Mối lương duyên giữa nhiếp ảnh và từ thiện của Nguyễn Thành Trung

0:00 / 0:00
0:00
Bức ảnh ông Trung chụp ngôi nhà của gia đình K’Tâm
Bức ảnh ông Trung chụp ngôi nhà của gia đình K’Tâm
TP - Từ các bức ảnh xúc động về những mảnh đời khốn khó, bất hạnh mà nhiếp ảnh (NSNA) Nguyễn Thành Trung chụp và đăng tải trên mạng xã hội, các nhà hảo tâm đã hỗ trợ tiền để xây 38 căn nhà tình thương. Đích thân ông Trung thiết kế, tổ chức xây dựng toàn bộ số nhà này.

Nhìn người đàn ông chất phác, nước da đen sạm bước ra từ ca bin chiếc xe bán tải cũ kỹ chất đầy vật liệu xây dựng, tôi cứ ngờ ngợ, không biết đó có phải là NSNA Thành Trung không? Ông là hội viên Hội NSNA Việt Nam, thường trú phường Lộc Tiến, TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng, một người mà theo giới thiệu của những tay máy gạo cội, thường có góc nhìn độc đáo, dày dạn kinh nghiệm xử lý ánh sáng, chọn góc máy, bố cục để chớp lấy những khoảnh khắc ấn tượng.

Mối lương duyên giữa nhiếp ảnh và từ thiện của Nguyễn Thành Trung ảnh 1

Tặng xe đạp cho học sinh vùng xa đến trường

Sau hàng chục năm rong ruổi trên khắp các nẻo đường từ bắc chí nam, ông có bộ sưu tập hàng trăm bức ảnh “độc” về cảnh đẹp thiên nhiên, nét độc đáo của các tộc người thiểu số… Thế nhưng, những năm gần đây, ông chuyển sang chụp ảnh tả thực về những phận đời kém may mắn để kêu gọi các nhà hảo tâm chung tay hỗ trợ.

Ông cho biết bước ngoặt trong sáng tác ảnh của mình bắt đầu từ chuyến đi chụp phong cảnh ở thị trấn Đạ M'ri (huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng). “Đang định chụp cảnh núi non hùng vĩ, tôi chợt nhìn thấy căn chòi tồi tàn, xập xệ. Lại gần thì phát hiện chị K’Tôi, một người mẹ mắc bệnh tâm thần, đang sống cùng hai con nhỏ. Khi tôi chia sẻ hình ảnh đặc tả cuộc sống thường ngày của họ và những thông tin kèm theo trên tài khoản facebook cá nhân, nhiều người bày tỏ sự đồng cảm. Một người bạn ở nước ngoài chuyển ngay 60 triệu đồng để xây ngôi nhà mới cho mẹ con chị”, NSNA Thành Trung hồi tưởng và cho biết mối lương duyên giữa nhiếp ảnh và công việc từ thiện của ông bắt đầu từ đó.

Vận động xây 38 nhà tình thương

Nhận thấy nhiếp ảnh có sức mạnh lan tỏa yêu thương, làm thay đổi cuộc sống của những người nghèo khổ nên hễ nghe ở đâu có hoàn cảnh khó khăn là ông tìm tới, ghi lại những khoảnh khắc về gia cảnh của họ, sau đó chia sẻ lên mạng xã hội để kêu gọi sự chung tay, giúp đỡ của các mạnh thường quân. Từ năm 2017 đến nay, NSNA Thành Trung đã nhận được hàng tỷ đồng để xây 38 căn nhà tình thương tại Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Nam, Đắk Lắk, Cà Mau; đồng thời vận động đóng góp tiền để chữa bệnh cho người nghèo, hỗ trợ trẻ em mồ côi đến trường, giúp đỡ những gia đình bị thiên tai, hoạn nạn.

Ông vừa thay mặt các ân nhân bàn giao căn nhà được xây với số tiền hơn 48 triệu đồng cho gia đình chị Ka Nghiệp (thôn 6, xã Madaguoil, huyện Đa Huoai, Lâm Đồng). Ngoài ra ông còn chuyển tặng tủ quần áo, xe đạp…, đều là loại hàng đẹp, mới tinh đến gia đình chị. Chị Ka Nghiệp rưng rưng xúc động, không nói nên lời, còn 3 đứa con của chị mê mẩn chiếc xe đạp và cái bàn học xinh xắn.

Ông Trung kể vào đầu tháng 3 năm nay, sau khi bàn giao căn nhà tình thương cho K’Tâm, tưởng rằng sẽ tạm biệt thôn 6, nào ngờ khi đi sâu vào trong ngõ, cách đó hơn trăm mét, ông nhìn thấy một căn nhà cũ kỹ, mục nát, nguy cơ gây mất an toàn cho 4 mẹ con của bà Ka Nghiệp (dân tộc Mạ). Nhà xây bằng gạch nhưng không được tô xi măng nên nhanh xuống cấp. Tôn bị mục, các cánh cửa gỗ xiêu vẹo có cũng như không. Ka Nghiệp tâm sự đã 2 lần “bắt” chồng, sinh 3 đứa con nhưng mỗi người chồng chỉ ở với bà vài năm rồi bỏ đi. Bởi thế, ngoài thời gian chăm sóc vườn điều, bà phải đi làm thuê để kiếm tiền nuôi con ăn học.

“Còn một điều nữa ám ảnh tôi là những giọt nước mắt lưng tròng của cháu Ka Nguyện khi tôi khuyên cháu cố gắng thi đậu đại học để sau này ra đời đỡ khổ, có cơ hội giúp đỡ mẹ và các em… Cháu ngậm ngùi than nhà nghèo quá, lấy đâu ra tiền để đóng học phí? Ka Nguyện đang học lớp 12 trường THPT Đạ Huoai, nhiều năm liền là học sinh tiên tiến. Tôi động viên cháu trước mắt hãy nỗ lực ôn bài, chọn khối thi đại học cho phù hợp. Nếu cháu thi đỗ, tôi sẽ vận động mạnh thường quân hỗ trợ chi phí học tập”, NSNA Thành Trung chia sẻ.

“Để các gia đình nghèo không mặc cảm khi sống trong ngôi nhà tình thương, tôi và các nhà hảo tâm có chung quan điểm không gắn bảng tên đơn vị, cá nhân đã đóng góp tiền của, công sức xây nhà”.

NSNA Thành Trung cho hay

Trước đó, ông vận động đóng góp xây nhà cho cha con ông Nguyễn Văn Ngọc ở xã Khánh Hải (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau). Ông kể không khỏi chạnh lòng khi nhìn thấy cái chòi che chắn tạm bợ, mục nát, chỉ vỏn vẹn 15 m2 mà 3 cha con ông Ngọc trú ngụ. Nền đất bốc lên mùi ẩm mốc, trong nhà chẳng có vật dụng gì đáng giá. Người vợ đã rời bỏ cha con ông từ nhiều năm trước. Con gái đầu của ông đã lập gia đình, sống ở nhà chồng; con gái thứ hai mới học đến lớp 5 thì nghỉ ngang để đi rửa chén cho một quán ăn ngoài thị trấn; đứa con thứ ba bị thiểu năng. Cánh tay phải của ông Ngọc bị dị tật nhưng vẫn đi làm thuê làm mướn, khi thì vác cá thuê, lúc lại theo ghe biển gần bờ để phụ kéo lưới, tiền công chỉ từ 50.000-150 ngàn đồng/ngày.

Tự tay thiết kế tất cả các ngôi nhà

Ngoài chụp ảnh nghệ thuật, ông Trung còn có năng khiếu hội họa và điêu khắc nên ông tự thiết kế, giám sát xây dựng nhà. “Nguyên tắc của tôi là không đưa tiền cho gia đình tự xây mà phải trực tiếp làm, dù điều này sẽ khiến tôi vất vả. Tôi muốn tiền của các ân nhân phải được sử dụng đúng mục đích và tiết kiệm nhất. Sau khi hoàn thành, tôi kê khai chi tiết tất cả các khoản chi tiêu để nhà hảo tâm thấy tiền mà họ hỗ trợ được sử dụng hợp lý như thế nào”, ông Trung tâm huyết.

Ông cho biết nhiều người thợ lấy tiền công với tinh thần ủng hộ; một số người nghèo cũng góp công, góp tiền ủng hộ người nghèo khó hơn mình. Khi hay tin chúng tôi đang xây nhà cho K’Tâm, chị Ka Yúi (được tặng nhà tình thương tháng 5/2019) gom góp được 1 triệu đồng, nhờ tôi mua cái gì đó ủng hộ. Đến khi chúng tôi làm nhà cho gia đình chị Ka Nghiệp thì K’Tâm đến giúp công.

MỚI - NÓNG