BS CKII Nguyễn Văn Giao cho biết, chỉ trong tháng 9 năm 2018, ĐKKV Bắc Quang đã điều trị cho 3 bệnh nhân nam có dấu hiệu tự nhiên xuất hiện nhiều khối u trên người. Từ khi phát hiện đến khi vào viện xin điều trị, thời gian từ 3-5 tháng nhưng khối u to lên rất nhanh.
Điều đặc biệt các khối u này xuất hiện đối xứng hai bên cơ thể và không đau, kích thước tương đối đều nhau, dễ di động, mềm, ranh giới không rõ, phát triển tương đối nhanh, không đau, không ảnh hưởng đến sinh hoạt và vận động. Trước khi tới bệnh viện, bệnh nhân đã tự ý đi điều trị thuốc nam và các bài thuốc cổ phương tại địa phương không kết quả.
Các bác sĩ BVĐK Bắc Quang đã kiểm tra, làm các xét nghiệm và thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng đối với cả 3 bệnh nhân. Kết quả cho thấy: Hình ảnh chụp Xquang bình thường, hình ảnh siêu âm cho thấy: Tại u có hình ảnh tăng âm giống tổ chức cơ, không tìm thấy tế bào ung thư. Đây là chứng bệnh Madelung hiếm gặp, nguyên nhân dẫn tới bệnh được Y văn thế giới xác định có thể do nghiện rượu thời gian kéo dài. Bệnh có thể tiến triển thành u ác tính (ung thư).
Trong 3 bệnh nhân, có 2 bệnh nhân với độ tuổi 56 và 62 có tiền sử dụng rượu hàng ngày suốt 20 năm nay với số lượng từ 500ml đến 1200ml/ngày. Hai bệnh nhân muốn được phẫu thuật cắt bỏ các khối u do u to, mọc nhiều trên cơ thể còn một trường hợp bệnh nhân có các khối u nhỏ và ít hơn nên các bác sĩ tư vấn chưa cần can thiệp phẫu thuật, chỉ điều trị nội khoa.
BS CKII Nguyễn Văn Giao cho biết thêm: Đây là 3 trường hợp bệnh lý rất đặc biệt và vô tình đến bệnh viện trong cùng 1 thời điểm. Hà Giang là 1 tỉnh miền núi phía bắc có khí hậu về mùa đông lạnh giá, người dân có thói quen sử dụng rượu nhiều hàng ngày và đặc biệt là các buổi cúng lễ và hội hè.
Bệnh Madelung: Được Brodic mô tả năm 1846 và sau đó Otto Madelung đã công bố thêm 35 trường hợp có tích tụ mỡ dưới da vùng cổ vào năm 1988. Đến cuối thế kỷ XIX, Launois và Bensaude công bố thêm một loạt trường hợp bệnh tương tự khác và cũng đưa ra định nghĩa rằng đây là một hội chứng tích tụ mỡ dưới da đối xứng vùng đầu, cổ và thân trên ( Parmar và Blackburn, 1966) nhưng có một số yếu tố thuận lợi hay gặp trên những người trung tuổi, tỷ lệ Nam/Nữ là 15:1, hay gặp ở người sử dụng rượu thường xuyên và kéo dài, tỷ lệ gặp nhiều ở người da trắng vùng Địa Trung Hải và gần như tất cả các bệnh nhân đều có tiền sử nghiện rượu. Tuy nhiên bệnh cũng có thể gặp ở nhóm người không uống rượu trong đó có nữ giới.