Một ngày ở nơi luyện cảnh khuyển

Huấn luyện viên cùng cảnh khuyển đứng nghiêm nghe hiệu lệnh.
Huấn luyện viên cùng cảnh khuyển đứng nghiêm nghe hiệu lệnh.
TP - Sau khi nghe lệnh sỹ quan huấn luyện, các chú chó của Đội quản lý sử dụng chó nghiệp vụ thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động, CA TPHCM, tại phường Linh Trung, quận Thủ Đức nhanh chóng vượt các chướng ngại vật, ngửi mùi truy tìm mục tiêu. Khi phát hiện được, chúng dừng lại đào bới và sủa liên tục báo hiệu.

Tuyển lựa kỹ càng

Trung tá Trần Bá Tâm, Đội trưởng Đội quản lý sử dụng chó nghiệp vụ cho biết: “Chó nghiệp vụ chúng tôi huấn luyện ở đây phần lớn là giống chó Bergie và Rottweiler, nhập về từ Belarus và Đức đã trưởng thành, đã qua sự chăm sóc, huấn luyện ban đầu từ Cục Quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ (C69), Bộ Công an. Đi kèm theo từng cảnh khuyển là một sĩ quan đã nuôi dưỡng, chăm sóc từng con từ nhỏ, để cho từng cảnh khuyển khỏi “lạ nước, lạ cái” khi về Đội. Đây là cách giúp các chiến sĩ huấn luyện nghiệp vụ chuyên sâu sau này”.

Cũng theo Trung tá Tâm, mỗi cảnh khuyển được tuyển chọn dựa vào đặc tính, khả năng để được tập luyện vào các nghiệp vụ khác nhau như: Trấn áp tội phạm, chống bạo loạn, giám định nguồn hơi để phục vụ công tác rà soát thuốc nổ, ma túy, cứu hộ, cứu nạn… “Huấn luyện chúng rất khó khăn. Những sĩ quan huấn luyện viên phải hiểu ý, dụ dỗ bằng thức ăn, đồ chơi để tạo sự thân thiện rồi mới hướng dẫn làm theo lời mình. Ở đội, trung bình mỗi cảnh khuyển nhận về chúng tôi huấn luyện khoảng trên dưới một năm là có thể cho chúng nhận nhiệm vụ tại hiện trường”, Trung tá Tâm cho biết.

Một ngày ở nơi luyện cảnh khuyển ảnh 1 Vượt chướng ngại vật.

Khoảng một năm huấn luyện, mỗi cảnh khuyển sẽ phải thi để được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp. Bài thi gồm 15 thao tác như: Bò, trườn, nằm, ngồi, chi hầm, vượt rào, chướng ngại vật, đánh hơi, tấn công… Rồi sau đó, theo kỹ năng vượt trội của từng cảnh khuyển, các chú chó sẽ được phân chia huấn luyện theo các chuyên ngành, sở trường của mình.

“Là những “chiến sĩ” đặc biệt, mỗi cảnh khuyển có chế độ ăn cũng đặc biệt mỗi ngày theo độ tuổi và cân nặng. Còn trong huấn luyện và thực thi nhiệm vụ, “em” nào có thành tích thì cho thưởng thêm một bữa bánh hay 2 quả trứng vịt lộn để “bồi dưỡng””. 

 Trung tá Trần bá Tâm

Các sĩ quan, chiến sĩ huấn luyện canh khuyển có thể ví như là một “mẹ nuôi” của từng cảnh khuyển. Họ được tuyển chọn đặc biệt, có người là chiến sĩ thi hành nghĩa vụ quân sự, hết thời hạn phải qua một qui trình tuyển chọn và đào tạo riêng rồi mới được phân về Đội. Có người là sĩ quan chuyên nghiệp, có nghiệp vụ được đào tạo từ C69. Khi về đội, mỗi cảnh khuyển đều phải có lý lịch và “gia phả” để theo dõi.

Lý lịch này rất quan trọng trong công tác huấn luyện vì “có biết được nguồn gốc, thuần chủng hay đã lai, lai đời F1 hay bao nhiêu, để biết tính khí và khả năng để đưa ra bài huấn luyện phù hợp cho từng cảnh khuyển”.

“Là những “chiến sĩ” đặc biệt, mỗi cảnh khuyển có chế độ ăn cũng đặc biệt mỗi ngày theo độ tuổi và cân nặng. Còn trong huấn luyện và thực thi nhiệm vụ, “em” nào có thành tích thì cho thưởng thêm một bữa bánh hay 2 quả trứng vịt lộn để “bồi dưỡng””, Trung tá Tâm chia sẻ.

Một ngày ở nơi luyện cảnh khuyển ảnh 2 Bài tập khống chế nghi can khủng bố, hình sự.

Hiểu chó như hiểu người

Theo những huấn luyện viên, quan trọng nhất là bước làm quen, thực hiện công tác thuận hòa với chó. Chó có tốt đến mấy mà không thuận hòa được với huấn luyện viên thì cũng không thành công. Chính thế, có những HLV phải thay tới 2-3 con chó mới có được một con làm bạn. Rồi ngay cả khâu chăm sóc cũng rất tỉ mỉ, biết đến tính nết, sở thích của từng con để giúp chúng ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, đúng khẩu phần, tăng sức đề kháng.

Mỗi ngày các huấn luyện viên và những chú cảnh khuyển phải dành tới 4 tiếng đồng hồ cho công tác huấn luyện. Đơn giản nhất là tập các động tác nghiêm, nghỉ, nằm, bò nhưng cũng rèn được cho chúng tính kỷ luật, thói quen chấp hành đúng các hiệu lệnh, rồi đến các động tác ngửi đánh hơi đồ vật, bò tiếp cận mục tiêu, tấn công và khống chế đối tượng.

Trong những ngày nắng quá gắt thời gian huấn luyện trên thao trường cũng phải rút ngắn lại vì cảnh khuyển phải nằm thở để giải tỏa thân nhiệt. Mưa to cũng phải nghỉ. Các chú cảnh khuyển của Đội quản lý sử dụng chó nghiệp vụ cũng có đội ngũ bác sĩ thú y chăm sóc sức khỏe hàng ngày. Cảnh khuyển, tuy được huấn luyện và chăm sóc đặc biệt nhưng cũng bị các loại bệnh thông thường như những chú chó bình thường khác. Như bệnh viêm ruột, dạ dày, giun sán, viêm phế quản, viêm phổi… đòi hỏi đội ngũ bác sĩ ở đây phải thăm khám thường xuyên.

Cứ mỗi sáng trước khi bước vào huấn luyện, các bác sĩ đi một vòng quanh các chuồng nuôi nhốt để thăm nom các chú cảnh khuyển, thấy chú nào ủ dột, tiếng sủa không to, vang, hoặc có biểu hiện “trái gió trở trời” là phải điều trị ngay tại chỗ. Tất cả nhằm đảm bảo các cảnh khuyển đều phải có cân nặng từ 30 đến trên 45kg, thể lực luôn sung mãn để luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Chú nào bệnh quá nặng thì Đội sẽ đưa qua Trung tâm y tế của Trường Đại học Nông Lâm gần đó điều trị. Đây cũng là nơi liên kết với Đội để chăm sóc cảnh khuyển và cũng là nơi “tiễn đưa” những cảnh khuyển nào chết vì già, vì bệnh.

Một ngày ở nơi luyện cảnh khuyển ảnh 3 Thiếu úy Nguyễn Văn Sang chải lông cho chú chó Bugi sau một ngày vất vả trên thao trường.

Tình nghĩa chó với người

Với đặc thù là chó nghiệp vụ, vì thế đòi hỏi các cán bộ, chiến sĩ làm công tác huấn luyện phải tinh thông nghiệp vụ mới có thể ra được những hiệu lệnh chính xác nhất… Theo các cán bộ chiến sĩ tại đây, tuổi “dắt chó” sung mãn nhất của các huấn luyện viên chỉ dao động trong khoảng từ 25-35 tuổi, sau tuổi này, cần có sự kế cận của các lớp huấn luyện viên mới, trẻ trung, nhanh nhẹn hơn. Với các cảnh khuyển cũng có thời hạn “tuổi vàng”  5 đến 7 năm, sau đó đã bị coi là già cần nghỉ ngơi.

Thiếu uý Nguyễn Văn Sang, người huấn luyện chú chó Bergie có tên là Bugi tâm tình: “Tôi với con Bugi này đã như anh em hơn một năm rồi, cùng ra thao trường, cùng chạy cùng nhảy, cùng huấn luyện chung mọi khẩu lệnh, thao tác nghiệp vụ nên nó vui thì tôi vui, cùng đùa giỡn, nó buồn tôi phải an ủi, vuốt ve. Hàng ngày, tôi tắm, chải lông, cho nó ăn, dắt nó đi dạo, lo lắng đến mất ngủ khi nó bệnh… Đây vừa là nghiệp vụ vừa là sự gắn kết tình cảm tự nhiên để nó phục vụ được tốt hơn. Là chiến sĩ cảnh sát, nhiệm vụ của tôi là phục tùng mệnh lệnh nhưng sau 5-6 năm nữa, khi Bugi “già”, phải nghỉ, tôi sẽ rất buồn khi phải xa nó. Bởi, tôi với nó bây giờ đã như là bằng hữu rồi”.

Cảnh khuyển của Đội không chỉ tham gia phá án ma tuý lớn ở Đồng Nai, các quán bar ở trung tâm Sài Gòn, nhiều cảnh khuyển còn tham gia, hỗ trợ các vụ án trấn áp tội phạm hình sự, có vũ khí. Trung tá Tâm kể, đặc điểm của cảnh khuyển là tấn công chớp nhoáng, đã cắn rồi thì không nhả đối thủ, chỉ khi nào có khẩu lệnh hoặc cán bộ, chiến sĩ huấn luyện nhảy vào kéo ra thì nó mới chịu buông tha nên ai mà chả sợ.

MỚI - NÓNG