Lịch trình đi Đà Nẵng đại trà của mọi người hẳn là tắm biển, ăn hải sản, xem cầu Rồng phun lửa và cả tới chùa Linh Ứng Sơn Trà chiêm bái tượng Phật Bà Quan Âm cao nhất nước... Dạo được ô tô đưa lên chùa, tôi thoáng thấy Sơn Trà ở những con dốc cao, rừng cây rậm rì, một vài khu nghỉ dưỡng kín cổng cao tường. Chắc chỉ dành cho những du khách nhiều tiền muốn yên tĩnh…
Sau này khi Sơn Trà được nhắc nhiều trên báo vì bị lấn chiếm xây resort trái phép, tôi biết thêm Sơn Trà là nơi ở của giống voọc chân nâu quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Mới đây có dịp ở Sơn Trà lâu hơn, đủ hiểu vì sao người ta lại thiết tha xây nhà để nghỉ dưỡng nơi này đến vậy. Ở Sơn Trà cùng lúc vừa được hưởng không khí miền núi lẫn miền biển. Dại gì không chiếm lấy vài lô đất, nếu có điều kiện, không ở thì cũng cho thuê.
Tuy nhiên Sơn Trà vẫn chào đón tất cả những ai muốn tận hưởng vẻ đẹp và nguồn năng lượng từ thiên nhiên. Như tôi, chỉ việc thuê một nhà khách ở chân núi rồi mượn xe máy là tha hồ vi vu khắp bán đảo. Khu phố nơi tôi ở giống hệt một thị trấn nhỏ miền núi. Sáng sớm dân tình thoải mái đi thể dục dưới lòng đường vì có xe cộ gì qua lại đâu. Sau khi bỏ bụng một lô các đồ ăn sáng bên đường, nào mì Quảng (nhân lươn, ếch, gà, cá tùy chọn), bánh mì kẹp, sữa đậu nành… tôi thẳng tiến đỉnh Bàn Cờ.
Ván cờ tiên và cây đa ngàn tuổi
Trên đường đi quả có thấy vài tòa biệt thự kín tường cao cổng. Cao hơn chút nữa, thấy cả thành phố men theo vòng cung biển. Nhà ở Đà Nẵng không lợp ngói/tôn đỏ nên lại càng hòa hợp trong tông xanh trắng của nước, mây và sương. Hậu cảnh là những vệt màu xanh như da trời nhưng đậm hơn nhiều. Đúng là khó có thể nghĩ núi lại cho ra màu đó.
Đế Thích và ông bạn tiên quả là khéo chọn chỗ đánh cờ. Được biết cuộc đấu đang bất phân thắng bại nhiều ngày đêm, thì Đế Thích bỗng liếc mắt sang chỗ các tiên nữ đang đùa vui dưới bãi biển (về sau gọi là bãi Tiên Sa). Bị thua, tiên cáu, đá văng bàn cờ xuống biển, bay về trời. Câu chuyện thật khéo PR cho Đà Nẵng, đẹp đến độ tiên phải ghé thăm cơ mà.
Đỉnh Bàn Cờ như thâu tóm tất cả các nét đẹp của vùng đất này. Từ bên này thấy toàn cảnh thành phố, quay sang bên kia lại chuyển qua bức tranh trừu tượng với vài con tàu chỉ là những đốm nâu nâu trôi chầm chậm trên một nền ánh bạc khó phân định mây hay nước. Và phía trước mắt là những đỉnh xanh bất tận của dãy Sơn Trà. Đúng là Đà Nẵng đất tốt, chứ như Quy Nhơn tuy giữa thành phố có núi nhưng nhìn lên thấy đất đá trụi trơ cây cành thưa thớt cũng hơi buồn.
Khi tôi đến Bàn Cờ không có bất cứ một dịch vụ bán nước hay trông xe nào hoạt động, nhưng tại Cây đa Di sản thì có, họ bật cả nhạc sàn sôi động. Du khách có vẻ lưu lại nơi này lâu hơn vì cây đa chu vi cả gốc lẫn rễ 85m, đi vòng quanh ngắm nghía rồi chọn góc chụp ảnh cũng mất ối thời gian. Cây cao 22m, chu vi gốc 10m với 26 rễ phụ to như một thân cây bung ra tám hướng. Có một số ghế đá gần cây nhưng cũng ít ai ngồi lâu vì muỗi rừng chẳng để yên. Nói chung cây là một kỳ tích của thiên nhiên đáng đến thăm, lại mọc ngay cạnh đường. Nhưng chính việc làm đường quá gần cũng ít nhiều cản trở đời sống của cây vì nó không thể tiếp tục cắm rễ xuống phía phủ bê-tông. Voọc chân nâu thấy bảo cũng thường kiếm ăn trên cây này.
Hoa hậu của loài linh trưởng
Theo thống kê của trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Green Việt, Sơn Trà đang là nơi cư ngụ của 1.335 cá thể voọc chân nâu/đỏ, hay voọc ngũ sắc đều cùng chỉ một giống khỉ chỉ sống trên cây. Vì màu lông sặc sỡ (cẳng chân nâu đỏ, cẳng tay trắng, trong khi bàn chân bàn tay lại đen, mặt vàng, râu quai nón trắng, mông con đực trắng…) giống này còn được gọi là voọc ngũ sắc hay Nữ hoàng của loài linh trưởng. Khắp thế giới, voọc ngũ sắc chỉ được tìm thấy trên dãy Trường Sơn, mà Sơn Trà là một phần nằm tách rời. Nên voọc đã sinh ra ở Sơn Trà thì cũng chỉ loanh quanh trên bán đảo này mà thôi.
Sau khi voọc ngũ sắc được Đà Nẵng chọn làm biểu tượng nhận diện cho thành phố nhân đăng cai hội nghị APEC 2017, số lượng ảnh chụp về loài này tăng vọt. Theo nhà nhiếp ảnh Lê Phước Chín, thời gian dễ gặp voọc và cũng dễ chụp ảnh chúng là từ 6h đến 10h và 15h30 đến 18h hằng ngày. Đây là lúc đàn voọc đi kiếm ăn. Thường xuyên “bị” giới nghiên cứu và các nhiếp ảnh gia đeo đuổi nên voọc Sơn Trà đâm dạn người. Anh Chín cho hay, có lúc anh chỉ cách con voọc có 3m. Theo giới khoa học, voọc ngũ sắc có bộ gene giống người tới 96%. Chả trách mặt mũi chúng trông sáng sủa cùng phong thái luôn toát lên vẻ điềm đạm, chứ không nhắng nhít như lũ khỉ đỏ đít.
Cắm trại đúng chỗ cấm
Nếu tính dùng xe máy chinh phục Sơn Trà thì bạn nên chừa xe tay ga ra. Vì đường nhiều chỗ rất dốc, phanh tay khá mạo hiểm. Ngoài ra nếu vớ phải xe cũ thì cực tốn tiền xăng. Chúng tôi đang lo không biết dắt xe xuống núi kiểu gì thì vớ được trạm bán nước và cả xăng đóng chai bày ngay bên đường. Gọi điện thoại, chủ hàng cho biết đang ở dưới biển, 7 phút nữa sẽ có mặt. Quả nhiên mươi phút sau, một thanh niên ở trần có hình xăm xuất hiện. Anh cũng kiêm luôn trông xe cho du khách xuống chơi bãi biển. Chúng tôi phát hiện ra ghềnh Bàng tình cờ như thế.
Ghềnh Bàng có khả năng làm cho các bãi tắm mịn màng trở nên nhàm chán. Đến đây bạn không chỉ bơi ngoài biển mà còn có thể ngâm mình trong những hồ tắm tự nhiên do đá quây lại. Khó có thể tìm thấy cát ở đây, đá thì vô thiên lủng. Có những tảng đá tạo thành cả một bình nguyên nho nhỏ. Lại có cả một khe nước ngọt. Vì thế mà ghềnh Bàng trở thành nơi cắm trại kín đáo của giới trẻ Đà Nẵng. Quãng đường mà anh bán xăng đi mất 7 phút, chúng tôi phải mất đến 27 phút. Ngoắt ngoéo gập ghềnh là thế nhưng trên đường về vẫn gặp một nhóm bạn trẻ mang vác đủ các thứ phục vụ cho buổi liên hoan và cắm trại qua đêm tại ghềnh Bàng. Trong đó nặng nhất hẳn là cái loa thùng.
Cái loa giống kiểu mà những bạn trẻ hát rong vẫn đẩy đi khắp phố xá ấy tôi cũng mới gặp trên nhà Vọng Cảnh, cách đỉnh Bàn Cờ mấy cây. Nó đứng trong lều cùng hai thanh niên đang say giấc. Lúc đó hẵng sớm mà. Gần đó trên nóc nhà vệ sinh thêm chiếc lều nữa. Thật là những nơi đắc địa để hạ trại vui chơi. Trừ việc cả hai nơi đều có bảng cấm cắm trại và lưu trú qua đêm.
Hẹn lần tới, san hô
Đi gần đến bãi Nam thấy có bảng quảng cáo lặn biển (snorkeling), quyết định thử. Dù lúc đó đã là 5h chiều, cũng là do gặp phải nhân viên bán hàng khéo quá. Chị khơi gợi nhỡ sáng mai trời mưa thì sao. Thế là tặc lưỡi vớt vát chút nắng chiều.
Tuy treo biển nhưng hóa ra chị chỉ môi giới. Chúng tôi đi theo chị cả cây số mới đến chỗ lặn. Chị đếm đủ tiền, về luôn. Chúng tôi được chở bằng ca-nô nhỏ ra bãi đáp là một cái bè tre cố định trên mặt biển. Trên bè có một kho chứa các loại ngư cụ, có mặt nạ và ống thở. Ban đầu khá thất vọng khi cứ cúi gằm mặt xuống chỉ để thấy một màu xám xịt. Trong lúc đó anh lái thuyền chỉ ngồi trên bè đợi chứ không có ý định dẫn khách.
Không phân biệt được phương hướng, lại luôn trong tình trạng bị sóng hút ra xa nên mãi mới tìm đến được nơi có san hô. Có chỗ nông đến nỗi phải khó khăn lắm mới không bị san hô cào xước mình mẩy. San hô Sơn Trà mọc khá dày, đẹp, nhưng số bị chết trắng cũng nhiều không kém. Rất tiếc trời tối dần nên không thể ngắm nghía nhiều hơn. Rút cuộc tốn 300 nghìn đồng/người cho chưa đầy một tiếng lặn.
Trở về, anh lái tàu mới cho biết, nếu đặt trực tiếp với anh sẽ có giá rẻ hơn và còn được dìu đến tận nơi có san hô. Và, bắt đầu lặn vào 5h chiều đã là quá muộn. Trong khi anh nói còn có một bãi san hô đang được bộ đội biên phòng gây giống không cho du khách tiếp cận, thì người phụ nữ kia cam đoan nếu chúng tôi trả hơn, chị có thể dẫn đến đấy cho lặn. Thấy bảo ghềnh Bàng lặn xuống cũng đầy san hô... Tóm lại là Sơn Trà còn vô số chỗ hay ho, hẹn lần sau khám phá tiếp.
Mới đây có dịp ở Sơn Trà lâu hơn, đủ hiểu vì sao người ta lại thiết tha xây nhà để nghỉ dưỡng nơi này đến vậy. Ở Sơn Trà cùng lúc vừa được hưởng không khí miền núi lẫn miền biển.