> Người trẻ trên cao nguyên bò sữa
Văn minh Châu Âu nuôi cỗ máy sản xuất sữa Việt
An-công nhân trẻ sinh ra trên thảo nguyên này èn èn lái xe chở bồn thức ăn hỗn hợp TMR (total mixed ration) chạy dọc Trung tâm giống và triển khai công nghệ giống bò (trung tâm mẫu) khu 19-5, trút cỏ xanh, ngô, khô dầu, tinh bột đã được máy trộn theo bí quyết riêng. Trung tâm mẫu nằm bên vạt thảo nguyên nghiêng dốc vừa độ, đủ hứng những làn sương bảng lảng kết nối tràn qua. 500 con bò được nuôi trong cách ly nghiêm cẩn, theo tiêu chuẩn sản xuất sạch, nhàn tản nhai thức ăn. Con bò đeo số 100 có vẻ như vừa được “nhắc nhở” từ thông tin về sức khỏe theo dõi qua chíp điện tử kết nối máy tính, cứ đứng lì bên máy massage tự động, hết dúi đầu lại cọ cổ vào từng sợi nhựa ràn rạt quét qua.
Bộ NN&PTNT, tỉnh Sơn La đã quy hoạch vùng Mộc Châu đến năm 2020 có 35.000 con bò sữa, sản xuất ra 150.000 đến 170.000 tấn sữa/năm. |
Trong trung tâm mẫu, mọi thứ đều được lập trình tự động, nước uống hết lại đầy, thức ăn đổ máng, giàn vắt sữa, theo dõi sức khỏe đều được vi tính hóa sất… Ngẫm thấy chạnh lòng khi nông dân nhiều nơi còn tự thân chăm bẵm vật nuôi thô mộc, khổ ải! Đoán ý nghĩ của tôi, một cán bộ của Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu nói: “Nuôi bò để lấy sữa, ăn sữa hằng ngày là văn minh của người Âu Mỹ. Nông dân của họ chăm bò như chăm con, mọi điều kiện tốt nhất, đều được ứng dụng cho nuôi bò, nhằm sản xuất sữa tinh, sản lượng lớn và an toàn tuyệt đối…”.
Cái lý để trang bị cơ sở vật chất trị giá vài chục tỷ đồng hóa ra là vì người sử dụng sữa, doanh nghiệp thay mặt nhà nước rút hầu bao ra làm để kích thích khát vọng làm ăn kiểu đại công nghiệp. Các chuyên gia nước ngoài thường vắn tắt: “An toàn vệ sinh thực phẩm phải quản từ trang trại đến bàn ăn”, và hiện thực hóa cách nói ấy trong sản xuất sữa chắc chắn phải là tự động hóa, cách ly, giữ vệ sinh môi trường như những gì đang diễn ra ở Mộc Châu.
Đây mới là đích của tăng trưởng bền vững, hiệu quả cao! Chỉ vào biển cảnh báo từ ngoài trại “Không nhiệm vụ miễn vào!”, bác sỹ thú y Lê Hùng nói: Sức khỏe mỗi con bò trị giá 30 triệu đồng và quy trình sản xuất sữa sạch đưa lên hàng đầu. Cả năm, trang trại chỉ tiếp vài người khách đến tham quan.
Đứng trên Trung tâm mẫu, bao quát thảo nguyên, từng trang trại bò ẩn hiện thấp thoáng. Trang trại lan đến đâu, hiện diện quản lý, hỗ trợ, nâng đỡ của công ty theo đến đó. Mô hình trang trại thuộc hộ này là chân lý không chỉ ở xứ ta mà có ở nhiều nước tiên tiến khác.
Toàn quyền độc lập tự chủ, nhưng giữa mỗi nông hộ đều nối được sợi dây vô hình gắn kết căn cơ với doanh nghiệp thông qua cổ phần, cổ phiếu. Nhiều người nuôi bò vì thế mà thành Sao thần nông, Sao hôm (danh hiệu cho người chăn nuôi giỏi).
Trong mỗi trang trại bò quy mô nông hộ, hiện số “cỗ máy” sản xuất sữa mới đạt bình quân 18 con. Chưa nuôi với công nghệ hiện đại nhất như ở Trung tâm mẫu, song nông dân cũng tự đầu tư, trang bị quy trình chuẩn về đảm bảo chất lượng sau các chuyến tập huấn ở Thái Lan, Israel, Pháp… dưới sự hỗ trợ, tổ chức của doanh nghiệp.
Cứ theo cách tư duy thực tế của ông Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu Trần Công Chiến, thì Trung tâm mẫu quy mô 500 bò sữa là một định hình, cơ sở khoa học cho tăng đàn, phát triển bền vững. Với quy mô đầu tư nhiều chục tỷ đồng, tự thân nông dân chưa làm được, doanh nghiệp hoặc nhà nước làm “bà đỡ”, rồi khi hiệu quả hai năm rõ mười, mới tính chuyện nhân rộng. Hao hao, chuyện kích đàn, nhân rộng quy mô cũng chẳng khác là mấy so với Công ty vẫn duy trì điều hành bằng chính sách cụ thể: Thưởng, bảo hiểm vật nuôi, giá sữa; duy trì cổ phần cho nông dân với mức cổ tức 30%... Rành rành hiệu quả, chưa nông dân nào từ chối. Trong mục tiêu của lãnh đạo Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu năm tới, mỗi nông hộ tăng đàn trung bình 35 con.
Nghiêng dòng sữa trắng
Trên đường 19-5 rời trung tâm mẫu, bất giác nhận ra hàng thông Caribe, một loài cây nhập khẩu cũng đã kịp nhú chồi non. Lại thêm một màu xanh quốc tế mới. Nói như người gạo cội ở Mộc Châu, nơi đây cỏ cây, hoa lá càng xanh thì sữa càng tinh khiết.
Trên độ cao 1.050m so với mặt nước biển, Mộc Châu nghiêng xanh nền cỏ Mỹ, Úc. Những công nhân nông nghiệp chiêm nghiệm: Tất cả màu xanh mát lành ấy đều nghiêng đổ vào những “cỗ máy” (bò) sản xuất sữa. Mỗi mùa xuân nghiêng màu xanh ngút ngàn ấy báo hiệu nơi đây đang chuyển mình sang thời kỳ mới: Bung hết tiềm năng, khát vọng làm giàu mãi với thời gian.
Cùng nghiêng theo thảo nguyên xanh, những người trong Nhà máy sữa Mộc Châu góp phần cho dòng sữa giàu vi lượng, chất béo đặc trưng chảy nhanh tới tận tay người tiêu dùng dằng dặc các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên… Sữa càng đi xa, càng phải update (cập nhật) các tiêu chuẩn tiên tiến của thế giới.
Anh Thao, anh Tuấn, lãnh đạo Nhà máy sữa trong phần việc của mình phải điều hành để từ khâu: Xe lạnh chở sữa chao dẫn vào những máy móc, dây chuyền tự động chế biến cho đến đóng hộp sản phẩm đều phải chuẩn tắc, hoàn hảo.
Cứ theo anh Tuấn, thì trên đường đi từ trang trại đến nhà máy sản xuất chỉ 2-3 km, thế nhưng sữa phải qua cơ man, chi chít những quy trình, công đoạn kiểm tra, test (thử) chất lượng bằng máy móc hiện đại. Tất cả các công đoạn diễn ra nhoáng nhoáng dưới sự rọi soi ngặt nghèo của tiêu chuẩn HACCP, ISO.
Sản xuất sữa tại nhà máy sữa Mộc Châu. |
“Các nước tiên tiến làm vậy, nơi đây cũng không thể khác. Văn minh ăn, chế biến sữa, công nghệ tiên tiến của thế giới, của Mỹ dứt khoát phải được nhập về để sản xuất sữa tươi ngon, phục vụ chính người dân Việt" - anh Tuấn nói.
Khi nói về việc quốc tế hoá chất lượng sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, tôi cứ nhớ cách luận giải của một lãnh đạo Công ty này: Bây giờ, ta có cái quyền của một nước WTO, nhập công tiên tiến về mà chế biến, thanh trùng, chưng cất tất cả những sản vật ngon nhất trên đất này để cấp cho các thế hệ con trẻ Việt Nam. Được bồi bổ thể lực, trí tuệ bằng những sản phẩm chính hiệu của nước nhà, họ sẽ vươn tầm, sánh vai với thế giới.
Nhớ hôm nghiêng mình cạn chén với ông Chiến bò (tự bạch của ông Trần Công Chiến), lại cứ vảng vất nghĩ về thực tế của đó đây, khi nhiều nơi đang ra sức đưa nông dân vào CNH với sản xuất đại công nghiệp, tập trung… Mô hình nọ, mẫu thức kia, cuối cùng rồi nhiều cái đổ. Ông Chiến khẳng định: Mô hình nông hộ chăn nuôi là đúng đắn.
Mỹ, Israel, Thái Lan vẫn duy trì nông hộ như thế này. Còn ở Mộc Châu, dân yêu thích làm như vậy và phấn đấu cánh đồng cho doanh thu 600 triệu đồng/ha/năm, vì họ có sợi “dây rốn” nối với bà đỡ Công ty Cổ phần Giống bò sữa.
Tạo đổi thay, con đường phát triển bền vững, để mỗi cuối năm, trên thảo nguyên này người ta lại đếm thêm vài nông dân trong danh sách tỷ phú… Một cao nguyên xanh mãi nghiêng dòng sữa trắng, có lẽ cả hai làm bạn líu ríu, bồi hồi nếu có dịp thấy Mộc Châu đâu đó hoặc ghé qua đất lành Tây Bắc...