> Đề xuất bỏ quy định cấm hôn nhân đồng giới
> Quy định phạt kết hôn đồng giới: 'Một bước lùi'
Theo TS Bùi Minh Hồng (thành viên Ban soạn thảo Luật HN&GĐ), những người có vấn đề về giới tính gặp nhiều thiệt thòi ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới. “Đây đó, vẫn còn có quốc gia coi đồng tính như một căn bệnh xã hội, thậm chí, có nơi còn coi là một loại tội phạm” – TS Hồng nói.
Cũng theo ông Hồng, để giải quyết thấu đáo câu chuyện pháp lý về những người đồng tính cần có lộ trình cụ thể, dài hơi. Ông Hồng dẫn chứng, ở Pháp, từ năm 1999 người dân bắt đầu làm quen với sự tồn tại bình thường của người đồng tính, họ được phép công khai gần gũi, chung sống. Tuy vậy, phải đến năm 2005, những người có vấn đề về giới tính mới được Chính phủ Pháp chính thức thừa nhận. Hoặc, hầu hết các quốc gia châu Á đều thừa nhận người đồng tính, đồng ý cho họ chung sống như vợ chồng, nhưng vẫn chưa cho phép họ tự do kết hôn.
Dẫn chiếu về Việt Nam, TS Hồng nhấn mạnh, dù luật pháp chưa thừa nhận hôn nhân, nhưng “chúng ta phải tôn trọng quyền tự do của mỗi công dân, đó là việc họ được phép chung sống với nhau một cách bình thường nhất, không thể xử phạt”.
Chị Bùi Thị P., thành viên Nhóm 6+ (nhóm những người đồng tính, song tính, chuyển giới và những người ủng hộ) cho rằng, xã hội vẫn chưa thật sự hiểu đúng bản chất, đúng con người cũng như các vấn đề liên quan đến đồng tính. Chị P. đồng tình quan điểm cần xây dựng một bước đệm, một lộ trình lập pháp về chế định người đồng tính.
“Trước mắt, hãy cho chúng tôi quyền được chung sống như vợ chồng, hôn nhân có thể tạm gác lại. Hãy cho xã hội thêm thời gian, để họ có đủ kiến thức, đủ hiểu biết để hiểu chúng tôi hơn, như vậy, chúng tôi sẽ đỡ thiệt thòi hơn” - chị P. nói.
Quay lại dự thảo Luật HN&GĐ, phần lớn các thành viên Nhóm 6+ đều tỏ ra khá thất vọng, bởi các chế định về người đồng tính chưa được công nhận. “Từ cấm kết hôn theo luật năm 2000, giờ dự thảo lại chuyển sang không thừa nhận, không giúp đỡ các cặp đồng tính. Như vậy, về bản chất không khác nhau” - bạn V.A. tổng hợp ý kiến thảo luận của nhóm mình.
Một số bạn trong nhóm thảo luận khác đề xuất: “Tất nhiên, chúng tôi mong muốn được kết hôn, hôn nhân được công nhận. Chúng tôi khát khao được đăng ký, xác lập các mối quan hệ gia đình để chứng minh cho việc chúng tôi sống hạnh phúc, trong đó có việc mang thai hộ và nhận con nuôi…”.