Mong ước làm cha của người nhiễm HIV
Dù Lò Thanh Tân chỉ thử ma túy có một lần duy nhất, nhưng anh đã bị nhiễm HIV.
Chỉ đến ngày được gọi đi nhập ngũ, Tân mới biết mình bị nhiễm căn bệnh thế kỷ này. Không chấp nhận thực tế đó, anh đã xét nghiệm đi xét nghiệm lại tới 6 lần, kết quả vẫn là dương tính. Ban đầu không hiểu HIV là bệnh gì nên anh thấy cũng… bình thường, không sốc gì cả. “Sau này biết rồi cũng có “nghĩ ngợi”, rồi được cán bộ y tế tuyên truyền, hiểu ra, giờ được điều trị ARV, sức khỏe ổn định thì cũng vui vẻ, không lo nghĩ gì”, anh Tân nói.
Ngồi cạnh chồng, chị Quàng Thị Nguộc ôm đứa con gái vừa đầy tháng tủm tỉm cười. Biết anh nhiễm HIV, nhưng chị Nguộc vẫn quyết tâm làm vợ. Người phụ nữ sinh năm 1985 này nhìn khắc khổ, già hơn chồng, đã có một quãng đời khổ cực vất vả. Lấy chồng từ sớm, sinh được 2 người con nhưng Quàng Thị Nguộc chưa có một ngày hạnh phúc. Chồng cũ chị nghiện ngập, bán hết cả nhà cửa. Cuộc sống khổ cực vì đói nghèo, vợ chồng thiếu hạnh phúc, chia tay chồng chị ôm đứa con gái về nhà mẹ đẻ. Không dám nghĩ nhiều tới hạnh phúc nhưng khi gặp Lò Thanh Tân, chị đưa con gái về và nên vợ nên chồng với anh.
Để có được giây phút hạnh phúc này là sự nỗ lực và cố gắng của rất nhiều người. Chị Nguyễn Thị Liên, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thanh Xương chia sẻ: “Ngay khi Tân lấy vợ, chúng tôi đã đến tư vấn cho cậu ấy cách phòng tránh lây nhiễm HIV sang vợ. Biết nguyện vọng cháy bỏng của Tân là muốn có con, chúng tôi phải hướng dẫn từng ly từng tý, rồi cho vợ Tân uống thuốc dự phòng. Đến giờ phút này, cả mẹ và con đều không bị nhiễm HIV, mừng lắm”.
Nhưng không phải tất cả những người bị lây nhiễm HIV/AIDS đều có được kết cục như vợ chồng Tân, Nguộc. Khoảng 5 - 7 năm trước đây, ở xã Thanh Xương người chết vì AIDS liên tục khiến nhiều gia đình đau khổ, bà con lo lắng.
Tính đến nay, trong xã lũy tích tới 185 người nhiễm HIV, 75 người tử vong do AIDS, 40 người mất dấu… Người nhiễm chủ yếu trong độ tuổi 18 – 39, nam giới chiếm 85%, phụ nữ chủ yếu lây từ chồng. Tuy nhiên, nhờ công tác phòng chống HIV/AIDS được đẩy mạnh, đặc biệt là nhờ phương pháp điều trị HIV 2.0 được triển khai từ năm 2012 tại xã, số người nhiễm HIV, phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị ARV, được uống thuốc dự phòng… đã giúp tỷ lệ tử vong do AIDS giảm rõ rệt. Điều đáng mừng nhất ở Thanh Xương là từ đầu năm 2014 đến nay, xét nghiệm 184 người không phát hiện trường hợp nào nhiễm HIV.
Nỗ lực vì cộng đồng
Chị Liên tâm sự, khó tiếp cận nhất vẫn là những người đang sử dụng ma túy lang thang nay đây mai đó. Nhân viên y tế đến nhà nhiều lần, có gặp được thì họ cũng ậm ừ rồi đi mất. Từ lúc đưa được mô hình điều trị cai nghiện thay thế methadone về tại xã, những người nghiện nhiễm HIV đã được điều trị methadone thì tiếp cận điều trị ARV cho họ rất dễ.
Giọng khá buồn, chị Liên kể: “Trong số những ca nhiễm HIV, có một trường hợp chúng tôi buồn mãi. Trong khi người khác tuân thủ giữ gìn tránh lây nhiễm cho vợ qua sinh hoạt tình dục thì một trường hợp nghiện cả ma túy và rượu, khi uống rượu về say bắt vợ quan hệ và không dùng bao cao su, khiến vợ bị lây”. Điều chị Liên canh cánh nhất trong lòng đó là làm thế nào để thế hệ trẻ không có người nghiện, người nhiễm HIV. Người nhiễm rồi thì được điều trị, được lao động, sống có ích và biết bảo vệ người bạn đời, bạn tình của mình.
Thanh Xương là một trong số những xã có tỷ lệ người nhiễm HIV cao ở Điện Biên đã có những nỗ lực vì người nhiễm trong cộng đồng, giúp cuộc sống của họ và người thân thay đổi rõ rệt.
Tuy nhiên, theo BS Hoàng Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Điện Biên thì đây vẫn là cuộc chiến dài đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhận thức của người dân và nguồn lực cho công tác này. Điện Biên là tỉnh có hơn 400 km là đường biên giới tiếp giáp với Lào và Trung Quốc.
Tình hình mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép chất ma túy rất phức tạp, ảnh hưởng lớn đến công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tính đến ngày 30/7/2014, toàn tỉnh có 9.555 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (tăng 1.886 người so với năm 2013).
Tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm tiêm chích ma túy còn rất cao, tới 30% và tiêm chích ma túy vẫn là nguyên nhân chính làm gia tăng lây nhiễm HIV. Theo kết quả khảo sát thống kê, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 200 gái bán dâm, tập trung chủ yếu ở TP Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên, huyện Tuần Giáo, thị xã Mường Lay. Tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm gái mại dâm còn chiếm 11%.
Mặc dù còn nhiều khó khăn về nhân lực, nguồn lực nhưng BS Hoàng Văn Chiến khẳng định, Điện Biên nỗ lực triển khai công tác phòng, chống HIV/AIDS, tăng độ bao phủ đến những vùng còn khó khăn để giảm số người nhiễm HIV, số người tử vong vì AIDS một cách bền vững.
Điện Biên là tỉnh trọng điểm về ma túy và HIV/AIDS. Lũy tích các trường hợp nhiễm HIV là 7.528 trường hợp, trong đó còn sống quản lý được 4.092 người. Lũy tích bệnh nhân AIDS là 4.731 người còn sống 1.814. Trong 10 tháng đầu năm 2014 tỉnh phát hiện thêm 291 trường hợp nhiễm HIV mới, giảm 155 người (65,2%) so với cùng kỳ 2013, trong đó tử vong mới do AIDS là 248 ca. Hiện nay 10/10 số huyện, thị, thành phố và 107/130 xã, phường trong tỉnh có người nhiễm HIV/AIDS. Tỷ lệ người nhiễm HIV còn sống trên dân số là 0,76%.