Một người Anh mê những con hẻm

0:00 / 0:00
0:00
Andrew Stiff tại triển lãm “Dấu ấn thời gian”
Andrew Stiff tại triển lãm “Dấu ấn thời gian”
TP - Phát hiện ra những con hẻm của TPHCM từ năm 2016, Andrew Stiff – giảng viên đại học đến từ nước Anh đã lập tức “phải lòng”. Từ đó đến nay, người đàn ông này đã đưa những con hẻm vào triển lãm, phim và cả luận án tiến sĩ của mình.

“Nhân vật Hẻm”

Trong triển lãm “Dấu ấn thời gian” rất nhiều người đã ngạc nhiên khi thấy hẻm TPHCM trở thành nhân vật chính, không đẹp đẽ và trau chuốt như trong những bức ảnh quảng bá du lịch, những con hẻm ở quận 4 được tái hiện có phần bề bộn nhưng vô cùng sinh động: bếp than tổ ong đặt trên lối đi, quán bán đồ ăn trên một chiếc xe đẩy diện tích khoảng mét rưỡi vuông, người dân thong dong ngồi uống cà phê nhìn ngó phố phường, chợ cóc chỉ bán cho dân trong hẻm... Hẻm vừa là nhà, vừa là nơi mưu sinh, là “nhà bếp”, là sân chơi của trẻ con...

Andrew Stiff sang Việt Nam là để làm giảng viên môn thiết kế của ĐH RMIT. Các học sinh của ĐH RMIT khi đó, sau này xem “Ròm” hay “Bố già” thì ít ngạc nhiên hơn hẳn, vì con hẻm lam lũ tương tự, đậm chất xi-nê tương tự, họ đã từng thấy trong ảnh của thầy mình.

Từ lần đầu đi lạc vào con hẻm ở quận 4, người đàn ông vốn là một kiến trúc sư đã nhìn ra sự hấp dẫn của một “nhân vật” có số phận và sự duyên dáng lẫn đặc trưng văn hóa riêng của mình. “Một không gian hẹp, màu sắc, chất liệu hấp dẫn con mắt của một nhà làm phim và hoạ sĩ. Càng đi nhiều, tôi càng khám phá thêm nhiều điều thú vị. Tôi nghĩ điều tôi thực sự thích thú là “chất” của những nơi này. Không một điều gì trong con hẻm cố gắng biến thành một thứ gì khác. Nó chân thực một cách khủng khiếp, một thứ quá hiếm hoi trong nền văn hóa cóp nhặt ngày nay”. Andrew Stiff chia sẻ.

Năm năm sống ở Việt Nam là năm năm Andrew Stiff trở đi trở lại từng ngõ ngách ở quận 4. Mà ngõ ngách ở đây thì nhiều, đến mức dân TPHCM có việc đến quận 4 đôi khi còn lạc đường. Nhưng Andrew Stiff thuộc nó như lòng bàn tay. Ông có thể tả về địa bàn một thời là “khu ổ chuột” này chính xác không kém gì dân bản xứ: “Di chuyển từ khu chợ vào trong một con hẻm ở phía sau là một thế giới khác. Đi qua một “ngôi nhà tình nghĩa” mà khu dân cư xây cho một cặp vợ chồng già, là một mạng lưới những tuyến đường nhỏ, không ồn ã như khu chợ nhưng sự hứng thú thì không suy chuyển. Đi qua những con phố chật hẹp thật sự ồn ã và đầy màu sắc. Lướt qua những người bán hàng, xe ba gác hay xe máy thật sự là một trải nghiệm “nặng đô” mà trước đó tôi chưa từng biết. Đến nay, tôi vẫn giữ nguyên cảm giác thích thú đó mỗi khi đi qua nơi này”.

Để tìm hiểu “nhân vật” của mình, Andrew Stiff dành hẳn 3 năm chụp hàng ngàn tấm ảnh ở những góc độ, thời điểm, tâm thế khác nhau, sau đó dựng thành phim ngắn. “Bằng cách chồng mờ nhiều bức ảnh, cùng kỹ thuật làm phim mới, các bạn trẻ có thể xem lại hình ảnh về hẻm TPHCM theo phong cách 3D”. Ông cho biết.

Từ du khách thành cư dân

Một người Anh mê những con hẻm ảnh 1

Lần đầu đến TPHCM, Andrew Stiff không biết nhiều về thành phố này, ngoại trừ ở Việt Nam có phở. Lạc vào quận 4, bất đồng ngôn ngữ, vị giảng viên người Anh phải tận dụng mọi khả năng biểu đạt của cơ thể để giao tiếp. Dần dần ông thích thú và học cách gia nhập vào cuộc sống bình thường ở đây.

Bị thu hút bởi những hoạt động thường nhật trong hẻm, Andrew dành nhiều thời gian quan sát và rút ra kết luận: Người dân trong hẻm chỉ cần những không gian rất nhỏ để sinh sống, họ tạo ra nhiều thứ từ những điều nhỏ bé, rất thú vị!

“Tôi thường đi bộ để quan sát các điểm tham quan, lắng nghe mọi âm thanh, thậm chí mùi hương trong mỗi con hẻm”, Andrew Stiff kể. Ông cũng học cách lái xe máy và bình luận “thật sự là một bộ môn nghệ thuật mà người Việt đã nâng tầm”, học cách ăn những món ăn đường phố và cả cách trò chuyện với những tiểu thương buôn bán trong hẻm. Chỉ một thời gian ngắn, Andrew Stiff đã trở thành “fan ruột” của bún chả, phở, ốc và phá lấu... những món bình dân bán đại trà trong những hẻm nhỏ.

Những người dân trong hẻm cũng quen dần với hình ảnh một “ông Tây” cao lớn, cổ đeo máy ảnh có vẻ ngoài “khá bình dân”. Những trẻ mồ côi trong ngôi chùa nhỏ còn thích thú reo tên ông khi gặp lại. Và mặc dù là địa bàn nổi tiếng về sự phức tạp với đầy những câu chuyện nhuốm mùi xã hội đen về các “tay anh chị”, Andrew lại chưa từng gặp bất cứ rắc rối an ninh nào ở đây. Ông thậm chí còn khẳng định “tôi thấy an toàn khi ở quận 4 hơn cả một số nơi trên quê hương mình”.

Từng có trải nghiệm khám phá những con hẻm ở Melbourne, Barcelona, Rome hay London, Andrew Stiff có vẻ thiên vị TPHCM khi nhận xét: “Chỉ ở đây tôi mới tìm thấy mối quan hệ giữa con người với không gian đô thị của họ. Không gian ấy được xác định bởi cách sống của cư dân”.

Không chỉ chụp ảnh, Andrew còn tìm cách phỏng vấn ghi lại câu chuyện của người dân xung quanh, bất chấp rào cản ngôn ngữ. “Người dân ở đây có thái độ sống rất tích cực, thân thiện. Họ thích theo dõi tin tức về người nổi tiếng. Có chàng trai tôi gặp ở trong hẻm bảo rất thích ở đây, sẽ không đi nơi khác. Mọi người yêu thích không gian họ đang sống, từ nhà ra hẻm đều có rất nhiều kỷ niệm gắn bó. Dẫu bó hẹp trong không gian nhỏ nhưng mọi người cố gắng biến tất cả không gian thành nhà, đặt bếp lò trước cửa, một góc nhỏ ban công được phủ xanh… Đó là cộng đồng rất gần gũi. Các phường 14, 15, có vẻ khá giàu có nhưng vẫn giữ lối sống truyền thống, không bị Tây hóa. Đường Tôn Đản năm 2016 nơi tôi đến so với bây giờ thay đổi nhiều, không còn nghèo nữa mà đã có diện mạo mới… Sự thay đổi của đô thị, của đời sống cư dân cứ cuốn hút tôi phải tìm hiểu, nghiên cứu”.

Từ tâm thế tiếp cận của một du khách, qua thời gian, Andrew Stiff đã coi mình như một cư dân của TPHCM. Ông khẳng định nhận lời về dạy học tại thành phố này là quyết định đúng đắn nhất của mình, và rằng: “tôi yêu những con hẻm và TPHCM. Có lẽ tôi sẽ sống với tình yêu này đến cuối đời”.

Luận án tiến sĩ về Hẻm

Vì tình yêu với hẻm TPHCM, Adrew Stiff đã chọn nó làm đề tài nghiên cứu tiến sĩ. Ông đã dành 1 năm để nghiên cứu sang quận 5, khu vực chợ Lớn, quận 7….

“Sài Gòn là thành phố năng động, có đời sống văn hóa phong phú. Tôi cần nghiên cứu thật kỹ, lưu giữ lại trước sự đô thị hóa ngày càng nhanh, mọi thứ dễ dàng biến mất như các thành phố khác ở Singapore, Anh, Mỹ”, ông nói.

Andrew Stiff cho rằng, khi xây dựng các kế hoạch phát triển nhà ở, điều quan trọng là cộng đồng địa phương phải được tham gia vào kế hoạch. Ngoài ra, những người làm quy hoạch cũng phải tin vào giá trị văn hóa của mình và không áp đặt văn hóa và hình ảnh các thành phố ở những bối cảnh hoàn toàn khác.

“Chúng ta nhìn thấy sự phát triển của Dubai và Singapore, nhưng họ cũng đã mất rất nhiều. Họ không có văn hóa, họ phải nhập khẩu hoặc chiếm đoạt. Khu phố Heygate tại Luân Đôn cũng tương tự. Sau khi “lột đi làm lại” nó không còn hình ảnh của Luân Đôn nữa, nhiều khu vực tại đây không còn người Luân Đôn sinh sống, phần lớn là các nhà đầu tư, họ không có ý định sinh sống, chỉ cho thuê qua các dịch vụ trực tuyến như AirBnB. Hãy để không gian cho người dân tùy chỉnh, phù hợp với môi trường xung quanh, điều này góp phần tạo nên nét riêng của thành phố, tạo dựng một hình ảnh khiến nhiều du khách phải đến đây”, ông nhận xét.

Tính đến nay, các dự án hẻm đã cùng Andrew du ngoạn khắp thế giới qua các tác phẩm (trong đó từ “hẻm” cố gắng giữ nguyên) như “Hem 84” (Digital Video) tại Kuala Lumpur Experimental Film and Video Festival 2017, “Hem Walk 004” (Digital Video) tại Facade Video Festival ở Bulgaria năm 2018, “Hem City” (Digital Video) tại Kuala Lumpur Experimental Film and Video Festival 2019 cùng với hàng chục buổi triển lãm, nói chuyện về hẻm ở TPHCM.

Một người Anh mê những con hẻm ảnh 2

Hẻm TPHCM qua ống kính của Andrew Stiff

Andrew Stiff tốt nghiệp khoa Hội hoạ (Trường nghệ thuật Chelsea, hiện là một phần của ĐH Nghệ thuật London), chuyên môn của Andrew xoay quanh thiết kế thử nghiệm và hình ảnh chuyển động thử nghiệm. Trong thực hành thiết kế của mình, Andrew quan tâm tới việc thu thập, lưu trữ và trình bày lại các không gian đô thị độc đáo, thể hiện mật độ và độ phức tạp. Thực hành của Andrew đã được trưng bày ở nhiều nơi trên thế giới: từ Mỹ, Úc, Hồng Kông, Nhật Bản và ở Đông Nam Á, tới một số địa điểm ở châu Âu.

Hiện ông là giảng viên khoa Truyền thông & Thiết kế tại ĐH RMIT Việt Nam.

TPHCM sẽ vượt qua thôi

Với Andrew Stiff, quận 4 và cụ thể là đường 14, 15 không chỉ là một “nhân vật”, một đối tượng nghiên cứu, nó còn giống như bạn bè thân thiết của ông. Khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, động thái đầu tiên của Andrew là tìm kiếm thông tin xem quận 4 bị ảnh hưởng như thế nào. Mỗi ngày, ông đều kiểm tra bản đồ lây nhiễm trong thành phố.

“Thật khó khăn khi nhìn thấy quá nhiều chấm vàng (vùng có rủi ro được đánh dấu bằng màu vàng trên bản đồ). Nhưng giống như Việt Nam, người dân mạnh mẽ và sẽ vượt lên trên nghịch cảnh với nụ cười và sự lạc quan về một tương lai tươi sáng”. Andrew Stiff khẳng định.

Hiện nay, các dự án về hẻm TPHCM của Andrew Stiff vẫn đang được tiến hành.

“Tôi cũng đang xem xét việc phát triển các thử nghiệm của mình, cách sử dụng chúng như một phương án cho du lịch bản địa trong thế giới hậu COVID-19. Ý tưởng dựa trên sự thay đổi mô hình du lịch khi du khách muốn những trải nghiệm, tương tác với thành phố không chỉ gói gọn trong quận 1, mà kể cả những con hẻm hay những gì họ mong muốn”, Andrew cho biết.

MỚI - NÓNG