Mở kiểm tra hàng nghìn container phế liệu tồn đọng

Hải quan kiểm tra container phế liệu tại Cảng Hải Phòng. ảnh: N.T
Hải quan kiểm tra container phế liệu tại Cảng Hải Phòng. ảnh: N.T
TP - Dù đã gửi thông báo và chờ đợi theo quy định nhưng đến giờ này chỉ số ít doanh nghiệp chịu liên hệ làm thủ tục nhận hàng, Hội đồng xử lý hàng tồn đọng của ngành Hải quan (Hội đồng xử lý) trên cả nước đã quyết định đồng loạt mở kiểm tra container để xử lý theo Thông tư 203 của Bộ Tài chính và Chỉ thị 27 của Thủ tướng. 

Hàng tồn chưa giải phóng, hàng mới lại về

Thực hiện Chỉ thị 27 ngày 17/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách tăng cường quản lý đối với hoạt động nhập khẩu (NK) phế liệu, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Hải quan các địa phương (chủ yếu là TPHCM, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng) thành lập hội đồng để rốt ráo xử lý hàng ngàn container phế liệu đang tồn đọng tại cảng.

Ở địa bàn TPHCM, đợt kiểm tra diễn ra từ ngày 31/10 đến 15/11, tại cảng Hiệp Phước. Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (quản lý cảng Hiệp Phước), việc kiểm tra có sự chứng kiến của đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, hãng tàu vận chuyển, các phòng chức năng của Cục Hải quan TPHCM. Theo kế hoạch, Hội đồng xử lý sẽ mở kiểm tra toàn bộ hơn 2.500 container hàng đọng theo hình thức cuốn chiếu thành nhiều đợt, mỗi đợt khoảng 200 container.

Thống kê ban đầu của ngành Hải quan cho thấy, có 2.781 container chứa phế liệu tồn đọng quá 90 ngày ở cảng Cát Lái. Trong đó, 2.679 container là phế liệu nhựa, 33 container phế liệu kim loại và 6 container là hàng phế liệu khác. Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn Khu vực I đã rà soát và đăng thông tin tìm chủ hàng đối với 2.514 container. Tuy nhiên, quá thời hạn 60 ngày kể từ ngày đăng báo có khoảng 600 container hàng tồn đọng (trong đó phần lớn là phế liệu) có doanh nghiệp liên hệ làm thủ tục nhận hàng. Hội đồng xử lý hàng tồn đọng đã thực hiện xử lý số phế liệu trên theo Thông tư 203 của Bộ Tài chính.

Trong quá trình mở kiểm tra, Hội đồng xử lý sẽ thực hiện kiểm kê, phân loại phế liệu, sau đó sẽ trưng cầu giám định từng loại để có căn cứ xử lý. Đối với phế liệu không đạt tiêu chuẩn, chất lượng sẽ buộc các hãng tàu vận chuyển đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam theo quy định.

“Qua kiểm tra bước đầu, tổ công tác nhận thấy phế liệu chứa trong các container chủ yếu là phế liệu nhựa, ống nhựa, chai lọ nhựa… được đóng thành bánh. Một số container phế liệu lẫn nhiều tạp chất, bốc mùi hôi”, đại diện Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 cho hay.

Ông Lương Đức Gia, Phó Giám đốc Trung tâm điều độ, Tổng Cty Tân cảng Sài Gòn cho biết, từ tháng 6/2018 đến nay, đơn vị không tiếp nhận mặt hàng phế liệu nhựa về 2 cảng Cát Lái và Hiệp Phước, tuy nhiên, mặt hàng giấy phế liệu vẫn tiếp nhận bình thường. Hiện nay, phế liệu giấy vẫn tiếp tục NK về cảng Cát Lái.

“Qua kiểm tra bước đầu, tổ công tác nhận thấy phế liệu chứa trong các container chủ yếu là phế liệu nhựa, ống nhựa, chai lọ nhựa… được đóng thành bánh. Một số container phế liệu lẫn nhiều tạp chất, bốc mùi hôi”.

Đại diện Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1

6 doanh nghiệp bị khởi tố điều tra

Cùng với việc rốt ráo xử lý phế liệu tồn đọng, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I đang triển khai chuyên án đấu tranh, ngăn chặn phế liệu. Bước đầu, Chi cục đã kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả tình trạng lợi dụng, biến tướng trong việc khai báo tên hàng để đưa phế liệu không đạt tiêu chuẩn về cảng. Mới đây, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I đã phát hiện, ngăn chặn 25 container phế liệu NK về cảng Cát Lái nhưng DN khai báo hàng NK là máy móc, thiết bị đã qua sử dụng. Hiện chuyên án vẫn đang được Chi cục tiếp tục mở rộng điều tra.

Đối với hoạt động ngăn chặn rác thải từ xa, phế liệu không đủ điều kiện NK, vừa qua, Cục Hải quan Hải Phòng cũng đã kịp thời ngăn chặn 130 container và hơn 14 nghìn tấn phế liệu sắt thép (trên 2 tàu hàng rời) không đủ điều kiện NK.

Theo Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM Đinh Ngọc Thắng, đơn vị đang dốc hết sức lực để tổng kiểm tra và giải quyết dứt điểm hàng nghìn container phế liệu tồn đọng trên. Bởi lẽ, cuối năm, hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp tấp nập hơn bao giờ hết, tình trạng kẹt cảng lại tái diễn. Việc phế liệu tồn đọng ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động thu ngân sách của đơn vị này.  

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, từ đầu năm 2018 đến nay, đã có 6 vụ buôn lậu phế liệu bị khởi tố, điều tra. Điển hình, liên quan tới vụ buôn lậu phế liệu của Cty TNHH sản xuất kinh doanh dịch vụ xây dựng Hồng Việt (quận 4, TPHCM), mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Đoàn Văn Phúc - nguyên Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Bến Tre và Trương Văn Em - Chi cục Trưởng Chi cục bảo vệ môi trường Bến Tre về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Hai bị can nêu trên liên quan đến vụ nhập lậu 10 nghìn container phế liệu vào Việt Nam.    

MỚI - NÓNG