Mở “hộp đen” kỳ thi tốt nghiệp THPT

Mở “hộp đen” kỳ thi tốt nghiệp THPT
Trước đây, kỳ thi tốt nghiệp THPT là hộp đen, bí mật nhưng giờ sẽ được giám sát, thanh tra để giải quyết các tiêu cực

Đăng đàn trả lời chất vấn chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận nhận được 37 câu hỏi của các đại biểu (ĐB) đặt ra xung quanh những vấn đề nóng hiện nay là tiêu cực thi cử, “loạn” sách tham khảo, dạy thêm, học thêm, chất lượng giáo dục…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Chưa thể có kỳ thi “2 trong 1”

Nhiều ĐB cùng đặt vấn đề về chất lượng GD-ĐT hiện nay, thậm chí Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Sinh Hùng cũng lên tiếng: “Bộ trưởng nói đồng bào chưa yên tâm với chất lượng giáo dục. Vậy từ nay đến năm 2016, khi bộ trưởng hết nhiệm kỳ, chất lượng giáo dục có chuyển biến thêm, yên tâm hơn?”.

Câu hỏi này khó đến nỗi dù Chủ tịch QH lặp lại đến 2 lần nhưng Bộ trưởng Phạm Vũ Luận vẫn không có câu trả lời thỏa đáng mà chỉ hứa: “Tôi sẽ mang hết trí lực, quyết tâm, nghị lực của mình để đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT. Hy vọng chất lượng đào tạo sẽ tiến bộ, nâng cao trong những năm tới”.

Trước ý kiến nên sáp nhập 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ làm một, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng chưa thể thực hiện vì thi phải gắn với học. “Nếu muốn thay đổi cách thi thì phải thay đổi cách học chứ không thể gộp 2 kỳ thi một cách giật cục” - ông Luận nói.

Nói thêm về giải pháp siết chặt trong thi cử, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết trước năm 2012, quy chế thi tốt nghiệp giả định các giám thị đều tốt nhưng thực tế không phải đều như vậy, nhất là sau vụ Đồi Ngô. “Vì thế, chúng tôi quyết định phải có những cơ chế giám sát cán bộ coi thi, chấm thi và chỉ đạo thi. Trước đây, kỳ thi tốt nghiệp THPT là hộp đen, bí mật nhưng giờ sẽ được giám sát, thanh tra để giải quyết các tiêu cực trong thi cử nói riêng, giáo dục nói chung” - ông Luận nói.

Đưa Hoàng Sa, Trường Sa vào SGK

Trước những câu hỏi của các ĐB về trách nhiệm của Bộ GD-ĐT trong việc chậm trễ đưa 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào chương trình sách giáo khoa (SGK) cũng như giải pháp để học sinh thích học lịch sử nước nhà, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết Bộ GD-ĐT đã phối hợp Hội Khoa học Lịch sử biên soạn lại SGK lịch sử để giải quyết những bất cập về nội dung cũng như phương pháp dạy và học lịch sử trong nhà trường.

Liên quan đến việc nhiều cuốn sách tham khảo dành cho bậc mầm non có in cờ Trung Quốc khiến dư luận bức xúc, ĐB Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, đặt vấn đề : “Trách nhiệm của Bộ GD-ĐT ở đâu trong việc kiểm soát SGK, sách tham khảo?”

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng Bộ GD-ĐT chỉ chịu trách nhiệm biên soạn, quản lý sách lưu thông trong nhà trường, còn những cuốn sách tham khảo nằm ngoài tầm quản lý của bộ. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT sẽ dựng một hàng rào kỹ thuật đối với sách đưa vào nhà trường để ngăn chặn những nội dung không tốt.

Chỉ chống dạy thêm, học thêm tràn lan

Dạy thêm, học thêm đang là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm bởi chủ trương phạt nặng giáo viên dạy thêm, trong khi một trong những nguyên nhân dẫn đến việc này chính là chương trình học quá nặng.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết Bộ GD-ĐT đang điều chỉnh lại nội dung để giảm tải chương trình. Trước câu hỏi của ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Bình Định) về việc làm thế nào dung hòa được nhu cầu của cả giáo viên và học sinh, ông Luận khẳng định: “Bộ GD-ĐT chỉ chống dạy thêm tràn lan, quá mức”.

Theo Yến Anh

Người lao động

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG