Một khát vọng hòa bình

0:00 / 0:00
0:00
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên bắt tay luật sư Triệu Quốc Mạnh (bìa trái) cựu Đô trưởng Cảnh sát Sài Gòn – Gia Định
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên bắt tay luật sư Triệu Quốc Mạnh (bìa trái) cựu Đô trưởng Cảnh sát Sài Gòn – Gia Định
TP - Sáng 28/4, Thành ủy TPHCM tổ chức Họp mặt kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2021).

Tham dự có ông Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, nguyên Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM; Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cùng nhiều lão thành cách mạng, gia đình các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các nhân chứng lịch sử, nhân sĩ trí thức yêu nước...

Cầm súng vì hòa bình

Tại buổi họp mặt, luật sư Triệu Quốc Mạnh, nguyên Đô trưởng Cảnh sát Sài Gòn - Gia Định chia sẻ niềm xúc động và tự hào mỗi khi nhắc nhớ về những ngày tháng 4 lịch sử năm 1975. Ông Mạnh kể, khi ấy, ông đã là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam và là cơ sở nội tuyến của cách mạng ở Sài Gòn. Khi tướng Dương Văn Minh chuẩn bị lên làm Tổng thống Việt Nam Cộng hòa và lập nội các mới đã mời ông Mạnh làm cảnh sát trưởng Sài Gòn - Gia Định.

“Một luật sư lại được mời làm cảnh sát trưởng, trong bối cảnh Sài Gòn vô cùng rối ren, hỗn loạn. Các phe phái tranh giành quyền lực. Không khéo có thể bị ám sát như chơi”, ông Mạnh nhớ lại. Ông nhận thấy đây là cơ hội, là việc có lợi cho cách mạng nên chính thức nhận lời ông Minh vào sáng 29/4/1975.

Ngày 28/4, nhân dịp kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tại Đồng Nai, Bộ Quốc phòng phối hợp Tỉnh ủy Đồng Nai tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Hướng Đông Nam trên địa bàn Đồng Nai trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”. Sau 3 ngày đêm chiến đấu, quân và dân ở hướng Đông Nam đã đánh sập hệ thống phòng ngự của quân đội ngụy Sài Gòn ở Đồng Nai, tạo điều kiện Quân đoàn 2 nhanh chóng đánh chiếm dinh Độc Lập.

TTXVN

Việc đầu tiên mà luật sư Mạnh bắt tay vào làm ngay là… giải tán lực lượng cảnh sát đặc biệt và yêu cầu các trại giam không được bạc đãi, tra tấn tù chính trị. Theo lệnh của ông Mạnh, lực lượng cảnh sát Sài Gòn - Gia Định đã án binh bất động, không gây đổ máu trong những ngày cuối cùng của chính quyền Sài Gòn. “Ngày 30/4 cũng là ngày tôi thực hiện được ước mơ, hoài bão của mình từ thời niên thiếu. Đó là khát khao được sống trong một đất nước hòa bình”, ông Mạnh chia sẻ.

GS Trần Đông A (Anh hùng Lao động, Thầy thuốc nhân dân) từng là thiếu tá quân y của chính quyền Sài Gòn. Tại buổi họp mặt, ông trải lòng: “Mỗi năm, cứ đến ngày 30/4, tôi đều bồi hồi xúc động bởi đất nước mình đã được hòa bình, thống nhất. Ước mơ giản dị này cả đời ông nội và cha tôi hằng mơ ước nhưng chưa thể làm được”.

Hòa bình, thống nhất cũng chính là động lực giúp ông vượt qua những thời khắc khó khăn, gian khổ nhất. GS Đông A chia sẻ về quyết định từ chối định cư tại Mỹ, dù được Chính phủ Mỹ bảo lãnh đặc biệt. “Nhiều người bảo tôi dại. Với tay nghề của mình, lại được bảo lãnh đặc biệt, sao không đi? Nhưng với tôi đó là quyết định đặc biệt trong cuộc đời. Lúc đó, có đài nước ngoài phỏng vấn, tôi đã nói: Vì trẻ em Việt Nam cần tôi, vì phẫu thuật nhi khoa là chuyên môn của tôi”, ông kể. GS Đông A nói ông cảm thấy vinh dự và tự hào khi được tin tưởng giao trọng trách là phẫu thuật viên chính trong ca mổ tách cặp song sinh Việt - Đức năm 1988. Đây là ca phẫu thuật chưa từng có tiền lệ vì lúc đó Việt Nam đang bị bao vây, cấm vận, điều kiện vô cùng khó khăn, trang thiết bị, vật tư y tế thiếu thốn nhưng ca mổ đã thành công, gây được tiếng vang lớn trên thế giới.

Vì một Việt Nam hùng cường

Kể về lần cuối cùng đơn vị vượt sông tiến về Tân Trụ (Long An) cuối tháng 4/1975, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam TPHCM, nói rằng, nhờ sự bao bọc, chở che của người dân, chúng ta vượt qua mọi khó khăn, gian khổ và đi đến thắng lợi cuối cùng. Trong cuộc chiến ác liệt, người dân phá từng cánh cửa nhà, tấm phản nằm, thậm chí tủ thờ để cho bộ đội làm nắp công sự chiến đấu.

“Ông Triệu Quốc Mạnh đã tự chọn sứ mệnh, chấp nhận mạo hiểm, để góp phần cho đất nước hòa bình, không còn tiếng súng, thêm chết chóc… Có người từng là con cháu của tướng lĩnh, lãnh đạo cấp cao, không chỉ là chiến sĩ cách mạng mà thậm chí cả người ở phía bên kia. Họ đã tiếp tục sự nghiệp xây dựng đất nước, xứng đáng với câu thơ Lớp cha trước, lớp con sau/ Đã thành đồng chí, chung câu quân hành”

Ông Nguyễn Văn Nên – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM

Ông Kiều Xuân Long, Trưởng Ban liên lạc Ban Trí vận Sài Gòn-Gia Định, nói về ý nghĩa của dòng chữ: “Bảo vệ danh dự dân tộc” phía sau những tấm hình đã hoen ố màu thời gian. Đó là lẽ sống của những trí thức Sài Gòn năm xưa và đến nay vẫn còn ý nghĩa, nhất là với các thế hệ trẻ, nhân sĩ, trí thức trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước vì danh dự của dân tộc.

Chủ tịch Hội Doanh nghiệp cựu chiến binh Việt Nam, ông Lê Văn Kiểm, người 2 lần được phong Anh hùng thời kỳ đổi mới, trong ngày 30/4 lịch sử đã có mặt trong đoàn quân giải phóng vào tiếp quản Sài Gòn. Ông Kiểm nói, khi hòa bình lập lại, ông suy nghĩ ngay đến việc góp phần xây dựng đất nước trong thời bình, để người dân có được cuộc sống ấm no hơn. Và, đến nay, Hiệp hội Doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam đã có mặt ở tất cả các tỉnh thành trong cả nước, đóng góp 338 tỷ đồng cho các hoạt động từ thiện xã hội và các chương trình đền ơn đáp nghĩa. “Các thế hệ trẻ hôm nay được sinh ra trong thời bình, được tiếp cận với khoa học công nghệ. Các bạn hãy làm những việc xứng đáng với những tấm gương cha anh đã hy sinh cho nền độc lập hôm nay. Đó là mong muốn lớn nhất của thế hệ chúng tôi khi cầm súng chiến đấu cho độc lập, thống nhất”, ông Kiểm chia sẻ.

MỚI - NÓNG