Một bộ phận của văn chương tiếng Việt

0:00 / 0:00
0:00
TP - Không còn nghi ngờ gì tác dụng của văn chương dịch. Một khi gây được ảnh hưởng với văn chương trong nước thì văn chương dịch có chỗ đứng của nó. Đấy là nó đã trở thành một bộ phận của văn chương đất nước đó. Họ đã đến và họ ở lại, họ đẹp và đầy sinh sắc trong tiếng Việt.

Văn ta đón nhận ảnh hưởng từ… văn Tây

Thời thuộc Pháp, có một số nhà văn xuôi chịu nhiều ảnh hưởng của văn chương Pháp hoặc khiến người đọc liên tưởng đến các nhà văn Pháp. Khá rõ ràng, có thể kể Nguyễn Công Hoan có khi được gọi là Môpatxăng của Việt Nam (Guy de Maupassant), Thạch Lam là Đôđê của Việt Nam (Alphonse Daudet).

Một bộ phận của văn chương tiếng Việt ảnh 1

Cố dịch giả Đoàn Tử Huyến – người dịch rất thành công nhiều kiệt tác của văn học Nga

Thời chiến tranh chống Mỹ, văn chương Nga Xô Viết ảnh hưởng đến cả một thế hệ nhà văn ta. Được ví với một nhà văn Liên Xô nào đó là một niềm hãnh diện. Hồ Phương được coi như một Boris Polevoy của Việt Nam. Đỗ Chu là Paustovsky của Việt Nam. Nhà văn Boris Polevoy vốn nổi tiếng ở Liên Xô là người chuyên viết truyện người thật việc thật, trong đó có cuốn Chuyện một người chân chính. Nhà văn Hồ Phương thì cũng hầu như toàn viết truyện người thật việc thật, như truyện về anh hùng Kan Lịch, Lê Mã Lương. Còn Konstantin Paustovsky thì làm thanh niên Việt Nam thời ấy mê mẩn bởi những truyện ngắn như Bình minh mưa, Chuyến xe đêm, Bông hồng vàng… đến mức có cả một loạt tác giả trẻ Việt Nam học theo cái mơ màng nuối tiếc của Pau nhưng tất nhiên chỉ là bản sao, chỉ là mặt trái của tấm thảm.

Người mới viết, không ai không chịu ảnh hưởng của người đi trước, nhưng tài năng lớn thì thoát khỏi ảnh hưởng sớm, người không thoát được thì nó thành dấu ấn ám mãi vào sự nghiệp của mình. Nhưng ở đây ta đang nói một câu chuyện khác. Đấy là tác động của văn học dịch vào văn học trong nước. Thấy rõ, giả sử một điều không thể có, rằng không có văn học dịch, trong một nước chỉ có duy nhất thứ văn chương tự sản tự tiêu dùng, thì hệ quả là, điều này cũng không thể có, hệ quả là trong đất nước ấy chỉ có một thứ văn chương mang tính độc thoại mà thôi.

Tôi chủ ý viết một câu văn khá dài với nhiều bổ ngữ ở trên để cho người đọc thấy rằng đấy là một câu văn Việt nghe có vẻ xuôi, nhưng nó là kết quả của sự tiếp nhận văn chương nước ngoài. Người biết ngoại ngữ mà “tiêu hóa” chưa tốt thường viết ra những câu văn “như Tây”. Người yếu ngoại ngữ thì đọc thứ văn dịch chưa thoát ý để rồi chính họ lại thích thú viết ra những câu ngồ ngộ, cho có vẻ “văn Tây”. Văn chương dịch của nước ngoài đã ảnh hưởng đến nhiều câu văn Việt, có khi trúc trắc khó chịu, nhưng rất nhiều khi làm giàu cho tiếng Việt. Tức là ảnh hưởng không chỉ dừng ở chỗ tạo ra một dòng phong cách, một dòng phương pháp, một dòng đề tài, một dòng tư duy và cảm xúc. Văn chương dịch đã được tiếp nhận có chọn lọc, được Việt hóa, trở thành những sản phẩm Việt.

Tôi không muốn dẫn ra tiếp những cái tên mà tự người đọc cũng có thể nhận thấy ai trong số những nhà văn được yêu thích vẫn còn bóng dáng của một tác giả nước ngoài nào đó. Có người giống về cách tạo dựng cốt truyện. Có người giống về chọn lọc chi tiết, xây dựng nhân vật. Có người giống về cách hành văn “Tây Tây”. Không có gì đáng ngại, nếu có một cơ thể khỏe mạnh thì theo thời gian sẽ gạn lọc được dinh dưỡng và loại bỏ được tạp chất.

Tôn vinh nghệ thuật chuyển ngữ sang tiếng Việt

Không còn nghi ngờ gì tác dụng của văn chương dịch. Một khi gây được ảnh hưởng với văn chương trong nước thì văn chương dịch có chỗ đứng của nó. Đấy là nó đã trở thành một bộ phận của văn chương đất nước đó. Họ đã đến và họ ở lại, họ đẹp và đầy sinh sắc trong tiếng Việt. Họ được người đọc Việt và các nhà văn Việt gối đầu giường. Ngay cả người có thể đọc được tác phẩm bằng ngôn ngữ gốc thì vẫn có nhu cầu đọc bản dịch tác phẩm ấy vì như vậy là được thưởng thức tác phẩm trong vẻ đẹp của tiếng mẹ đẻ.

Một bộ phận của văn chương tiếng Việt ảnh 2
Nghệ nhân và Margarita, kiệt tác của Bulgakov trong vẻ đẹp tiếng Việt

Đã có lúc, thành lập một hội đồng chuyên trách mảng văn chương dịch, người ta tranh luận nên gọi đấy là hội đồng văn học dịch hay hội đồng dịch văn học. Thế này hay thế kia đều có nghĩa, cũng như trường hợp liên đoàn bóng đá hay liên đoàn đá bóng, nhưng rốt cuộc đã đi đến nhất trí rằng đấy là Hội đồng Văn học dịch. Dịch văn học là động từ thao tác hoặc danh từ chỉ công việc chuyển đổi ngôn ngữ văn chương. Văn học dịch là loại hình để sánh đôi với văn học trong nước. Hai loại hình đồng thời tồn tại và có tác động qua lại.

Đấy là lý do các hội nhóm văn chương đặt ra giải thưởng cho văn học dịch. Giải thưởng để ghi nhận nỗ lực và thành tựu của một công việc khó khăn và thú vị. Công việc ấy đúng là giới thiệu văn chương nước ngoài, đồng thời lại có ý nghĩa tác động và thúc đẩy văn chương nội địa. Trao giải thưởng cho văn chương dịch là tôn vinh nghệ thuật chuyển ngữ sang tiếng Việt, tôn vinh vẻ đẹp của tiếng Việt trong hình hài tác phẩm ngoại.

Đấy cũng chính là lý do một đất nước hầu như không đặt ra khả năng trao giải thưởng cho một tác phẩm nội địa dịch ra tiếng nước ngoài. Tác phẩm gốc vẫn là văn chương Việt, nhưng bản dịch nó lại là sản phẩm đồng sáng tạo sang một môi trường ngôn ngữ khác, phải được định giá ở môi trường khác. Cái tác phẩm ấy sau khi được dịch có hay có đẹp trong ngoại ngữ kia hay không, có hiệu ứng gì với người đọc bên kia hay không, có tác động đến văn chương của đất nước kia hay không, đấy là phần định giá thuộc về giới văn chương của đất nước ấy. Việc đó hầu như không có người Việt làm được, mà cũng không đúng đắn khi giành lấy cái vai trò định giá vốn thuộc về người khác.

Tín, đạt, nhã – mấy thước đo này, ta chỉ có thể áp dụng cho văn chương nước ngoài dịch vào tiếng Việt, vì xin nhắc lại, văn chương dịch lúc này đã là một bộ phận của văn chương tiếng Việt, người đọc và nhà văn Việt có toàn quyền để định giá nó.

MỚI - NÓNG