Mỏi mòn chờ miễn, giảm học phí

Mỏi mòn chờ miễn, giảm học phí
Quy định mới về miễn, giảm học phí đã khiến nhiều gia đình chới với... Nhiều sinh viên lo không có tiền đóng học phí.

Đầu năm 2011, sau khi được nhà trường xác nhận thuộc diện miễn, giảm học phí, Phan Thị Ý Nhi - sinh viên Trường ĐH Khoa học Huế - đã gửi ngay giấy xác nhận này về để gia đình nộp cho địa phương.

Bố Nhi vội vã đến Phòng LĐ-TB&XH huyện Bố Trạch (Quảng Bình) xin nhận lại khoản tiền học phí học kỳ một (năm học 2010 - 2011) hơn hai triệu đồng mà ông phải vay mượn cho con đóng trước đó. Nhưng cán bộ ở đây cho biết, “đã hết thời hạn nộp và đã khóa sổ. Nếu muốn nhận tiền phải đợi sang học kỳ tới”. Nhận tin, Nhi rối bời không biết phải làm sao trong khi thời hạn nộp học phí học kỳ hai đã gần kề.

Không có tiền đóng học phí

Bạn cùng lớp của Nhi là Phan Hoàng Thành cho biết thêm: “Sau nhiều lần liên hệ xin hỗ trợ miễn, giảm học phí, tôi được Phòng LĐ-TB&XH huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) hướng dẫn về UBND xã. Cán bộ xã nhận đơn rồi bảo phải đợi thống kê, trình lên huyện duyệt khi đó mới có tiền. Đến nay vẫn chưa được giải quyết. Năm nay, tôi không còn được ngân hàng cho vay nữa, chừ chưa biết tính sao” - Thành lo lắng.

Trong khi đó, ở huyện An Phú, An Giang, ông Hồ Văn Kiên (ấp Hà Bao 1, xã Đa Phước) sững sờ khi nghe cán bộ Phòng LĐ-TB&XH huyện bảo rằng, không có chính sách miễn giảm học phí như ông nói. Một tháng sau ông trở lại, cán bộ ở đó vẫn cho biết chính sách chưa được áp dụng và phải chờ xem xét lại.

“Nghị định của Chính phủ đã quy định rõ ràng nhưng cán bộ cứ nói không có. Năm nay tôi phải đi vay mới đủ tiền cho con đóng học phí, cứ nghĩ Nhà nước sẽ trả lại... Ai ngờ” - ông Kiên bức xúc.

Nguyễn Ngọc Huyền Trân - sinh viên Trường ĐH Sài Gòn (nhà ở Q.Tân Phú, TP.HCM) - cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự: “Gia đình mình liên hệ với Phòng LĐ-TB&XH Q.Tân Phú, TP.HCM nhưng họ không nhận hồ sơ. Người ta nói chưa có quy định về việc này. Trong khi nhà trường quy định sinh viên nộp học phí chậm sẽ không có tên trong danh sách, hạ điểm rèn luyện...”.

Khá nhiều sinh viên ở các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Phước... đang theo học tại các trường ĐH ở TP.HCM thuộc diện chính sách giờ cũng đang đứng trước nguy cơ bị nhà trường cấm thi, đình chỉ học do không có tiền nộp học phí.

Làm khó nhau?

Theo ông Nguyễn Anh Đức, trưởng phòng công tác học sinh - sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, tình trạng các địa phương lúng túng trong việc triển khai thực hiện nghị định 49 là do thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định này ban hành quá chậm trễ (nghị định ra đời từ tháng 5-2010 và có hiệu lực ngày 1-7-2010 nhưng đến tháng 11-2010 mới có thông tư hướng dẫn - PV). Nếu chưa chuẩn bị kỹ, các địa phương sẽ gặp khó khăn, nhất là những địa phương không tự cân đối được nguồn ngân sách.

Tuy nhiên, ông Đức cũng cho rằng: “Với thực tế hiện nay, các địa phương phải nhanh chóng vào cuộc, không nên đùn đẩy trách nhiệm”.

Ông Phạm Quang Dũng, trưởng phòng công tác chính trị và quản lý sinh viên Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cũng cho rằng, thông tư 29 đang có vấn đề: “Yêu cầu sinh viên phải mang biên lai học phí về địa phương rồi mới giải quyết miễn, giảm là không hợp lý. Sinh viên diện chính sách rất khó khăn lấy đâu ra tiền để nộp học phí trước. Thực tế nhiều sinh viên phải vay tiền để đóng học phí nhưng nay lại không được chi trả sẽ gây khó khăn rất lớn cho các em”.

Thông tư 29/2010 (của liên bộ GD-ĐT, Tài chính, LĐ-TB&XH) hướng dẫn thực hiện một số điều về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2011) đã quy định như sau: các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH công lập có trách nhiệm xác nhận cho SVHS thuộc đối tượng miễn, giảm học phí trong vòng 30 ngày sau khi kết thúc học kỳ đối với SVHS đang học (đối với những SVHS mới nhập học thì thực hiện xác nhận trong vòng bảy ngày kể từ khi nhập học) để SVHS nộp về phòng LĐ-TB&XH cấp huyện làm căn cứ chi trả tiền hỗ trợ miễn, giảm học phí.

Phòng LĐ-TB&XH chịu trách nhiệm quản lý, tổ chức thực hiện chi trả cấp bù học phí trực tiếp bằng tiền mặt cho cha mẹ SVHS có con đang học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH công lập.

Địa phương lúng túng

Ngày 13-4, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã có buổi làm việc với đại diện các sở Tài chính, GD-ĐT về nghị định 49 và thông tư liên tịch 29.

Tại cuộc họp này, Sở LĐ-TB&XH đã nêu việc nhiều SVHS diện chính sách dù được nhà trường và địa phương xác nhận đầy đủ thủ tục giấy tờ về việc nhận hỗ trợ miễn, giảm học phí nhưng đến nay vẫn chưa được nhận tiền. Trong khi đại diện Sở Tài chính cho biết chỉ giải quyết cho các SVHS thường trú ở TP.HCM đang theo học tại các trường do thành phố quản lý.

Theo ông Lê Thành Tâm - giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, vấn đề này đang bị ách ở Sở Tài chính. Các phòng tài chính nêu khó khăn: hiện vẫn chưa được bố trí ngân sách để giải quyết cho các đối tượng này.

“Chúng tôi đã đề nghị Sở Tài chính phải có văn bản về việc này để chúng tôi báo cáo UBND TP.HCM chỉ đạo cách giải quyết” - ông Tâm cho biết.

Theo Trần Huỳnh
Tuổi Trẻ

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG