Mơ nhạc đời sau từng ô cửa nhỏ

Mơ nhạc đời sau từng ô cửa nhỏ
TP - Điều thúc đẩy tôi thực hiện loạt phóng sự điều tra “ Dân nghèo sập bẫy cò ngân hàng” đoạt giải Báo chí lần này, là lá thư tuyệt mệnh viết bằng nét chữ xiêu vẹo, từ bàn tay sần chai của người phụ nữ tên Đào Thị Phúc tự treo cổ bằng đoạn dây điện chập ba trên xà ngang căn chòi rẫy. Không ai giúp cô đòi lại được số tiền vay ké ngân hàng đã bị cò Hoa lừa lấy mất , mà với mức sống làm thuê khó nghèo, vợ chồng cô không thể nào trả nổi.

Những nông dân chất phác ở vùng sâu Buôn Ea H’Đing ấy khóc thương Phúc, lặng lẽ mai táng cô rồi thật thà xếp lá thư tuyệt mệnh chung vào xấp đơn thư kêu cứu họ đã nhiều lần phô tô gửi đến các cơ quan chức năng. Đơn thư oan ức bị bỏ quên trong góc nhà. Hơn một tháng sau mới có người tình cờ phát hiện, đem đến Ban Đại diện báo Tiền Phong. Khi tôi hiểu ra một phần sự thật, trên mồ Phúc cỏ đã lên xanh. Bức ảnh chân dung của cô khắc trên tấm bia trông mỏng manh yếu đuối quá, đôi mắt to đen xoáy sâu những chất vấn không lời. Phúc từ trần khi mới 25 tuổi, để lại 2 đứa con bé bỏng ngơ ngác khóc nhớ mẹ không nguôi.

Lo xong hậu sự cho vợ, Nguyễn Hậu an ủi cả mẹ mình lẫn mẹ vợ: “Hai má cứ yên tâm. Từ nay con sẽ cố gắng làm và giữ sức khỏe để chu toàn bổn phận chăm lo cho hai đứa bé!”. Ngày ngày, anh gửi con gái chưa tròn hai tuổi cho bên ngoại, con trai năm tuổi cho bên nội, đi cạo mủ cao su thuê. Cả một gánh nặng yêu thương và trách nhiệm chất trĩu vai người cha gầy gò hai mươi bảy tuổi. Vậy mà chỉ hơn nửa năm sau, Hậu đã lao đầu xuống giếng chết theo vợ, với hy vọng viết gửi cho mẹ: Nếu cái chết của con có làm lay động được chính quyền …

Tôi đã nhiều lần mang đơn thư của người dân đến gõ cửa công đường, với niềm tin không gì lay chuyển được: chính quyền là của nhân dân! Nếu không được gặp người có quyền phát ngôn, tôi lại kiên trì điện thoại chất vấn và thường được nghe trả lời bằng một mẫu câu chung chung, lạnh lùng: Chúng tôi đang làm, chưa thể trả lời báo chí! Tôi cố thuyết phục rất nhiều cách cơ quan chức năng có thể trả lời để làm yên lòng những người dân đêm ngày xao xác vì nợ nần, đói thông tin và thiếu hiểu biết về pháp luật.

Lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Lắk mời gặp mặt đại diện các cơ quan báo đài đứng chân trên địa bàn tỉnh để tặng hoa, mừng ngày Báo chí Cách mạng, và giới thiệu nhân sự mới của 2 chức vụ: Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát Điều tra, và Chánh văn phòng- người lãnh nhiệm vụ phát ngôn chính thức của Công an tỉnh Đắk Lắk. Trò chuyện chân tình với anh em làm báo, đại tá Trần Kỳ Rơi - Giám đốc Công an tỉnh hứa sẽ xem xét tổ chức họp báo định kỳ, mời gặp mặt đột xuất để cung cấp thông tin về những vụ việc nóng mà đông đảo công chúng quan tâm, cũng như củng cố tốt hơn nữa mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa những chiến sĩ trên mặt trận thông tin với lực lượng chịu trách nhiệm gìn giữ an ninh trật tự xã hội.

Hơn năm trăm năm trước, vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi dâng kế sách củng cố triều chính, chống bọn gian thần nhũng loạn, đã khuyên vua Lê Thái Tông: “Hòa bình là cái gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc... Bệ hạ rủ lòng yêu thương muôn dân khiến cho thôn cùng xóm vắng không có một tiếng hờn giận oán sầu, đó tức là cái gốc của nhạc vậy”. Trước giờ khai mạc lễ trao Giải Báo chí Quốc gia năm nay, tôi khát khao mong luôn được nghe tiếng nhạc đời reo vui sau từng ô cửa nhỏ …

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG