Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục thống kê, tính chung 2 tháng đầu năm 2023, cả nước có 37.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có gần 19.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Tuy nhiên, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 51.400 doanh nghiệp, tăng 14,5%. Bình quân một tháng có 25.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Theo khu vực kinh tế, trong 2 tháng đầu năm 2023 có 198 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 37,3% so với cùng kỳ năm trước; 4.700 doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, giảm 10,2%; 14.800 doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, tăng 0,3%.
Riêng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản, số lượng doanh nghiệp thành lập mới là 550 đơn vị, giảm 62,4%, là mức giảm sâu nhất.
Trong 2 tháng đầu năm nay, gần 1.895 đơn vị trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản đã rút lui khỏi thị trường. Ảnh minh họa. |
Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp bất động sản hoàn tất thủ tục giải thể là 235 đơn vị, tăng 19,9% so với cùng kỳ. Số lượng tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 1.660 doanh nghiệp, tăng 57%. Như vậy tổng cộng có gần 1.895 đơn vị trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản đã rút lui khỏi thị trường.
Mặc dù vậy, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 2 tháng đầu năm nay vẫn rót thêm 154,3 triệu USD vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, chiếm 6% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài cũng góp vốn, mua cổ phần trong lĩnh vực này đạt 331,5 triệu USD, chiếm 41,6% giá trị góp vốn.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) mới đây nhận định, thị trường bất động sản đang rất khó khăn. Năm 2022 là năm “khó khăn khắc nghiệt nhất” và năm 2023 là năm “quyết định sống còn” đối với các doanh nghiệp bất động sản.
Theo ông Châu, nhiều doanh nghiệp đã tái cấu trúc, tái cơ cấu đầu tư, thay đổi phương án kinh doanh, hoãn hoạt động đầu tư, thi công dự án hoặc dừng IPO. Các đơn vị đồng thời phải thu hẹp quy mô sản xuất, thậm chí muốn chuyển nhượng bớt dự án nhưng không tìm được nhà đầu tư.
Nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nhân lực, có nơi giảm đến 50% số lao động, giảm lương 30-50%, không lo được lương tháng 13, thưởng Tết Quý Mão. Trong khi đó, nhiều người người dân có nhu cầu nhưng cũng khó tạo lập được nhà ở.
“Nhiều doanh nghiệp bất động sản tuy có tổng tài sản có giá trị lớn và đã thực hiện nhiều biện pháp giảm sâu giá bán, tăng chiết khấu đến 45-50% nhưng vẫn rất khó bán được hàng vì hầu như không có người mua. Doanh nghiệp thiếu tiền mặt, âm dòng tiền, thiếu thanh khoản nghiêm trọng, có thể dẫn đến tình trạng chết trên đống tài sản”, ông Châu nói.
Doanh nghiệp địa ốc có “lách” qua khe cửa hẹp
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 5/3/2023 với nhiều điểm mới về trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp bất động sản.
Theo đó, có một số điểm mới sửa đổi và bổ sung, ngưng hiệu lực thi hành một số điều quan trọng như: Cho phép thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác; được kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa không quá 2 năm; ngưng quy định xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp...
Nhiều chuyên gia nhận định đây là tín hiệu tích cực đối với thị trường bất động sản. “Với doanh nghiệp bất động sản, việc Nghị định 08 được ban hành giúp họ đã có "ánh sáng ở cuối đường hầm" có khả năng sống lại. Nếu không, khả năng nhiều doanh nghiệp bất động sản phá sản trong tương lai”, ông Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam nói.
Trong khi đó, Chủ tịch HoREA cho rằng, doanh nghiệp bất động sản phải rất nỗ lực để tái cấu trúc, tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu sản phẩm theo hướng phát triển các phân khúc nhà ở đáp ứng nhu cầu thực, có tính thanh khoản cao như nhà ở giá vừa túi tiền, đi đôi với việc thực hiện khuyến mãi, tăng chiết khấu, giảm giá bán nhà theo phương châm chấp nhận bán lỗ để cắt lỗ để có dòng tiền, có thanh khoản trong tình hình rất khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay.
Được biết, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đáo hạn trong 2 năm 2023 - 2024 rất lớn, khoảng 230.000 tỷ đồng. Trong đó năm 2023 khoảng 119.000 tỷ đồng, năm 2024 khoảng 111.000 tỷ đồng nên Nghị định số 08 sẽ tác động rất tích cực và hiệu quả đến việc xử lý 119.000 tỷ đồng trái phiếu đến hạn trong năm 2023.
Nhưng việc xử lý trái phiếu đến hạn phải được sự đồng thuận của các trái chủ với doanh nghiệp thông qua đàm phán thỏa thuận nên mất rất nhiều thời gian, mà hiện nay chỉ còn gần 9 tháng để thực hiện Nghị định số 08.
“HoREA đề nghị Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép sơ kết đánh giá kết quả thực hiện Nghị định số 08 vào khoảng đầu quý IV/2023 để tiếp tục xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển theo hướng minh bạch và bền vững trong năm 2024 và những năm tiếp theo”, ông Châu kiến nghị.