TPO - Biển rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của Phú Yên, nơi có chiều dài bờ biển gần 190km và nằm trong vùng biển đa dạng về hải sản. Với sự giúp đỡ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên và Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam, nhóm phóng viên báo Tiền Phong có dịp ra khơi cùng ngư dân ở Hòa Hiệp Nam, qua đó hiểu thêm về cuộc sống coi biển là nhà của bà con "xứ nẫu".
Một ngày đánh cá của ngư dân Phú Yên bắt đầu vào buổi chiều. Nhờ sự giúp đỡ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên và Đại úy Huỳnh Kim Đỉnh thuộc Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam, chúng tôi lên con tàu mang số hiệu PY51629TS, theo chân các ngư dân rời cảng Phú Lạc, phường Hòa Hiệp Nam, thị xã Đông Hòa lúc 2 rưỡi chiều.
Thuyền trưởng Nguyễn Văn Thoại, 65 tuổi, cho biết tàu đánh bắt gần bờ, theo kiểu lưới quây (vây rút) chủ yếu đánh bắt cá theo đàn số lượng lớn. Địa điểm cũng không cố định, tùy thuộc vào kinh nghiệm (quan sát màu sắc nước biển hay gợn sóng), đồng thời kết hợp với máy rà (dò) cá.
Chú Thoại gắn bó với nghề đã 35 năm. Chú tâm sự những năm trở lại đây "càng ngày càng quắt qué" (khó khăn), nhưng vẫn bám lấy nghề, mặc cho nhiều người quyết định lên bờ. "Đi uýnh (đánh) cá như này, hôm có, hôm không có con nào", chú nói.
Làm nghề đánh cá, những chuyến ra khơi phải xét theo trăng. Những hôm rằm, trăng sáng quá không đánh bắt được, ngư dân phải nghỉ. Ngày chúng tôi đi nhằm hôm 17 âm. Theo chú Huỳnh Thanh Tuấn, 51 tuổi, những ngày 16-17 đánh bắt khó khăn nhưng tàu buộc phải đi, nghỉ lâu không được. Đi biển được 10 năm, chú cho biết biển Phú Yên luôn sóng yên, biển lặng, đúng với câu "mảnh đất an - hòa, đất phú trời yên".
Trong chuỗi sự kiện của giải đấu, Ban tổ chức có chương trình tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân Phú Yên bám biển, tàu đánh bắt xa bờ.
Khoảng 4h30 chiều, các ngư dân bắt đầu nấu nướng và dọn cơm. Bữa ăn nấu vội trên tàu gồm một nồi thịt heo xào dưa và một nồi canh cá (được câu trên đường ra khơi). Tuy đơn sơ nhưng đầm ấm, tất cả ăn ngon lành, lấy sức cho một đêm dài sắp tới.
Trong lúc đợi đến giờ buông lưới, các ngư dân tranh thủ câu mực. Trong suốt thời gian, chúng tôi thấy các ngư dân hoàn toàn thoát ly khỏi cuộc sống hiện đại. Họ không dùng điện thoại và chỉ tập trung vào biển, nơi họ gửi gắm niềm hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp.
Khoảng 8h tối, thuyền bắt đầu thả lưới. Lần lượt đèn được bật, phao tiêu, cánh lưới, thân và tùng lưới (phần có mắt lưới nhỏ nhất có chức năng giữ và bắt cá) được thả xuống. Các ngư dân hành động gấp rút và không có động tác thừa.
Công cuộc thu lưới cũng được tiến hành nhanh chóng. Đây là công đoạn vất vả, nặng nhọc nhất. Dù đã lường trước khi ra khơi ngày 17 âm bởi trăng vẫn sáng, các ngư dân vẫn thất vọng trước thành quả không như mong đợi. Chú Thoại tâm sự, đi biển quắt quẻ đêm hôm, đủ chuyện sóng gió. Chú ráng làm để con cháu ăn học, có trình độ, sau này làm việc trên bờ, tính toán đầu óc phẻ (khỏe) hơn.
Thuyền cập cảng cá Phú Lạc lúc gần 10h tối. Tại đây là một bầu không khí nhộn nhịp. Bà con trên bờ làm việc luôn tay, tiếp nhận, phân loại thành quả thu được từ các chuyến tàu. Cảng cá Phú Lạc là công trình thuộc quy hoạch cảng cá, bến cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cảng cá Phú Lạc là một trong bốn cảng cá lớn của tỉnh Phú Yên được đưa vào sử dụng từ cuối tháng 8/2015 với tổng mức đầu tư gần 69 tỷ đồng. Sản lượng hải sản thông qua cảng 10.000 tấn/năm.
Nằm trong vùng biển đa dạng về hải sản với khoảng 500 loài cá, 38 loài tôm, 15 loài mực và nhiều loài hải sản đặc sản khác, như: sò, điệp... Phú Yên đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm khai thác hợp lý tiềm năng, lợi thế, đồng thời xây dựng kế hoạch bảo vệ nguồn lợi, bảo tồn đa dạng sinh học ven biển.