Mở cửa trường học, tránh “mạnh ai nấy làm”

0:00 / 0:00
0:00
TP - Việc đưa trẻ trở lại trường phải có sự chỉ đạo thống nhất trên toàn quốc, không áp dụng cứng nhắc, máy móc giữa các địa phương có cấp độ dịch khác nhau, giữa đô thị và nông thôn, đồng thời tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sáng 17/2 nhấn mạnh yêu cầu này tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về tình hình mở cửa trường học.

Phó Thủ tướng nêu rõ, sau hơn 2 năm phòng, chống dịch COVID-19, đến nay, các điều kiện, năng lực phòng, chống dịch trong nước đã khác với tỉ lệ bao phủ vắc xin cao; đã có thuốc, kinh nghiệm và phác đồ điều trị; ý thức của người dân khá tốt… từng bước thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Việc mở cửa lại trường học là yêu cầu bức thiết.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, tính từ ngày 7/2 đến nay, tổng số học sinh học trực tiếp là hơn 21 triệu em, chiếm 93,71%. Nhìn chung, việc đưa học sinh tới trường học trực tiếp được xã hội, nhà giáo, phụ huynh, các chuyên gia ủng hộ, đồng tình, được đánh giá là đúng lúc và kịp thời. Lãnh đạo các địa phương đã thống nhất chủ trương và đã chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả.

Đại diện UBND thành phố Hà Nội đề nghị Bộ Y tế sớm có phác đồ điều trị cho trẻ em mắc COVID-19 ở các cơ sở y tế, đặc biệt thông tin đến các gia đình nắm được để có biện pháp phòng, chống và điều trị; sớm có vắc xin tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi, nghiên cứu vắc xin tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cũng cho rằng, việc đưa trẻ trở lại trường ở TPHCM dựa trên nguyên tắc linh hoạt, tổ chức dạy học trực tiếp phải diễn ra liên tục, ổn định.

Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, một số cơ sở giáo dục còn lúng túng khi xử lý các trường hợp học sinh là F0, F1. Việc khoanh vùng xác định F1 chưa hợp lý dẫn đến nhiều học sinh phải nghỉ học trên lớp, chuyển sang học trực tuyến vì trong lớp có F0. Cá biệt có nơi cho cả lớp hoặc cả khối dừng học trực tiếp khi phát hiện F0 trong một lớp.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, việc đi học của trẻ em luôn rất quan trọng không chỉ khi có dịch bệnh. Việc học của trẻ còn liên quan đến vấn đề bảo đảm nhân lực, lao động trong phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Với những nghiên cứu, dự báo về sự tồn tại lâu dài của virus SARS-CoV-2, các giải pháp đưa trẻ trở lại trường phải mang tính dài hạn, trên tinh thần chủ động, không mất cảnh giác, không cực đoan, khôi phục lại các hoạt động kinh tế-xã hội trong điều kiện bình thường mới, “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng lưu ý cần tiếp tục triển khai kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi theo định hướng của Bộ Y tế; kiểm soát được tốc độ lây nhiễm trong trường học, có phương án xử lý ca nhiễm, F1 hợp lý, nhất là liên tục cập nhật hướng dẫn điều trị. Bộ Y tế sớm có văn bản hướng dẫn vấn đề xét nghiệm trong trường học; Bộ GD&ĐT tiếp tục tổ chức, kiện toàn các phương thức dạy học trực tuyến, qua truyền hình như một phần của chương trình cải cách giáo dục toàn diện.

MỚI - NÓNG