Một công trình độc đáo của Hồ Quý Ly ngoài thành Nhà Hồ

Một góc Ly cung nhà Hồ Ảnh: xuân ba
Một góc Ly cung nhà Hồ Ảnh: xuân ba
TP - Từ Thành Hồ, tòa thành đá kỳ vĩ vừa được UNESCO xếp hạng là Di sản văn hóa nhân loại xuôi theo đường 217 xuống mạn Nam hơn 10 km sẽ bắt gặp một công trình độc đáo nữa của Hồ Quý Ly. Đó là Ly Cung. Ly Cung bây giờ tàn tạ hoang phế nhưng có thời điểm Hồ Quý Ly định chọn là kinh đô của triều Hồ?

> Khi U80 đội gạo lên chùa

Tên gọi Ly Cung

Năm đã xa ấy cùng đoàn cán bộ Sở Văn hóa thông tin Thanh Hóa về tham quan phế tích Ly Cung. Băn khoăn tên gọi Ly Cung thì được một vị giải thích rằng Hồ Quý Ly thấy triều Trần đã đến hồi mục ruỗng có ý đồ đảo chính để thay thế.

Động thái dời đô từ Thăng Long vào Tây Đô nói lên tư tưởng ly khai. Sở dĩ có tên Ly Cung là thế! Nhưng một vị khác nhỏ nhẹ rằng không phải vậy. Ly là quẻ Ly, đâu như quẻ thứ 30 trong Kinh Dịch, một trong tám quẻ của bát quái.

Ly nghĩa là sáng chói, tỏa ra, phô trương ra ngoài. Ly là mặt trời. Hồ Quý Ly đặt tên cho cung Bảo Thanh thuở ấy là Ly Cung bao hàm nghĩa ấy!

Có vẻ như cách giải thích ấy thuận tai hơn? Sau này hỏi lại nhà sử học Trần Quốc Vượng, ông cũng nói na ná thế.

Đặc biệt ông còn nói thêm, Hồ Quý Ly có tư chất của một bậc vĩ nhân, một đại nhân! Rằng quẻ Ly là mặt trời, khí hoả. Dịch - Ly quái - tượng cũng viết: “Đại nhân tiếp tục chiếu sáng bốn phương”.

Không phải ngẫu nhiên mà Hồ Quý Ly đặt tên cho cung Bảo Thanh ở đất Kim Âu xứ Thanh quê mình là Ly Cung. Nhưng những vĩ nhân đại nhân có tính khí này dễ tự cao huênh hoang, kiêu ngạo, hiếu chiến!

Từng định là kinh đô mới triều Hồ

Xin trở lại với những dè bỉu của người đời về địa thế Thành Hồ Tây Đô thủ đô mới của Hồ Quý Ly.

Tây Đô có hình sông thế núi khá hiểm yếu được án ngữ bốn mặt bằng bốn quả núi lớn: phía bắc có núi Thổ Tượng, phía đông có núi Hắc Khuyển, phía tây có núi Ngưu Ngọa, và phía nam có núi Đốn Sơn.

Ngoài những bức bình phong tự nhiên như vậy, Tây Đô còn được che chắn bởi những dòng sông. Sông Bưởi từ phía đông chảy tới hội tụ với sông Mã từ phía tây chảy qua. Từ Tây Đô thời đó lại có thể xuống Ly Cung theo đường sông.

Thế hiểm của Tây Đô còn được bổ sung bởi con đường bộ quan trọng. Từ Tây Đô, ngược lên phía bắc qua Eo Lê có thể nối tiếp với đường thượng đạo duy nhất trong nhiều thế kỷ thời trung đại ở mạn Thạch Thành, Nho Quan.

Đây chính là con đường mà năm 1402 con trai Hồ Quý Ly là Hồ Hán Thương đã sai sửa chữa phố xá và trạm chạy giấy gọi là đường thiên lý như Toàn thư đã nói.

Mà cũng tình cờ, thứ được coi là đắc địa ấy nhiều trăm năm sau hậu duệ Đại Việt đã mở con đường Hồ Chí Minh xuyên Việt nhằm giảm tải cho con đường số I vốn đã xộc xệch cũ nát!

Thời thuộc Minh, Tây Đô là một cứ điểm quan trọng để quân Minh dòm ngó lẫn bành trướng cả một vùng mênh mông Hoan Châu. Giải phóng Tây Đô, quân của Bình Định Vương Lê Lợi đã xoay chuyển cả một cục diện chiến lược. Thời Trịnh Mạc, Thành Hồ Tây Đô cũng là cứ điểm hiểm yếu của quân Lê Trịnh vv...

Ly cung được xây dựng chính xác vào thời gian nào, trong bao lâu chưa thấy chính sử biên chép cụ thể?

Nhưng dứt khoát phải trước thời điểm xây dựng Thành Hồ Tây Đô. Từng là một đại thần quan trọng trong nhiều năm của vương triều Trần, Hồ Quý Ly như một thứ trụ cột rường đống để cứu vãn xã tắc Đại Việt cuối Trần thoát khỏi tình trạng suy thoái mục ruỗng.

Chính sử cũng nói rõ dưới thời các vua Duệ Tông, Phế Đế, Thuận Tông, Thiếu Đế, những việc quan trọng hầu như đều một tay Hồ Quý Ly định đoạt.

Chính thượng hoàng Trần Nghệ Tông, năm 1394 đã từng nói với Hồ Quý Ly: “nhà ngươi là người họ thân, công việc trong nước đều giao cho cả. Nay thế nước suy yếu, ta đã già yếu, sau khi ta chết rồi, quan gia đáng giúp thì giúp, ngu tối thì người tự lấy lấy nước

Để lấy lấy nước, việc đầu tiên có lẽ Hồ Quý Ly nghĩ ngay đến việc dựng nghiệp đế tại một vùng đất mới. Hồ Quý Ly cho xây dựng Cung Bảo Thanh tức Ly Cung sớm hơn Thành Hồ khoảng 1,2 năm?

(Thành Hồ được xây vào năm 1397 như Toàn thư chép rõ) Quyết định bạo liệt của vị đại thần nhà Trần này dường như đã huy động tuyệt đối tài trí vật lực Đại Việt khi ấy vào việc xây dựng Ly Cung (cũng như Thành Hồ ngay sau đó) Có lẽ những hiệp thợ khéo nhất Đại Việt đã được huy động.

Mà rất có thể, Hồ Quý Ly đã hạ quyết tâm định đô tại Ly Cung này? Bằng cớ là “làm cung Bảo Thanh ở tây nam núi Đại Lại, mời vua đến ở đấy”. (Toàn thư trg 223) Nhưng vốn là kẻ tài trí, Ly Cung xây xong (hoặc có thể sắp xong?) Hồ Quý Ly đã chợt nhận ra thể tuyệt địa của kinh đô mới?

Vị trí của Ly Cung nằm trong thế tay ngai của một hệ thống đồi, núi, cao nhất là núi Ca Để (350m). Trước mặt là sông Lèn (đoạn chảy qua vùng này trước đây có tên là sông Đại Lại), gặp sông Mã ở phía tây và chảy qua biển ở cửa Thần Phù.

Xa hơn, chừng hơn 10km ở mạn bắc là hệ thống núi đá vôi Tam Điệp, cửa ngõ của xứ Thanh thời bấy giờ. Từ cửa bắc muốn vào nam qua chặng này bằng đường bộ không còn cách gì khác là len lỏi qua những đèo, những thung...

Từ Ly Cung, muốn ngược lên phía tây chỉ có thể đi bằng đường thủy theo sông Lèn hoặc sông Đào.

Với một vị trí địa lý như vậy, cho dù có ý đồ phòng thủ chủ động đến mấy, Hồ Quý Ly vẫn phải tính đến tình huống xấu nhất: đó là con đường rút lui khi cần.

Và như vậy có thể đồng thời là sau Ly Cung một chút, Thành Hồ (cách Ly Cung chỉ hơn 10km) kinh đô của Đại Ngu đã được gấp rút xây dựng chỉ trong ba tháng như chính sử đã ghi nhận. Một công trình độc đáo để lại bao ngẩn ngơ cho hậu thế!

Tôi bệt xuống đám cỏ may hung đỏ trên nền Ly Cung. Bên cạnh lăn lóc những khúc cột đá vỡ nham nhở và lác đác những thớt đá kê tảng. Chưa cần phải con mắt kiến trúc đo đạc, chỉ ước lượng cùng phỏng đoán, những cột lim kê trên nền cột tảng kia mới hoàng tráng làm sao.

Phải gần Tày ôm chứ chẳng ít. Cột ấy mới có sức đỡ những xà đá, gỗ vậm vạp. hồi sáng nhớ có hầu chuyện mấy cụ cao niên của xã Hà Đông này, các cụ còn cho biết cái năm xa chưa hợp tác hóa ấy người ta đã phát hiện ra một bè gỗ lim hàng mấy trăm cây kẹt cứng tại khúc sông Đại Lại bị lấp vùi.

Bè lim ấy dùng để xây Ly Cung chưa hết hay được điều gấp về xây Thành Hồ? Chao ôi những tòa ngang dẫy dọc của Cung Bảo Thanh của Ly Cung tan hoang từ thời nào và ai phá?

Cũng cảm thông với nhà nước mình kẹt vốn nhưng đã hào phóng công nhận Ly Cung là Di tích lịch sử quốc gia. Bởi kẹt vốn nên đành để Ly Cung dằng dặc phế tích cây dại trùm lấp trên cái nền Ly Cung hơn 4 ha này.

Bởi kẹt vốn nên chính giữa nền Ly Cung đành khiêm tốn làm tạm cái nhà bia để che chắn bảo quản tấm bia đá ghi chép về cảnh đẹp của Ly Cung.

Tôi lại bệt xuống nền nhà bia không phải để tường thêm về những hàng chữ đã mờ nhòe. Mà chỉ để cảm thêm cái thời ông vua Lê Tương Dực (gọi vua Lê Thánh Tông bằng ông nội) Ly Cung chắc chắn chưa bị bằng địa?

Ly Cung thuở ấy chắc chưa tang thương hồn thu thảo bóng tịch dương? Bằng có là Ly Cung mới là cũ chứ chưa nát thì vua Lê Tương Dực mới chép như thế chứ ông vua này chẳng thể sáng tác bịa tạc.

Trên bia còn rờ rỡ hàng chữ sắc nét ghi lại thời điểm vua Lê Tương Dực đề bia Hồng thuận tam niên nhị nguyệt nhị thập ngũ nhật (ngày 25 tháng 2 năm Hồng Thuận thứ 3, tức năm 1510).

Sử sách đã chép về ông vua khốn khổ khốn nạn này từng bạo gan xây cửu trùng đài với cả cái chết không toàn thây. Vị vua cũng 7 năm làm vua bằng đúng số năm Hồ Quý Ly làm vua nước Đại Ngu!

Thế mà bao lạ thay với khác thay. Nhưng có lẽ lịch sử cũng nên công bằng, nếu không có tấm bia về Ly Cung này thì có lẽ hậu thế chắc nhiều khiếm khuyết mỗi khi hình dung huân nghiệp của Hồ Quý Ly?

Hậu thế hoang mang là phải bởi công trình tòa thành đá xanh kỳ vĩ ấy kia, các kiến trúc sư đã đang và sẽ mệt óc tìm hiểu không biết cái phương thức thi công bằng kiểu gì? Tôi đồ rằng UNESCO vinh danh Thành Hồ là Di sản văn hóa nhân loại cũng là cái cách vinh danh vinh thăng và chiêu tuyết cho nhà cách mạng Hồ Quý Ly vậy?

Hồ Quý Ly - vị vua ngang thẳng

Tác giả bên hiện vật phế tích
Tác giả bên hiện vật phế tích.
 

Sau này nhiều nhà chép sử (hình như có sự trợ giúp của đám phong thủy nửa mùa?) đã phán rằng Tây Đô Thành Hồ chỉ là nơi hợp với loạn, không hợp với trị, là nơi cuối nước đầu non hợp với thoái mà không hợp với tiến?

Tôi đồ rằng đây cũng là cái thứ rơi rớt dai dẳng của quan điểm ngụy Hồ? Dằng dặc suốt chiều dài lịch sử Đại Việt, Hồ Quý Ly sinh thời lẫn khi khuất núi, đã có không ít kẻ thù.

Giặc Minh với họa diệt chủng về văn hóa thì đã đành. Các triều đại sau này cứ nhăm nhăm cho Triều Hồ cùng Hồ Quý Ly là ngụy?! Cuốn Toàn Thư (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư) còn có hẳn những chương chép riêng về triều Ngụy Hồ này! Yêu nên tốt ghét nên xấu.

Những giá trị đích thực của lịch sử thì cần công tâm khách quan sòng phẳng. Thay cái cũ đã mục ruỗng lỗi thời bằng cái mới tiến bộ hơn, chưa cần biết chi cả, cứ xa xả dè bỉu chê mắng cho là ngụy cái đã!

Thấy Hồ Quý Ly chê Luận Ngữ, sản phẩm tuyên giáo của Thiên triều thì lập tức run lên cầm cập mắng ngay rằng thế là hỗn! Có thể nói mà không sợ sái rằng, kim lẫn cổ, ngoài Hồ Quý Ly mới đủ độ hào sảng để thẳng thắn và huỵch toẹt rằng sách Luận Ngữ có một số chỗ đáng ngờ khó tin.

Nói Hàn Dũ là nhà Nho ăn trộm (đạo văn). Nhận xét Chu Đôn Di, Trình Hiệu, Chu Hy, Dương Thi, Lý Diên Niên... những học giả Trung Hoa sừng sững ấy là những kẻ tuy học rộng nhưng tài kém không chú ý đến thực tế, chuyên đánh cắp văn chương của người xưa...Hồ Quý Ly chủ trương giải nghĩa Thư kinh, Thi nghĩa bằng chữ Nôm.

Viết tựa sách Thi nghĩa cũng bằng chữ Nôm (quốc ngữ) theo ý riêng độc đáo của mình không theo quan điểm của Chu Hy mà các thức giả lẫn học giả đương thời lấy làm mẫu mực! Sự ngang thẳng ấy được vua Tự Đức sau này phê là Vị phi toàn phi (chưa chắc đa là sai).

Rồi cụ Huỳnh Thúc Kháng, nhà đại khoa này đã tìm thấy ở Hồ Quý Ly một sự đồng tình không khoan nhượng: Phải nhận thấy cái án Tống Nho mà Hồ Quý Ly là cái thiết án (tức cái án ăn cắp) rất xác đáng! Cái gọi là thiết án ấy là lối học giáo điều nô lệ tầm chương trích cú nhai văn nuốt chữ mà đầu óc tê liệt không suy nghĩ chẳng sáng tạo ra điều gì mới mẻ!

Bảy năm của triều Hồ chỉ là cái chớp mi khẽ của lịch sử ấy thế mà hậu thế bây giờ vẫn nhọc công giải mã bao bí ẩn của các công trình xây cất cùng những cải cách đổi mới mà Hồ Quý Ly là tác giả.

Ba tháng xây xong Thành Hồ. Bao thế hệ cùng nhiều nhà nghiên cứu nội lẫn ngoại nhưng vẫn chưa có ai tìm ra được tài liệu gì mới để minh chứng không phải thời gian ngắn ngủi ba tháng ấy mà phải lâu hơn!

Chớm Thanh minh năm Thìn

Ghi chép của
Xuân Ba

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG