Tọa đàm “Du lịch Việt Nam 2021-2023: Những cơ hội trong giai đoạn phục hồi mạnh mẽ” diễn ra ngày 3/4 tại FLC Sầm Sơn |
Ngay khi ngành du lịch toàn cầu rơi vào tình cảnh ảm đạm vì đại dịch, Việt Nam vẫn đón nhận những tín hiệu tích cực nhất định. Không chỉ lọt vào danh sách điểm đến an toàn hàng đầu thế giới của nhiều tổ chức lữ hành, du lịch Việt cũng được báo Mỹ Skift nhận định sẽ dẫn đầu các nước Đông Nam Á về tốc độ phục hồi sau Covid – 19.
Thực tế, chúng ta không thể phục hồi du lịch quốc tế nếu thị trường nội địa vẫn “ngủ đông”. Vì thế, khách du lịch nội địa vẫn cần được ưu tiên “săn đón” trước. Song, Việt Nam cũng phải sớm chuẩn bị nguồn lực và các phương án mở cửa nếu không muốn đánh mất cơ hội tăng tốc ngành “công nghiệp không khói” trước các đối thủ cạnh tranh.
Theo chuyên gia du lịch Wong King Yin (Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore), du lịch nội địa không thể bù đắp hoàn toàn cho những mất mát của du lịch quốc tế về số lượng du khách và sức chi tiêu.
Phân tích kỹ hơn thực tế tại Việt Nam, Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) chỉ ra doanh thu từ khách quốc tế lên tới 18,3 tỷ USD, trong khi lượng khách chỉ chiếm 1/5. Một khách quốc tế đến Việt Nam chi trung bình trên dưới 1.000 USD, còn khách Việt chỉ chi 170 USD. Nếu mở cửa đón khách Tây nguồn thu sẽ tăng lên đáng kể.
Nhìn ra thế giới, Maldives đã có một mùa du lịch rất thành công nhờ việc mở cửa thị trường du lịch. Du khách chỉ cần đặt vé, làm xét nghiệm PCR 72 giờ trước khi lên đường. Ngoài ra, cần phải có xác nhận của khu nghỉ mát với đặt phòng và thị thực 30 ngày nhận tại cửa khẩu. Gần đây quốc gia này bổ sung yêu cầu giấy chứng nhận tiêm chủng hợp lệ.
Tại khu vực ASEAN, Singapore dù chưa mở cửa đón khách, nhưng đã lên các phương án và lộ trình chi tiết chuẩn bị đón khách từ tháng 12 năm ngoái. Thái Lan mới đây cũng công bố kế hoạch “Khu vực cách ly” để đón khách nước ngoài từ tháng tới.
Bên cạnh phương án bong bóng du lịch, hành lang an toàn, trong bối cảnh vaccine đang dần được triển khai tiêm chủng đại trà, nhiều quốc gia đã nghiên cứu “hộ chiếu vaccine” như một giấy thông hành để người dân đi tới những quốc gia bắt buộc tiêm chủng đối với người nhập cảnh.
Đây có thể coi là những biện pháp để Việt Nam có thể tái mở cửa biên giới an toàn và bền vững, khi chúng ta đã yên tâm về độ an toàn của điểm đến và nơi khách xuất phát đi du lịch. Chính phủ mới đây đã yêu cầu nghiên cứu từng bước mở lại đường bay quốc tế, chuẩn bị triển khai áp dụng “hộ chiếu vaccine” và giao thương có kiểm soát.
Việt Nam có thể sẽ là điểm đến hấp dẫn, an toàn, thu hút nhiều khách quốc tế khi thị trường mở lại. Câu hỏi đặt ra hiện nay là nghiên cứu thị trường xem tập trung vào thị trường nào, ưu tiên thị trường nào? Nhu cầu của khách đã thay đổi ra sao, du khách mong muốn điều gì và sản phẩm nào cần được thiết kế đặc biệt để đáp ứng những nhu cầu đó trong bối cảnh mới? Cơ chế, chính sách thiết yếu sẽ cần điều chỉnh gì để mở cửa thị trường quốc tế bền vững? Ngoài vaccine, ngành du lịch cần chuẩn bị những gì về hạ tầng, nguồn nhân lực?…
Những chủ đề này sẽ được bàn thảo tại Tọa đàm “Du lịch Việt Nam 2021-2023: Những cơ hội trong giai đoạn phục hồi mạnh mẽ” diễn ra ngày 3/4 tại Quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn (Thanh Hóa). Chương trình do Tổng cục Du lịch, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ, báo VnExpress phối hợp tổ chức, với sự tham dự của các lãnh đạo Hiệp hội; các chuyên gia về du lịch, kinh tế; đại diện cơ quan quản lý và nhiều doanh nghiệp uy tín về du lịch, lữ hành, hàng không trên toàn quốc.
Thông qua tọa đàm, những xu hướng, nhu cầu chính của thị trường du lịch nội địa trong năm 2021, sự thiết yếu của việc sớm mở cửa thị trường quốc tế sẽ được mổ xẻ. Từ đó cung cấp thêm thông tin để doanh nghiệp có những điều chỉnh kịp thời và đề xuất cơ chế, chính sách từ cơ quan quản lý, góp phần phục hồi ngành du lịch nhanh chóng và mạnh mẽ.