Thanh Hóa:

Mồ côi cha mẹ, nữ sinh Đại học Y Hà Nội chưa thể vượt qua nỗi lo “cơm, áo“

Em Nguyễn Thị Linh học sinh lớp 12A2 Trường Trung học phổ thông Quảng Xương 3, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Phan Tuyết.
Em Nguyễn Thị Linh học sinh lớp 12A2 Trường Trung học phổ thông Quảng Xương 3, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Phan Tuyết.
“Có đôi lúc, con chạnh lòng tủi phận khi thấy bạn bè có cha mẹ lo cho, còn riêng con phải tự lo cho mình là chính", Linh chia sẻ.

Có đôi lúc con chạnh lòng tủi phận khi thấy bạn bè có cha mẹ lo cho, còn riêng con phải tự lo cho mình là chính.

Những ý nghĩ ấy cũng qua nhanh vì nếu cứ vấn vương nhiều sẽ làm cho mình nhụt chí.

Con quyết tâm quên đi và cố gắng học thật giỏi để thoát cảnh đói nghèo còn lo cho bà nội, cho người thân, những người đã từng giúp đỡ chúng con trong những ngày đen tối nhất”.

Đó là lời tâm sự của em Nguyễn Thị Linh học sinh lớp 12A2 Trường Trung học phổ thông Quảng Xương 3 (Thanh Hóa) khiến bất kì ai nghe được cũng cảm thấy rưng rưng.

Bất hạnh ập đến

Linh kể nhà mình nghèo lắm, ba làm nghề bán báo dạo, mẹ đi làm thuê nay đây mai đó. Mẹ có tiền sử đau tim, nhưng không thể nghỉ ngơi vì còn phải lo cho bà nội già yếu, 3 đứa con ăn học.

Rồi bất ngờ, một ngày, mẹ vĩnh viễn ra đi khi Linh vừa vào lớp 1. Mọi vất vả nhọc nhằn lại đổ lên vai cha.

Hằng ngày, ba Linh đi bán báo, đánh giày, làm bất cứ nghề gì ai thuê, miễn có đồng tiền chính đáng nuôi con.

Cũng vì nghèo khổ nên khi quanh cổ xuất hiện nhiều hạch, ông cũng không dám đi khám vì sợ tốn tiền.

Vài năm sau, khi cơ thể phát bệnh, gia đình nhận tin sét đánh ngang tai, ông bị ung thư hạch giai đoạn cuối.

Mất ba khi Linh vừa học xong lớp 5, có lẽ vì quá đau buồn, em đã suy sụp hoàn toàn và học hành chểnh mảng năm vào lớp 6. Linh nói trước khi nhắm mắt, ba em cứ nắm chặt tay 3 người con dặn đi, dặn lại: “Bằng mọi giá phải ráng học, đừng bao giờ bỏ ngang để cuộc đời vất vả như ba mẹ”.

Vươn lên trong học tập

Được sự động viên, giúp đỡ kịp thời của người thân, thầy cô và bạn bè, Linh nói mình đã quyết tâm phải học thật giỏi để đổi đời.

Nghèo đói kinh khủng lắm, đời mình nghèo, con cháu còn nghèo hơn. Người ta còn có ba mẹ đỡ đần, nhưng chúng con phải tự mình lo lấy và con đường duy nhất là phải học”, Linh tâm sự.

Có lẽ nhờ quyết tâm ấy, Linh đã đạt được nhiều thành tích đáng nể. 11 năm luôn là học sinh giỏi, xuất sắc (trừ năm lớp 6 khi cha em vừa mất) cùng với nhiều giải thưởng (giải ba, giải nhất) ở các kì thi học sinh giỏi Toán, Lý của huyện và tỉnh.

Điểm xét tuyển đại học khối B của Linh năm nay đạt 28.25, nếu cộng luôn điểm vùng em đạt số điểm 29.75 nhưng vẫn không đậu vào Học viện Quân y.

Xét tuyển nguyện vọng 2, Linh vào học tại Đại học Y Hà Nội, nhưng tiền học phí, tiền ăn hàng ngày quả thật là quá sức với gia đình em lúc này.

Đạt thành tích học tập như thế với một cô bé mồ côi nghèo khó chẳng dễ chút nào, nhưng để vượt qua được cả chặng đường dài, trở thành bác sĩ còn khó khăn hơn nhiều, khi mà "cơm, áo, gạo, tiền" luôn là gánh nặng rất lớn với cô học trò đã mồ coi cha, mẹ.

Chia sẻ về việc học, Linh nói: “Con chỉ học thầy cô giảng dạy trên trường. Học phải biết hỏi, biết thắc mắc để được giải đáp mới nhớ và nắm kiến thức sâu và lâu.

Con thường làm các bài thi trên mạng để tự luyện tập và cũng là để thử sức mình. Vậy cũng khó rồi vì nhà con không có máy tính, không có mạng internet nên con phải nhờ các bạn có điều kiện khá hơn giúp đỡ.

Con không lấy số lượng bài phải làm là quan trọng, làm bài nào con cố gắng hiểu sâu, hiểu kỹ nên khi gặp các bài đồng dạng khác, con không gặp khó khăn gì.

Con phải mượn thêm sách tham khảo của bạn, học sách của anh… Những lỗi mắc phải trong quá trình học, quá trình làm bài kiểm tra, thi thử được thầy cô lưu ý thì quyết tâm sửa và không để mắc lại nữa.

Những vấn đề khó, phải tự suy nghĩ, tự tìm cách giải quyết. Khi nào không làm ra mới nhờ đến sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè. Con tự đặt mục tiêu cho mình thi vào Trường Đại học Y nên phải đạt điểm cao và phải ráng hết sức học tập”.

Ba anh em sống côi cút trong căn nhà nhỏ cùng bà nội cũng đã già yếu. Nguồn sống chính lúc này cho cả bốn bà cháu là 2,3 triệu đồng; trong đó tiền chế độ gia đình liệt sĩ của bà nội là 1,3 triệu; 3 anh em mồ côi được hỗ trợ 1 triệu đồng.

Cả nhà chỉ có sào ruộng để người bác làm giúp lấy lúa gạo ăn hằng ngày nhưng cũng chẳng thấm vào đâu. Thế rồi, bữa đói, bữa no cứ triền miên đến.

Sau mỗi buổi đến trường, Linh lại cùng người bác ruột làm hoa màu trên mảnh đất sau vườn để tăng thêm thu nhập.

Mảnh đất tuy nhỏ nhưng đã trở thành nguồn thu nhập rất quan trọng giúp gia đình em vượt qua những tháng ngày đói khát.

Hết trồng ngô, trồng đậu, lại trồng khoai, trồng các loại rau và nuôi gà. Tất cả đều đổi ra gạo, vì chỉ cần nấu cơm, chạy ra vườn ngắt rau là bà cháu đã có bữa ăn qua ngày, Linh nghẹn ngào chia sẻ.

Đang tỏ ra hào hứng, chợt Linh trầm tư và buồn hẳn: “Giờ anh con đang học đại học, em gái học lớp 11, bà nội đã 85 tuổi rồi, con sẽ lấy tiền đâu đi học?”.

Cô giáo Đoàn Thị Hiền - Giáo viên chủ nhiệm của Linh nói: “Hoàn cảnh gia đình Linh, các thầy cô trong trường đều hiểu, nên đã miễn tất cả tiền ôn thi, một phần tiền học phí và nhà trường luôn dành cho em những xuất học bổng hàng năm”.

Cô cũng khen: “Linh là cô bé có nghị lực, chăm học, năng nổ trong mọi hoạt động của trường, lớp”.

Em nói: “Để thay đổi đời mình và vì chúng con mang ơn nhiều người đã cưu mang, giúp đỡ chúng con những năm qua nên không thể nghỉ học, bằng mọi giá con vẫn sẽ đến trường thực hiện ước mơ.

Đời ba mẹ con nghèo khổ cũng vì thiếu học nên con quyết tâm dùng việc học để thay đổi đời mình”.

Ước mơ xóa bỏ đói nghèo và cống hiến cho xã hội của Linh chắc chắn sẽ nhận được sự đồng tình và sự sẻ chia của mọi người.

Và, chúng tôi hy vọng rằng sẽ có nhiều người dang tay chào đón, giúp đỡ để ước mơ của cô học trò nhỏ bé sớm thành hiện thực.

Theo Theo Giáo Dục Việt Nam
MỚI - NÓNG