Một hiền tài đã về với Đầu Mâu, Hạc Hải

 Ông Trần Sự
Ông Trần Sự
TP - Chỉ đeo lon Trung tá, chỉ huy mặt trận Quảng Bình trong những năm kháng chiến chống Mỹ, nhưng ông Trần Sự (1928 - 2018) được nhiều tướng Mỹ “nhầm” là tướng và xem ông là “đối thủ đáng kính”. Đặc biệt, người Mỹ tôn trọng ông trước tư tưởng cởi mở, hòa giải thời hậu chiến.

Nhân tài quân sự hiếm có

Ông Trần Sự sinh năm 1928, quê ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy. Ông có họ hàng cả đằng nội, đằng ngoại và ở sát cạnh nhà của Đại tường Võ Nguyên Giáp. Ông được đánh giá là một chiến binh dũng cảm, mưu lược trong chiến tranh, đồng thời có tầm nhìn chiến lược trong xây dựng và phát triển kinh tế.

Năm 27 tuổi (1955) ông đeo lon Trung tá, giữ chức Chỉ huy trưởng quân sự tỉnh Quảng Bình cho đến năm 1974. Nhập tỉnh, chuyển qua dân sự, ông làm Phó Chủ tịch tỉnh Bình - Trị - Thiên, rồi tách tỉnh làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình và nghỉ hưu năm 1995. Cuộc đời cách mạng của ông hấp dẫn như trường thiên tiểu thuyết.

Năm 16 tuổi (1944), ông gia nhập đội tự vệ cảm tử làng An Xá, rồi nhanh chóng lên chỉ huy quân sự của huyện Lệ Thủy nhờ những trận công đồn giặc Pháp vang dội. Ông kể, thời đó trong tay chỉ con dao găm, nhưng ông và các đồng đội đánh tan hàng loạt đồn địch dọc sông Kiến Giang và dọc QL1A ngày nay.

"Mình không có súng ống thì phải tìm cách đánh giáp lá cà thôi. Vậy là mình nghĩ ra cách, nửa đêm trút bỏ quần áo, trần truồng bôi luyn (dầu nhớt) khắp người, đột nhập vào đồn địch dùng dao găm để chiến đấu. Cận chiến, địch không thể cầm nắm được mình vì trơn tuột. Nhiều trận, phía mình chỉ mươi người nhưng đánh tan cả một đồn địch” - ông Sự kể.

Chiến tranh chống Mỹ, ông chỉ huy mặt trận Quảng Bình, ngoài bộ đội địa phương ông còn được quyền chỉ huy bộ đội chủ lực đóng trên địa bàn từ cấp trung đoàn trở xuống. Sau này, khi chiến tranh kết thúc, nhiều tướng Mỹ nói với ông rằng, họ đã từng rất cay cú với mặt trận Quảng Bình. Hàng trăm máy bay, tàu chiến của Mỹ bị bắn rơi, bắn cháy tại vùng đất lửa này, nhưng họ không thể tìm thấy các cơ sở quân sự do ông Sự chỉ huy và bố trí trên đất Quảng Bình.

Sau chiến dịch Mậu Thân năm 1968, quân và dân miền Nam tổn thất rất nặng nề, trong đó có chiến trường Quảng Trị. Lòng dân hoang mang trước những thông tin xuyên tạc của phía địch, rằng, chúng đã đánh tan lực lượng Cộng sản ở miền Nam. Trước tình hình này, Quân ủy Trung ương chỉ thị cho ông bằng mọi cách phải gây tiếng vang trên chiến trường Quảng Trị. Nhận lệnh, ông dẫn đội quân “địa phương” của mình lên đường.

Bằng sự dũng cảm và mưu lược, ông chỉ huy hàng loạt trận đánh kinh thiên động địa trên đất Quảng Trị. Tại thời điểm đó, các nhà quân sự và báo chí phương Tây nhận định: Rất có thể đã có một đội quân nước ngoài nào đó vào Quảng Trị giúp miền Bắc. “Lối đánh du kích, lấy ít địch nhiều, đánh đúng điểm yếu của địch… là do tôi học được từ tư tưởng quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp” - ông Trần Sự nói.

Bất ngờ được người Mỹ “phong” tướng

Năm 2012, khi ông Trần Sự đang điều trị bệnh mắt ở Bệnh viện TƯ Huế, bất ngờ nhận đươc bức thư do cựu tướng không quân Hoa Kỳ, ông Donald W.Shepperd gửi từ Mỹ, với tiêu đề “Gửi tướng Việt Nam”.

Ông Donald W.Shepperd viết rằng, ông rất muốn quay trở lại Việt Nam, đặc biệt là Quảng Bình để gặp gỡ chỉ huy mặt trận Quảng Bình, người mà ông chưa biết mặt, biết tên nhưng lại rất kính trọng: “Cả hai chúng ta đều biết chi phí của chiến tranh, những bi kịch thảm khốc và hầu hết là những người trẻ phải gánh chịu. Tôi hy vọng là chúng ta đủ thông thái để tìm ra cách tốt nhất giải quyết các vấn đề xung đột trong tương lai và tôi chân thành hy vọng rằng đất nước của chúng ta sẽ giữ gìn tình bạn bền chặt” - Bức thư có đoạn viết.

Cũng trong năm 2012, ông Trần Sự tiếp tục nhận được thư của đại tướng Ronald R.Foglenman, sĩ quan nghỉ hưu quân đội Hoa Kỳ, với mong muốn được gặp gỡ “tướng” Trần Sự: “Trong giai đoạn tôi bắt đầu đi lính sau năm 1968, tôi là một sĩ quan kiểm soát không quân Mỹ (còn gọi là Misty)… Đơn vị của tôi và lực lượng của ngài đã từng nhiều lần đụng độ nhau ác liệt cả trên không phận lẫn địa phận tỉnh Quảng Bình. Đại tá Roger Van Dyken, một sĩ quan nghỉ hưu từng công tác trong lực lượng Misty nói rằng, trong một lần gặp gỡ với ngài Trần Sự, được biết ngài chính là người đã từng lãnh đạo lực lượng vũ trang Quảng Bình từ những ngày đầu của Việt Minh đến khi kết thúc cuộc chiến tranh, mà chúng tôi gọi là chiến tranh Việt Nam, còn phía các ngài gọi là chiến tranh chống Mỹ.  

Con đường từ hòa bình đến chiến tranh thường rất ngắn, trong khi con đường từ chiến tranh đến hòa bình dài hơn rất nhiều… Tôi chân thành cảm ơn vì ngài đã rộng lượng đồng ý gặp gỡ với chúng tôi và hy vọng thông qua cuộc gặp, chúng ta sẽ cùng nhau tìm ra nhiều biện pháp để hàn gắn vết thương chiến tranh đồng thời thúc đẩy tương lai tươi sáng cho người dân của cả hai đất nước chúng ta. Tôi rất vinh dự được cùng ngài đóng góp công sức trên chặng đường này” - Trích bức thư.

Tầm nhìn chiến lược

Giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình sau khi chia tách từ Bình - Trị - Thiên, ông Trần Sự được đánh giá là người góp công lao to lớn để xây dựng lại Quảng Bình bằng những quyết sách táo bạo và mang tầm chiến lược.

Ông kể, ngày chia tỉnh, Quảng Bình gần như là con số 0 tròn trịa. Bộ máy Đảng, chính quyền phải làm việc trong những dãy nhà tập thể cũ nát, cán bộ thì phải ở nhờ nhà dân. An cư mới lạc nghiệp, ông quyết định dùng số tiền 800 triệu của TƯ hỗ trợ cho cán bộ vay mỗi người 1 đến 2 triệu đồng để làm nhà. Đặc biệt ông khuyến khích cấp đất mặt tiền cho những ai có điều kiện xây nhà từ 2 tầng trở lên. Chỉ trong một thời gian ngắn, từ chỗ hoang vu, bụi đỏ, Đồng Hới trở nên ngăn nắp, sạch đẹp. Từ đó mới xuất hiện câu vè “Muốn làm quan thì vô Huế, muốn làm kinh tế thì ra Đông Hà, muốn làm nhà ra Đồng Hới”.

Ngày đó, sau khi chia tách, nhiều tỉnh hết sức khó khăn, lãnh đạo các tỉnh ai cũng xách cặp ra TƯ xin tiền, riêng ông Trần Sự thì không. Ông ra Hà Nội, lãnh đạo TƯ hỏi xin gì? Ông nói: xin cơ chế. Nhiều người trố mắt, hỏi cơ chế gì? Ông trình bày, TƯ cũng khó, tiền đâu mà cho. Quảng Bình có trữ lượng gỗ mun hơn 1,5 triệu m3, ông muốn TƯ cho phép khai thác 5.000m3 để xuất khẩu.

Đề xuất của ông được TƯ đồng ý. Số tiền xuất khẩu gỗ được ông dùng vào đầu tư quy hoạch, xây dựng các cơ sở công nghiệp. Trong một hội nghị bàn cách phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh miền Trung do Thủ tướng Võ Văn Kiệt chủ trì, hầu hết các tỉnh trình bày khó khăn này nọ, riêng ông Trần Sự phát biểu: Chỉ cần cơ chế cởi mở từ TƯ, giao  quyền chủ động nhiều hơn cho địa phương. Nông nghiệp cũng cần quan tâm để đảm bảo an ninh lương thực, nhưng để bứt phá phải cần đến các cơ sở công nghiệp, thương mại, dịch vụ... Thủ tướng Võ Văn Kiệt kết luận hội nghị, yêu cầu lãnh đạo các tỉnh phải nói và làm như Quảng Bình.

Ông thường tâm sự, đời lính cho ông tính quyết đoán. Trên mọi lĩnh vực, cơ hội chỉ đến một lần còn thách thức thì luôn thường trực. Nếu không nắm bắt được nó thì khó có thành công. Ông có câu nói nổi tiếng: “Muốn chống tham nhũng, chống cục bộ, bè phái thì trước hết trong hàng ngũ lãnh đạo phải chọn cho được 6 vị “sạch”: Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch, tổ chức, kiểm tra và công an. Các vị đó có “sạch” thì bộ máy mới công minh, biện chứng, khách quan”. Ông mất ngày 22/10/2018, hưởng thọ 91 tuổi.

Một hiền tài đã về với Đầu Mâu, Hạc Hải ảnh 1 Các cựu binh Mỹ gặp ông Trần Sự (thứ 5 phải qua) tại nhà riêng ở TP Đồng Hới, Quảng Bình.
MỚI - NÓNG