Mobile Money góp phần kéo nông thôn đến gần thành thị

0:00 / 0:00
0:00
Theo thống kê mới nhất, hiện nay, dân số nước ta đã trên 98 triệu người, trong đó, hơn 66% dân số sống ở các khu vực nông thôn, miền núi, họ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với ngân hàng và xa lạ với các hình thức thanh toán, giao dịch điện tử. Vì vậy, việc dịch vụ thanh toán Mobile Money sắp ra đời có thể coi là tín hiệu vui giúp người dân thuận tiện, dễ dàng hơn trong các giao dịch, góp phần nâng cao chất lượng đời sống nông dân, thu hẹp khoảng cách nông thôn- thành thị.

Trong chuyến công tác vùng cao mới đây, tôi ghé thăm anh bạn đi làm kinh tế mới tại một xã của huyện Mộc Châu (Sơn La). Chờ hơn một tiếng, mới thấy bạn tất tả phóng xe máy về, lắc đầu ngán ngẩm: “Sáng phi xe xuống thị trấn chuyển tiền mua hạt giống cho đối tác mà điểm giao dịch ngân hàng lại gặp sự cố. Tranh thủ ra chợ mua ít đồ thì khi thanh toán mấy bà tạp hóa đều lắc đầu nói không có tiền trả lại. Đến khi ra cửa hàng tiện ích, chọn đồ xong, lấy tiền ra thanh toán mới biết tiền rơi từ lúc nào. Đen đủ đường ông ạ! Cầm tiền trong người giờ ngại thật”. Sau khi kể liên hồi như để giải thích cho lý do về muộn của mình, giọng cậu bạn phấn khởi hơn: “Hôm trước đọc báo thấy sắp tới có phương thức thanh toán qua điện thoại, mọi giao dịch lặt vặt kiểu này không phải dùng tiền mặt nữa, phấn khởi quá! Mong sớm áp dụng cho đỡ phiền hà”.

Phương thức thanh toán mà cậu bạn vừa nhắc tới là Mobile Money, được hiểu là dùng thiết bị điện thoại để chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, mua bán hàng hóa trên môi trường kĩ thuật số. Đây là một phần của thanh toán điện tử, song nó có điểm khác biệt là sử dụng điện thoại di động và không cần tài khoản ngân hàng để thực hiện các giao dịch.

Mobile Money góp phần kéo nông thôn đến gần thành thị ảnh 1

Mọi người dân dễ dàng sử dụng Mobile Money

Khoảng 10 năm trở lại, Mobile Money đã có sự phát triển mạnh mẽ khi có tới gần 900 triệu tài khoản đăng kí tại trên 90 nước. Phương tiện thanh toán này áp dụng rộng rãi tại các nước phát triển và ngày càng được ưa chuộng ở những quốc gia vốn được coi là “vùng trũng” như: Ghana, Bờ biển Ngà, Senegal, Benin… Đối với nhiều quốc gia, các giao dịch có giá trị nhỏ qua tài khoản thuê bao di động cao gấp 5 lần việc sử dụng tài khoản ngân hàng và tỉ lệ này ngày càng cao lên. Nhờ Mobile Money, nhiều nông dân ở Kenya, Rwanda, Tazania, Bờ biển Ngà... được hưởng lợi từ số hóa chuỗi giá trị thông qua cải thiện tính minh bạch và khả năng giám sát trong nông nghiệp, giúp giảm rủi ro gian lận, dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thị trường.

Ngày 09/03/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định 316/QĐ-TTg về việc phê duyệt triển khai thí điểm Mobile Money với mục tiêu góp phần phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, biên giới. Việc này cho thấy, Chính phủ rất mong muốn thúc đẩy kinh tế nông thôn, tiến tới thanh toán không dùng tiền mặt và xóa dần khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị.

Mobile Money góp phần kéo nông thôn đến gần thành thị ảnh 2

Việc chuyển đổi từ tiền mặt sang thanh toán bằng Mobile Money để mua sắm cây trồng, thanh toán các chi phí về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng như những chi phí khác có thể hỗ trợ việc tạo ra một bản sắc kinh tế cho nông dân thông qua các hồ sơ kỹ thuật số từ việc bán nông sản, kết hợp với các điểm dữ liệu khác mở ra tài chính toàn diện đầy đủ (truy cập vào tài khoản tín dụng, bảo hiểm và tiết kiệm).

Ngoài ra, với việc hệ thống ngân hàng chưa kịp “phủ” đến các bản, làng, trong khi điều kiện đi lại khó khăn, sử dụng hình thức thanh toán Mobile Money sẽ góp phần giúp người nông dân tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại. Khi Mobile Money được triển khai, người nông dân sẽ có thêm sự lựa chọn đơn giản, tiện ích, không phải qua nhiều khâu trung gian, tránh được các rủi ro phát sinh khi giao dịch.

Đặc biệt, đối với các giao dịch thường xuyên trong sinh hoạt gia đình như thanh toán tiền điện, nước, mua sắm hàng hóa…, Mobile Money cũng giúp người nông dân dễ dàng, thuận tiện hơn trong thực hiện. Đó cũng là một trong những yếu tố góp phần “văn minh” hóa các địa bàn vùng sâu, vùng xa, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa nông thôn, thu hẹp khoảng cách nông thôn-thành thị.

Hiện cả 3 nhà mạng di động lớn là Viettel, MobiFone và Vinaphone đều đang làm thủ tục để xin cấp phép triển khai dịch vụ Mobile Money. Với hơn 130 triệu thuê bao điện thoại phủ sóng toàn quốc của các nhà mạng và lợi thế về các điểm giao dịch, bưu cục phủ xuống tận phường, xã vùng sâu vùng xa, hứa hẹn Mobile Money sẽ được phổ cập đến toàn dân, người nông dân sẽ có cơ hội được hưởng nhiều lợi ích hơn trong chuỗi kinh doanh nông sản.

MỚI - NÓNG