Năm 2003, để hàn gắn quan hệ với phương Tây và chấm dứt sự bao vây, cô lập, nhà lãnh đạo Lybia Muammar Gaddafi đã đồng ý chấm dứt các hoạt động liên quan những loại vũ khí hóa học, sinh học và hạt nhân. Ngay sau động thái này, chương trình làm giàu uranium của Lybia bị hủy bỏ. Các vật liệu nhạy cảm và giấy tờ liên quan tới chương trình thiết kế vũ khí hủy diệt đã bị tiêu hủy.
Tuy nhiên, theo cựu Phó Tổng giám đốc Tổ chức Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), ông Olli Heinonen, trung tâm nghiên cứu Tajoura ở ngoại ô Tripoli vẫn lưu giữ lượng lớn các rác thải phóng xạ, đồng vị phóng xạ và nhiên liệu uranium làm giàu thấp. Đây là một phần kết quả của ba thập kỷ nghiên cứu và sản xuất đồng vị phóng xạ tại Lybia.
“Chúng ta thật may mắn khi kho uranium làm giàu cao đã không còn ở Libya nhưng với những gì còn lại ở Tajoura, nếu chúng rơi vào tay kẻ xấu, đây sẽ là nguyên liệu cho những quả bom bẩn”, ông Heinonen nói.
“Hiện nay, tình hình tại Tajoura rất không rõ ràng. Chúng ta đều biết rằng, tại đất nước này, tình trạng hỗn loạn, cướp phá xảy ra khắp nơi” - Heinonen nói thêm.
Theo các chuyên gia quốc tế, các vật liệu phóng xạ khi được kết hợp với chất nổ thông thường, có thể tạo ra những quả “bom bẩn”. Sẽ là thảm họa nếu các quả bom bẩn này rơi vào tay những nhóm khủng bố quốc tế.
Hiện nay, chưa có bình luận chính thức nào của IAEA về trung tâm Tajoura. Tuy nhiên, theo nhiều tài liệu trước đó, đây là lò phản ứng hạt nhân có công suất 10MW, nằm cách Tripoli khoảng 34km về phía đông.
Theo ông Heinonen, Hội đồng Chuyển giao quốc gia (NTC) tại Libya cần nhận thức được tầm quan trọng của Tajoura và “nên thực hiện những biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh cho các nguồn phóng xạ nguy hiểm này”.
Linh Huy
Theo Reuters