùng Dương như những đường rạch sắc lẻm vào nền nhạc. Không chỉ chắc cú về âm nhạc, những cộng sự với Tùng Dương về thị giác là Vỹ Vlash (làm đồ họa cho show) và JayDee Đạt Nguyễn (thiết kế trang phục và đồ họa cho bìa đĩa) cũng xứng đáng được nhắc tên vì những đóng góp sáng tạo, đầy dấu ấn riêng tương thích với Tùng Dương.
Điểm nhấn của Tùng Dương Concert tất nhiên là các bài trong tổng thể 12 track của album Human mang tham vọng dựng lên một chu kỳ phát triển của con người từ tiếng khóc Oa oa chào đời vượt qua những ảo vọng (Adam, Người mù), cám dỗ, trải nghiệm tình yêu (Bão hòa), nỗi đau (Bi ca), tiếc nuối (SOS) và sự Mục rã; tàn phá (Biểu bì) và tái tạo phiên bản của chính mình (Trí tuệ nhân tạo) rồi lại tiếp tục hoài thai một kiếp khác.
Vô số chủ đề để nói về con người, album thứ 8 của Tùng Dương đã chọn một cách tiếp cận trung dung và lý tính, gần gũi với đời sống. Ai cũng có thể thấy một phần của mình trong lời hát. Ca sĩ đã khéo léo xâu chuỗi ba tác giả Sa Huỳnh, Bùi Caroon và Nguyễn Duy Hùng để khái quát một cái nhìn tương đối toàn cảnh, nhiều màu sắc về con người. Chỉ với một bài, Nguyễn Duy Hùng đã vẽ nên một khung cảnh máy móc thú vị nhưng cũng tiềm ẩn những hiểm họa. Bùi Caroon đem đến những điểm nhìn tươi mới không kém phần sâu cay của một tâm hồn trẻ đang háo hức khám phá đời sống. Trong khi Sa Huỳnh có sự chín chắn giống như của nhiều kiếp cộng lại. Các sáng tác của cô luôn thi vị, giàu chiêm nghiệm, đặc biệt phong phú về biểu cảm ngôn ngữ.
Có thể có một vài bài dễ nghe hơn các bài khác một chút, nhưng tựu trung lại khá khó để tìm ra bài tiêu biểu cho Human vì các bài hát đồng đều về chất lượng cũng như sức nặng thông điệp. Chúng đều có vị trí riêng để làm bật lên tinh thần chung của một đĩa hát đáng nghe vài năm trở lại đây. Qua Human có thể thấy Tùng Dương đang dần rời bỏ những khác biệt về hình thức để đi sâu vào thực chất, đến với cốt lõi thông điệp anh muốn chuyển tải để “tôn vinh hành trình vĩ đại nhiều đau khổ, tuyệt đẹp và cảm động của con người”. Tùng Dương cho hay sự quái của bản thân như tường thành vững chãi không suy suyển mà chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác. Nói cách khác, anh ngày càng tìm được cách diễn đạt bản thân mình sáng rõ hơn và nhận được nhiều sự đồng cảm của mọi người hơn.
Trong danh sách nhân vật cần cảm ơn, anh không quên nhắc đến bé Voi: “Con đã mang tới sức mạnh không tưởng và nguồn năng lượng vô tận, để bố được tung bay đầy kiêu hãnh trên hành tinh của riêng mình”. Trong suốt hành trình “độc đạo” của mình, có lẽ chưa bao giờ Dương có được quanh mình một đội ngũ ăn giơ trong mơ như vậy, từ sự nghiệp đến gia đình. Chính họ đã và đang góp phần vẽ nên một chân dung Tùng Dương trọn vẹn như hôm nay.
Ảnh: Khánh Thành
Tùng Dương nhấn mạnh phương châm chọn cộng sự: “Lặp lại chính mình thì sẽ chết. Khi không thể mở lòng để hợp tác với những cộng sự mới, tiếp nhận nguồn năng lượng mới, có nghĩa là mình đã già. Tôi luôn nâng niu trân trọng quá khứ, trân trọng tất cả những gi mình từng làm với các nghệ sĩ tầm quốc tế, những nhạc sĩ gạo cội… nhưng âm nhạc luôn cần được thay máu”.