Ở người trưởng thành tỉ lệ thừa cân, béo phì đã tăng 25% trong 6 năm. Theo các nghiên cứu, khoảng 60 - 80% người bị béo phì nguyên nhân là do dinh dưỡng. Ngoài ra các rối loạn chuyển hoá của cơ thể thông qua vai trò của hệ thần kinh, tuyến nội tiết như tuyến yên, thượng thận, giáp trạng và tuỵ cũng gây bệnh này, nhưng chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ.
Theo các chuyên gia y tế, Việt Nam cần có các chính sách nhằm giảm tiêu thụ đồ uống có đường .Cùng với đó kiểm soát quảng cáo các sản phẩm đồ uống có đường, đặc biệt là đối với trẻ em. Đặc biệt đánh thuế đồ uống có đường được coi là chính sách hiệu quả nhất, tiết kiệm chi phí bởi nó sẽ giảm tiêu thụ thực phẩm không lành mạnh.
Tại Việt Nam, tỉ lệ trẻ em thừa cân, béo phì tăng nhanh đáng báo động trong 10 năm qua, nhất là tại các thành phố lớn. Bộ Y tế thống kê, riêng năm 2020, tỉ lệ thừa, cân béo phì khu vực thành thị đã chạm ngưỡng 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%. Theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc 2019 - 2020 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tại Việt Nam, tỉ lệ trẻ em thừa cân, béo phì ở Việt Nam tăng gấp 2,2 lần, từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020. Tỉ lệ béo phì ở trẻ em nội thành tại TPHCM đã vượt 50%, tại Hà Nội vượt 41%.
Đồ uống có đường gây nhiều hệ lụy đến sức khỏe |
Các nghiên cứu y khoa cho thấy, những người bị tăng cân và đang gặp tình trạng thừa cân, béo phì sẽ có tỉ lệ bệnh tật cao hơn ở người bình thường, đặc biệt là các bệnh mãn tính không lây nguy hiểm. Béo phì đóng góp 44% vào gánh nặng đái tháo đường, 23% thiếu máu cơ tim, 7- 41% các trường hợp ung thư. Cũng theo điều tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, có đến 53% các bậc phụ huynh không biết con mình bị thừa cân, hoặc đánh giá thấp hơn mức bình thường.
Theo TS Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, tiêu thụ đồ uống có đường là nguyên nhân chính làm tăng tỉ lệ béo phì và các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn uống như: rối loạn chuyển hóa, nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh suy thận, bệnh gút, viêm khớp dạng thấp…