Đầu giờ học, cô giáo giới thiệu trên màn hình máy chiếu tranh vẽ và đố học sinh: Đây là cây gì, con gì? Nhìn vào tranh, học sinh hào hứng trả lời: cây thị, gà trống, con nai. Sau đó, cô giáo giới thiệu bài học về các từ “nai”, “gà gáy”, “cây thị”. Trong vòng 15 phút, giáo viên giới thiệu xong cách ghép âm, vần, đọc mẫu và mời học sinh đứng lên đọc. Đa số học sinh trong lớp đọc được từ vừa ghép; có em đọc to, rõ ràng, trôi chảy, nhưng cũng có em phải vừa đánh vần vừa đọc.
Cuối giờ, cô giáo giới thiệu bài đọc ứng dụng từ vừa học với khoảng 4 câu có tên “Nai nhỏ”. Ngay khi cô giáo dứt lời đọc mẫu, nhiều học sinh giơ tay xung phong đọc bài. Cô gọi lần lượt từng em, sau đó luyện cho từng tổ và cả lớp đọc bài ứng dụng. Giờ học kết thúc.
Cô Bùi Diễm Hương, một trong những giáo viên cốt cán của trường, cho biết, trong lớp có học sinh nhanh nhẹn nắm bắt được bài ngay, nhưng cũng có em rụt rè, chậm hơn. Mỗi ngày học 2 tiết Tiếng Việt, trong đó tiết 1 học sinh nhận biết âm, vần, ghép từ. Tiết 2 học sinh đọc kỹ bài đọc ứng dụng, trả lời các câu hỏi và luyện viết.
Buổi chiều, với những em còn chậm, cô giáo cho luyện tập tiếp, vì thế đa số học sinh nắm bài ngay trên lớp, cô không giao bài tập về nhà. Theo cô Hương, mục tiêu của chương trình mới vẫn là học sinh đọc thông, viết thạo nên học sinh không cần phải đi học trước. Việc tác giả sách cho thêm các bài đọc ứng dụng giúp học sinh củng cố từ vừa học, giáo viên không phải soạn thêm các bài đọc ở ngoài.
Trong khi đó, cô Đào Thu Thủy, giáo viên chủ nhiệm lớp 1G, Trường Tiểu học Tràng An (Hà Nội), cho biết, năm đầu tiên thực hiện SGK mới, cô trò có gặp khó khăn do chương trình Tiếng Việt có tốc độ nhanh hơn chương trình cũ, được tăng thời lượng từ 10 lên 12 tiết. Tuy nhiên, chương trình được thiết kế theo hướng mở, trao quyền cho giáo viên chủ động, linh hoạt kế hoạch dạy học phù hợp, nên giáo viên tự tin, không bị áp lực. Tiết hướng dẫn học dành nhiều thời gian cho học sinh học Tiếng Việt, không giao bài tập về nhà.
“Mục tiêu vẫn là đọc thông, viết thạo. Thời lượng bài tăng lên… Tôi tin các em sẽ vận dụng được thôi, nhưng giáo viên phải không ngừng nỗ lực, sinh hoạt chuyên môn, sáng tạo và kết hợp chặt chẽ với phụ huynh để nắm bắt thông tin trên lớp con đang học gì để hỗ trợ”, cô Thủy nói.
Giáo viên có quyền chủ động
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Du, bà Bùi Thị Diệu Ngọc, nói rằng, chương trình, SGK mới có phương pháp học rõ nét, gồm 4 phần: khởi động, khám phá, luyện tập và vận dụng. Để thuận lợi cho giáo viên dạy học, trước khi triển khai, trường biên soạn tư liệu, kế hoạch dạy học hằng tuần khớp với chương trình giáo dục phổ thông 2018 và yêu cầu cần đạt trong sách giáo viên của bộ sách. “Việc sắp xếp từng tuần như vậy sẽ nhìn rõ mỗi tuần đạt mục tiêu gì, tích hợp liên môn ra sao. Bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình sẽ tránh được hiểu nhầm quá tải như dư luận hiện nay”, bà Ngọc nói.
“Kinh nghiệm để dạy tốt là giáo viên phải sinh hoạt chuyên môn hằng tuần, nghiên cứu kỹ năng lực học sinh để có cách dạy hiệu quả nhất. Chưa kể, giáo viên phải nắm vững quan điểm SGK chỉ là ngữ liệu còn chương trình mới là pháp lệnh. Khi triển khai, giáo viên có thể thay đổi ngữ liệu phù hợp với học sinh. Đó là quyền chủ động của giáo viên và cũng là cái mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018”, bà Ngọc nói.
Bà Trần Thị Bích Liên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tràng An, bày tỏ, ở chương trình cũ, phải hết học kỳ I, học sinh mới học xong phần âm, nhưng với chương trình mới, hết tháng 9, học sinh đã hoàn thành phần này. Vì thế, khi nhìn vào sách, có cảm giác chương trình nặng hơn, nhưng thời lượng Tiếng Việt đã được tăng lên, Toán giảm xuống.
Trước đây, vài tuần một lần trường mới tổ chức sinh hoạt chuyên môn, nhưng từ khi thực hiện chương trình mới, giáo viên lớp 1 được yêu cầu sinh hoạt chuyên môn hằng ngày để trao đổi thẳng thắn. Đến thời điểm này, giáo viên tự tin, nhà trường cũng không yêu cầu đánh đồng tất cả học sinh phải đạt một năng lực nhất định mà cá thể hóa từng em, bà Liên cho biết.
Ở chương trình cũ, phải hết học kỳ I, học sinh lớp 1 mới học xong phần âm. Nhưng với chương trình mới, hết tháng 9, học sinh đã hoàn thành phần này, bà Trần Thị Bích Liên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tràng An, nói.