Mộ cổ chưa từng thấy, dùng châu báu thay đất chôn cất chiến binh

0:00 / 0:00
0:00
Những món trang sức bằng hổ phách đã giúp các nhà khoa học tìm ra vị trí của ngôi mộ - Ảnh: Đại học Bang Petrozavodsk
Những món trang sức bằng hổ phách đã giúp các nhà khoa học tìm ra vị trí của ngôi mộ - Ảnh: Đại học Bang Petrozavodsk
Lần theo những nút màu bằng hổ phách kỳ lạ, các nhà khoa học Nga đã tìm thấy một chiến binh cổ đại được chôn cất không phải bằng đất mà bằng một loạt châu báu bằng hổ phách và đá quý, cùng với đất son và đá lửa.

Theo Acient Origins, các nhà khoa học Nga cho biết ngôi mộ cổ gây kinh ngạc vì "không có thứ gì tương tự từng được phát hiện trước đây".

Vị chiến binh cổ đại đã được phát hiện ở Petrozavodsk, dọc theo rìa phía Tây của hồ Onega ở Cộng hòa Karelia, Tây Bắc nước Nga. Ông được bọc trong da thú và đặt vào một lỗ hình bầu dục hẹp, phủ lên một lớp đất son đỏ và đá lửa, những thứ rất quý giá vào thời ông sống, khoảng 5.500 năm trước.

Sau đó, thay vì phủ đất, người chiến binh tiếp tục được phủ lên một kho báu đầy đồ trang sức bằng hổ phách và một loại đá quý đặc biệt. Ngay cả loại hổ phách dùng để làm trang sức cũng là một dạng hổ phách rắn hiếm có, chưa từng được tìm thấy ở Đông Âu trước đây. Số hổ phách được chế tác thành nút áo, mặt dây chuyền, các vật trang sức dạng đĩa...

Theo nhóm khảo cổ do phó giáo sư Aleksandr Zhulnikov từ Đại học Bang Petrozavodsk, họ đang tìm kiếm những thành lũy cổ đại chưa từng được khám phá dọc bờ Tây hồ Onega thì đã phát hiện ra ngôi mộ cổ hiếm thấy.

Mộ cổ chưa từng thấy, dùng châu báu thay đất chôn cất chiến binh ảnh 1
Một nhà khoa học tại nơi tìm thấy "ngôi mộ châu báu" - Ảnh: Đại học Bang Petrozavodsk

Dựa vào số châu báu và công cụ quý giá được đặt vào mộ, họ tin rằng ông phải là một người rất quan trọng với cộng đồng dân cư ở đó. Số châu báu và đồ dùng không phải đơn giản được đổ vào mộ để lấp thi hài, mà được xếp đặt cẩn thận theo từng lớp.

Không có yếu tố rõ ràng để xác định giới tính của người trong mộ, tuy nhiên các nhà khoa học đã tìm thấy một mũi nhọn - có thể là mũi giáo - bằng đá lửa được chế tác cẩn thận gần ngôi mộ, thứ thường đánh dấu cho một ngôi mộ nam giới theo thông lệ thời đó.

Số trang sức hổ phách còn cho thấy mối liên hệ giữa dân cư cổ đại trong khu vực với các bộ tộc bờ Nam biển Baltic, nơi được cho là nguồn gốc của số hổ phách.


Link bài gốc:

https://nld.com.vn/khoa-hoc/mo-co-chua-tung-thay-dung-chau-bau-thay-dat-chon-cat-chien-binh-20210909075909061.htm?fbclid=IwAR1DIIQlxJAr6_g-MBvRw5TNuTq18mQHYBhf0Xgmbe7Bqpzo4FmMo-ZQupY

Theo Báo Người Lao Động
MỚI - NÓNG