Bắc Giang:

Mở đường lớn đón sóng đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
TP - Bắc Giang là địa phương phát triển bùng nổ trong vài năm lại đây với tốc độ tăng trưởng hàng đầu cả nước. Năm 2021, dù dịch bệnh xảy ra nặng nề tại Bắc Giang nhưng tốc độ tăng GRDP cả năm của tỉnh ước đạt 7,82% (đứng thứ 10 cả nước). Thành quả đó có sự đóng góp to lớn của hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống giao thông.
Mở đường lớn đón sóng đầu tư ảnh 1

Ông Lê Ánh Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang (thứ 2 từ trái sang) kiểm tra công trình giao thông

Dồn dập nâng cấp, mở đường

Chiến lược “giao thông đi trước mở đường” được thể hiện sinh động tại Bắc Giang nhiều năm qua. Từ năm 2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Giang đã ban hành Nghị quyết số 113-NQ/TU (viết tắt là Nghị quyết 113) về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2016 – 2020. Nghị quyết 113 nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ trong tâm của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2016-2020 đề ra: “Tập trung đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đi trước một bước, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”.

Ngay sau đó, Nghị quyết 113 được quán triệt, triển khai thành các dự án, công trình trên thực tế. Trong báo cáo của Tỉnh ủy Bắc Giang sơ kết gần 5 năm thực hiện nghị quyết này vào tháng 3 năm 2021 cho thấy, đây là thời kỳ các công trình, dự án giao thông, đặc biệt là giao thông đường bộ phát triển bùng nổ.

Mở đường lớn đón sóng đầu tư ảnh 2

Thi công đường kết nối các khu, cụm công nghiệp, đô thị là một trong những ưu tiên hàng đầu của tỉnh Bắc Giang hiện nay

Nhiều công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh đã được hoàn thành. Trong đó, toàn tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn đã đưa vào sử dụng từ tháng 1/2020. Tuyến quốc lộ (QL) 37 được đầu tư, cải tạo, mở rộng qua địa bàn huyện Việt Yên, Hiệp Hòa hoàn thành cuối năm 2020. Tuyến QL 17 đoạn nối đường tỉnh (ĐT) 398 - QL 18 hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng năm 2018.

Các đường tỉnh (293, 295, 289, 294, tuyến Đình Trám- Đồng Sơn - QL31, tuyến ĐT 293 - cầu Bến Đám, đường nối QL 37 - xã Trung Sơn - chùa Bổ Đà) và nhiều đường tránh đô thị, đường nội thị… đã đầu tư xong hoặc gấp rút thi công. Đặc biệt, tỉnh Bắc Giang đã chủ động lập quy hoạch và đầu tư vành đai IV (Hà Nội) và đưa vào khai thác sử dụng công trình giữa năm 2020.

Mở đường lớn đón sóng đầu tư ảnh 3

Tỉnh Bắc Giang đang tiếp tục thực hiện các dự án mới để mở ra các không gian phát triển mới, trong đó có cả các khu vực miền núi

Giao thông nông thôn là một thành công nổi bật trong giai đoạn 2016-2020. Theo đó, các huyện đầu tư cứng hóa được 200 km đường huyện có quy mô cấp 5 trở lên, nâng tỷ lệ cứng hóa đường huyện lên 94,1%. Toàn tỉnh cứng hóa được hơn 180 km đường xã có quy mô cấp VI trở lên, đạt 97,26%. Về đường thôn xóm, có đến 4.300 km (đạt 89,61%) được cứng hóa; trong khi, Nghị quyết 113 chỉ đặt mục tiêu cứng hóa ít nhất 870 km với loại hình này.

Ông Dương Văn Thái, Bí thư tỉnh ủy Bắc Giang đánh giá: “Hệ thống giao thông được đầu tư, nâng cấp đã giúp cải thiện đáng kể môi trường đầu tư kinh doanh; tạo động lực quan trọng và đóng góp tích cực thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong nhiệm kỳ vừa qua”.

Mở đường - mở không gian phát triển

Mở đường lớn đón sóng đầu tư ảnh 4

Hạ tầng giao thông là động lực giúp Bắc Giang phát triển mạnh mẽ các khu, cụm công nghiệp

Tuy đã tập trung tối đa nguồn lực nhưng hạ tầng giao thông của Bắc Giang vẫn được đánh giá là chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Mạng lưới giao thông còn thiếu ở vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều tuyến đường quy mô nhỏ hẹp, trong tình trạng quá tải, hư hỏng, xuống cấp chưa được đầu tư. Đặc biệt, hệ thống quốc lộ qua địa bàn (QL 31, QL 37, QL 297) còn rất khó khăn. Giao thông đối ngoại, kết nối với các tỉnh xung quanh còn hạn chế. Giao thông đường thủy, đường sắt, hệ thống bến xe, bãi đỗ xe hầu như chưa có cải thiện…

Để tháo gỡ khó khăn đó, Ban Thường vụ tỉnh ủy Bắc Giang đã ban hành Kết luận 55-KL/TU để tiếp tục thực hiện Nghị quyết 113. Tháng 7/2021, UBND tỉnh Bắc Giang cũng ban hành Kế hoạch số 340/KH-UBND tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, hạ tầng giao thông vẫn được xem là nhiệm vụ hàng đầu. Theo đó, trong giai đoạn tới, tỉnh Bắc Giang đặt mục cải tạo nâng cấp 100% đường huyện có mặt đường tối thiểu 6m; 100% đường xã, 90% đường thôn, xóm được cứng hóa.

Nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là phát triển các tuyến đường giao thông mang tính kết nối, mở rộng không gian mới để phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ. Tỉnh Bắc Giang cũng sẽ quy hoạch các tuyến đường đảm bảo quy mô, cấp đường có tầm nhìn dài hạn, nâng tính kết nối giữa các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đô thị. Tỉnh cũng sẽ mở mới một số tuyến đường nhằm tạo ra không gian phát triển và kết nối tỉnh Bắc Giang với tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hà Nội, Quảng Ninh; đề nghị mở rộng cầu Xương Giang, Như Nguyệt (hai điểm nghẽn, kìm hãm sự phát triển của Bắc Giang trên QL 1A); đầu tư vành đai 5 (Hà Nội); nâng cấp QL 31, QL 37, xây dựng cầu Cẩm Lý mới tách khỏi đường sắt. Về giao thông đối nội, Bắc Giang cũng lên quyết tâm hoàn thành cải tạo, nâng cấp các tuyến đường tỉnh.

Các nhiệm vụ này đã được đặt ra trong giai đoạn trước và đang được gấp rút tiến hành. Tại kỳ họp HĐND tỉnh Bắc Giang cuối năm 2021 vừa qua, Bí thư tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái thông báo, Bắc Giang là tỉnh đầu tiên hoàn thành Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Về hạ tầng giao thông, ông Thái thông báo thông tin tích cực khi Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh dùng ngân sách địa phương đầu tư mở rộng cầu Như Nguyệt để giải quyết nhanh nút thắt về giao thông trên tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang. Tuyến QL 31 cũng được bổ sung đưa vào Kế hoạch trung hạn của Bộ Giao thông vận tải và dự kiến sẽ khởi công trong quý II/2022.

Cũng tại kỳ họp nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương đánh giá, các khu công nghiệp, khu đô thị ven trục đường cũ đã kín. Do đó, phải xây dựng các tuyến đường giao thông huyết mạch trong thời gian tới để phát triển công nghiệp, đô thị. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư để có các nhà đầu tư lớn đầu tư vào xây dựng các khu dịch vụ tổng hợp, logistic, cảng cạn ICD và cảng thủy nội địa dọc các tuyến cao tốc, tuyến sông để khai thác tối đa lợi thế giao thông đường bộ, giao thông đường thủy phục vụ phát triển công nghiệp, dịch vụ xuất nhập khẩu. Tỉnh Bắc Giang cũng đề xuất Bộ Giao thông vận tải cho thành lập ga liên vận quốc tế đường sắt trên địa bàn tỉnh để khai thác giao thông đường sắt phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa từ Bắc Giang sang Trung Quốc và ngược lại.

Quy hoạch đi trước một bước

Ông Bùi Thế Sơn, Giám đốc Sở GTVT Bắc Giang cho hay, để đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai, Sở GTVT đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng quy hoạch chi tiết hệ thống giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đặc biệt quan tâm các tuyến giao thông đối ngoại, kết nối để tạo động lực phát triển. Sau khi có quy hoạch sẽ xác định và cắm mốc chỉ giới để quản lý, dành quỹ đất để mở rộng, nâng cấp các công trình giao thông, giảm thiểu chi phí bồi thường và các vấn đề có liên quan đến giải phóng mặt bằng sau này.

MỚI - NÓNG