Phối cảnh nhà ga hành khách sân bay Long Thành. Ảnh: ACV |
ACV - chủ đầu tư dự án thành phần 3, sân bay Long Thành vừa phát hành hồ sơ mời thầu lại lần 2 gói thầu thi công và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách sân bay này. ACV dự kiến cuối tháng 3 sẽ chấm thầu, ký hợp đồng và thi công từ tháng 4/2023. Gói thầu này có trị giá hơn 35.233 tỷ đồng - lớn nhất dự án sân bay Long Thành, được ACV thực hiện chào thầu quốc tế. Ở lần chào thầu đầu tiên diễn ra cuối năm 2022, sau hơn 2 tháng mời thầu, ACV phải hủy thầu để đấu thầu lại. Dự kiến, ngày 10/2, ACV tổ chức hội nghị với các nhà thầu quan tâm, có đại diện một số bộ ngành để trả lời thắc mắc của nhà thầu.
Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT ACV cho biết, ở lần mời thầu trước, tổng công ty cũng tổ chức hội nghị tiền đấu thầu, gia hạn thời gian nhận hồ sơ 2 lần. Đã có 2 nhà thầu Hàn Quốc, hai nhà thầu Trung Quốc và nhiều nhà thầu trong nước mua hồ sơ thầu. Tuy nhiên, kết quả chỉ có 1 nhà thầu nộp hồ sơ, nên ACV phải hủy để đấu thầu lại. Theo ông Thanh, gói thầu nhà ga hành khách sân bay Long Thành rất hấp dẫn với cả nhà thầu trong và ngoài nước. Gói thầu này trị giá lớn nhưng yêu cầu kỹ thuật phức tạp.
Nói về nguyên nhân gói thầu hấp dẫn nhưng vắng nhà thầu nộp hồ sơ, ông Thanh cho rằng, do dự án sử dụng vốn trong nước, có một số điểm khác biệt với thông lệ quốc tế. Ông Thanh dẫn chứng, giá trị quyết toán của gói thầu phải được Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ kiểm toán, thanh tra, trong khi thông lệ quốc tế tính theo hồ sơ, hợp đồng, thực tế triển khai. Giá gói thầu thi công nhà ga xây dựng theo đơn giá, định mức của Việt Nam nên có một số phần việc chưa tương xứng với yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn và mặt bằng giá quốc tế. Ngoài ra, thời gian thực hiện gói thầu chỉ 33 tháng cũng tạo thách thức lớn cho nhà thầu, khi các công trình tương tự phải thi công trong 45-55 tháng.
Cũng theo ông Thanh, thời gian thi công nhà ga sân bay Long Thành chỉ còn 33 tháng. Dù vậy, lãnh đạo ACV vẫn để ngỏ khả năng điều chỉnh thời gian thực hiện sau khi các nhà thầu đã nghiên cứu hồ sơ, có đề xuất cụ thể về phương án tổ chức thi công. “Nếu có nhà thầu đề xuất thời gian thi công dài hơn 33 tháng, ACV sẽ phải xin ý kiến nhiều cấp có thẩm quyền, cụ thể là Thủ tướng và có thể cả Quốc hội”, ông Thanh nói.
ACV nên thuê tư vấn quốc tế
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Quản lý Đấu thầu (Bộ KH&ĐT) cho rằng, nếu đã đấu thầu lại lần 2, chủ đầu tư cần làm rõ nguyên nhân có nhà thầu mua hồ sơ nhưng không dự thầu lần 1, để từ đó đưa ra giải pháp khắc phục.
Để tránh việc ấn định tiến độ không phù hợp với thời gian thực tế triển khai, vị chuyên gia về đấu thầu trên cho biết, ông đã góp ý vào dự thảo sửa đổi Luật Đấu thầu (đang trình Quốc hội). Luật phải quy định khi lập dự án cần tính toán sơ bộ tiến độ, gồm cả kế hoạch đấu thầu, và được duyệt khi duyệt dự án. Bổ sung quy định này, theo ông Tăng, để tránh tình trạng ấn định tiến độ thực hiện dự án, trong khi tiến độ đó ngay từ đầu đã không khả thi. Như thế vừa đảm bảo mạch lạc, không áp đặt.
Bình luận về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho rằng, ACV phát hành hồ sơ mời thầu lần 2 gói thầu này với điều kiện gần như tương tự lần đầu: Đơn giá gói thầu vẫn không đổi, thời gian thực hiện vẫn 33 tháng. Với điều kiện như vậy sẽ rất khó tìm được nhà thầu, kể cả khi đã mời thầu lần 2.