Tổng Giám đốc Trungnam Group Nguyễn Tâm Tiến:

'Mong dự án sớm hoàn thành để triều cường không còn là nỗi ám ảnh của người dân'

Cống kiểm soát triều Mương Chuối – một trong những hạng mục chính của dự án
Cống kiểm soát triều Mương Chuối – một trong những hạng mục chính của dự án
TP - “Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1 khi hoàn thành, đi vào vận hành sẽ có vai trò kiểm soát triều, góp phần chống ngập cho lưu vực có diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu người thuộc bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố” – Tổng Giám đốc Trungnam Group Nguyễn Tâm Tiến cho biết.

Ông Tiến cho biết: Chúng tôi mong dự án sớm hoàn thành đưa vào phục vụ người dân thành phố để các tuyến đường không còn bị ngập mỗi khi triều cường dâng cao khiến các phương tiện chết máy và người đi đường chới với giữa dòng nước đen ngòm hôi hám từ kênh rạch, cống tràn lên. Người dân cũng không còn thấp thỏm lo đồ đạc, tài sản trong nhà bị nhấn chìm trong nước hoặc phải hì hục bơm tát nước, lau dọn vệ sinh nhà cửa. Các cửa hàng cũng không còn lo hàng hóa bị hư hỏng, chịu cảnh đìu hiu vắng khách, thậm chí phải đóng cửa do bị ngập nước… để xứng đáng với tầm vóc của một thành phố văn minh hàng đầu cả nước.

Thưa ông, triều cường có thực sự đáng lo ngại đối với tình trạng ngập nước ở TPHCM?

TPHCM bị ngập do nhiều nguyên nhân, như: mưa lớn, triều cường, xả lũ và do kết hợp của các yếu tố trên trong cùng một khoảng thời gian mà khoa học vẫn gọi là tổ hợp thời tiết bất lợi. Ngoài ra, TPHCM còn bị ngập do hiện tượng lún đã và đang xảy ra ở nhiều khu vực.

Đối với tác nhân là triều cường, TPHCM có địa hình tự nhiên thấp với khoảng 75% diện tích toàn thành phố có cao độ dưới 2 m. Nhiều khu vực thậm chí chỉ có cao độ từ 1 - 1,5 m (khoảng 200.000 ha) lại nằm trong vùng chịu ảnh hưởng mạnh bởi thủy triều của biển Đông nên bị ngập khi gặp đỉnh triều cao. Có một thực tế là triều cường đang diễn biến ngày càng phức tạp. Những năm trước, triều cường tại TPHCM thường ở mức thấp, triều chỉ dâng cao vào những tháng cuối năm thì hiện nay, triều cường xuất hiện hầu như quanh năm. Triều cường năm sau có xu hướng cao hơn năm trước, thường vượt mức báo động 3 (1,5m), có khi còn lên trên 1,7 m gây ngập cho rất nhiều khu vực. Ngoài một số địa bàn trũng thấp thường xuyên bị ảnh hưởng bởi triều cường như khu vực các quận 4, 7, các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, hiện nay, triều cường còn gây ngập nhiều tuyến đường thuộc quận 1 là khu vực có địa hình tương đối cao và được trang bị đầy đủ hệ thống thoát nước…

'Mong dự án sớm hoàn thành để triều cường không còn là nỗi ám ảnh của người dân' ảnh 1  Ông Nguyễn Tâm Tiến – Tổng giám đốc Trungnam Group

Triều cường không chỉ làm đảo lộn đời sống người dân mà còn gây thiệt hại rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM. Mỗi khi triều cường dâng cao, đời sống sinh hoạt, đi lại, kinh doanh buôn bán của hàng nghìn hộ dân hoàn toàn bị đảo lộn và trở nên khó khăn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng bởi các nguy cơ tiềm ẩn như đuối nước, điện bị rò rỉ, chạm chập…

TPHCM đã từng triển khai nhiều giải pháp chống ngập do triều. Cơ sở nào để cho rằng việc thực hiện dự án kiểm soát triều là cần thiết và không có chọn lựa khác?

Diễn biến bất thường của triều cường ở TPHCM, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã chứng minh là do nhiều nguyên nhân, trong đó có tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH) - nước biển dâng. Quá trình đô thị hóa quá nhanh làm cho triều cường từ “triều lành” trở thành “triều dữ” cùng với nhiều bất thường như tạo thành những xoáy nước gây nguy hiểm cho người dân.

Là một trong 10 thành phố trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng BĐKH, theo dự báo, diện tích bị ngập của TPHCM đến cuối thế kỷ này lần lượt là 128 km2, 204 km2 và 473 km2 tương ứng với các kịch bản nước biển dâng cao 65 cm, 75 cm và 100 cm. vì vậy, việc kiểm soát ngập do triều cường bằng các giải pháp cấp bách như làm bờ bao, lắp các thiết bị van ngăn triều một chiều tại các cửa xả, miệng cống…về lâu dài sẽ không còn tác dụng.

Cần lưu ý là Quy hoạch tổng thể cải thiện và phát triển hệ thống thoát nước mưa và nước thải cho khu vực TPHCM do cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) soạn thảo và được chính phủ phê duyệt năm 2001 (quy hoạch 752) chỉ tính dựa trên số liệu những năm 1990 và không xem xét đến vấn đề sụt lún đất, đặc biệt là ảnh hưởng của triều cường khi nước biển dâng do BĐKH. Hiện nay, khi triều cường dâng cao, hệ thống cống thoát nước nhiều khu vực có cao độ thấp hơn so với mực nước triều nên bị nước trào ngược lên gây ngập. Hệ thống cống thoát nước lưu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm, kênh Đôi, kênh Tẻ, kênh Hàng Bàng có cao độ 1 m so với cao độ chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, so với mực nước triều cường như hiện nay, đòi hỏi cao độ hệ thống cống thoát nước ít nhất là 1,7 m.

Để đạt cao độ này, TPHCM cần phải nâng cao đường và làm lại hệ thống cống thoát nước. Giải pháp trên tốn rất nhiều tiền, đặc biệt là chống ngập không triệt để và ảnh hưởng đến người dân. Điển hình như khi nâng đường và hệ thống cống đường Kinh Dương Vương (quận 6, Bình Tân), nhà dân trở nên thấp hơn so với mặt đường. Xây bờ kè dọc hai bên sông Sài Gòn tránh nước tràn vào khu vực trũng thấp cũng là một giải pháp nhưng kinh phí sẽ rất lớn.

Khi triển khai dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1”, cao độ hệ thống kênh rạch, cống vẫn giữ nguyên, dù triều cường có dâng cao đến đâu thì vẫn đảm bảo khả năng tiêu thoát nước, góp phần giảm ngập hiệu quả cho các địa bàn trũng thấp nên tôi khẳng định đây là giải pháp cần thiết, cấp bách và không có lựa chọn khác khả thi hơn.  Điều này cũng đã được đánh giá bởi đơn vị Tư vấn Hà Lan Royal Haskoning DHV và Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã có báo cáo Chính phủ vào năm 2015.

Bao giờ dự án hoàn thành để phát huy hiệu quả giảm ngập, cải thiện đời sống hàng triệu người dân TPHCM?

Dự án do Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 (thuộc Trungnam Group) làm chủ đầu tư với quy mô: Xây dựng 6 cống kiểm soát triều lớn, gồm: Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định; các cống nhỏ và 7,8 km đê kè xung yếu khu vực sông Sài Gòn. Tổng vốn đầu tư của dự án là gần 10.000 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức BT (xây dựng- chuyển giao).

Thông qua việc vận hành nhịp nhàng các cống kiểm soát triều ở các cửa sông cùng hệ thống bơm hỗ trợ, công trình sẽ ngăn triều cường trên kênh rạch dâng cao cũng như chủ động điều tiết, hạ thấp mực nước trên kênh rạch để tăng độ dốc thủy lực nhằm cải thiện khả năng tiêu thoát cho các dự án thoát nước đô thị theo Quy hoạch 752 và hỗ trợ bơm nước trong kênh rạch khi có mưa lớn kết hợp triều cường. Dự án này còn góp phần cải tạo cảnh quan và môi trường nước trong khu vực.

Dự án khởi công từ tháng 6/2016 và theo kế hoạch phải hoàn thành sau 2 năm. Tuy nhiên, do gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng, thủ tục giải ngân nên tiến độ thực hiện kéo dài. Mới đây, dự án tiếp tục bị dừng do hết hạn hợp đồng và chưa được ký phụ lục gia hạn thời gian thực hiện cũng như bố trí vốn cho dự án. Đến nay, công trình đã đạt 96% khối lượng xây lắp. Các hạng mục chính đã cơ bản hoàn thành nhưng chưa thể đưa vào phục vụ người dân khiến chúng tôi rất trăn trở. Trăn trở vì hàng nghìn tỷ đồng đã bỏ ra mà hiệu quả đầu tư chưa có và người dân TPHCM vẫn còn bị ám ảnh bởi triều cường.

Hy vọng rằng cùng với sự quan tâm của Chính phủ, các bộ ngành chức năng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đặc biệt là lãnh đạo TPHCM, các khó khăn vướng mắc sẽ sớm được tháo gỡ để dự án hoàn thành, đưa vào vận hành phục vụ đời sống người dân TPHCM ngay trong năm 2021.

Xin cám ơn ông. 

Hy vọng rằng cùng với sự quan tâm của Chính phủ, các bộ ngành chức năng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đặc biệt là lãnh đạo TPHCM, các khó khăn vướng mắc sẽ sớm được tháo gỡ để dự án hoàn thành, đưa vào vận hành phục vụ đời sống người dân TPHCM ngay trong năm 2021.

Tổng Giám đốc Trungnam Group Nguyễn Tâm Tiến

 
MỚI - NÓNG