Miệt mài mang sách cho trẻ vùng xa

Anh Tú Anh và học sinh bản xa. Ảnh: H.C
Anh Tú Anh và học sinh bản xa. Ảnh: H.C
TP - Hàng triệu cuốn sách được Nguyễn Tú Anh sinh năm 1985 đưa đến trẻ em vùng sâu, vùng xa nơi biên giới từ năm 2007.

Sinh ra và lớn lên ở Yên Bái, dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng Tú Anh không ngừng nỗ lực học tập để thi đỗ vào Trường ĐH Kinh tế TP. HCM. Xuất thân vùng quê nghèo nên anh Tú Anh thấu hiểu sự thiếu thốn về miếng ăn, con chữ của trẻ em vùng sâu vùng xa. Từ đó, ở nơi giảng đường, anh Tú Anh nghĩ đến việc kêu gọi những người cùng tâm huyết gom sách vở để mang đến cho học sinh vùng sâu, biên giới khó khăn.

“Ý tưởng đưa vào thực tiễn bắt đầu từ năm 2007. Ban đầu chỉ gom được vài chục rồi vài trăm cuốn sách, tập vở nhưng đến nay đã được nhiều người đồng hành. Mỗi năm tôi cùng những người bạn gom được 1 triệu cuốn sách để mang đến bản xa”, anh Tú Anh chia sẻ.

Dự án “1001 thư viện nơi bản xa”

Hơn 10 năm nay, anh Nguyễn Tú Anh cùng nhóm Chủ Nhật Yêu Thương tại TP.HCM miệt mài quyên góp sách vở gửi đến các em nhỏ vùng xa. Với mong muốn được duy trì một chương trình ý nghĩa, anh Tú Anh đã triển khai dự án mang tên “1001 thư viện nơi bản xa”.

Đầu năm 2014, dự án “1001 thư viện nơi bản xa” khởi động bằng việc xây dựng thư viện sách đầu tiên cho học trò nghèo tại huyện biên giới Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Đến nay, hơn 200 thư viện miễn phí đã hình thành cùng với nhiều hoạt động bổ trợ khác giúp hàng ngàn trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số tại nhiều tỉnh thành trên cả nước được tiếp cận với đa dạng đầu sách phù hợp.

“Chúng tôi bổ sung sách thường xuyên chứ không chỉ duy trì số lượng sách cũ và mỗi năm có từ một đến hai chuyến gửi sách bổ sung cho các thư viện để bù vào nguồn sách mất mát và có thêm những đầu sách mới. Ngoài việc lập thư viện sách, chúng tôi còn vận động mạnh thường quân tặng cặp, học bổng và xây nhà tình nghĩa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn”, anh Tú Anh tâm sự.

Người sáng lập dự án “1001 thư viện nơi bản xa” cho biết thêm, sách của nhóm Chủ Nhật Yêu Thương xuất hiện trong trường học, nhà văn hóa thôn, xã, các tụ điểm văn hóa, thư viện trong gia đình các em học sinh, ở nhà chùa, nhà thờ. “Tới đây, nhóm sẽ kết nối để đặt thư viện sách ở các trại giam với những cuốn sách phù hợp, giúp khai sáng người lầm lỡ”, anh Tú Anh nói.

Đến nay, dù ở tuổi 35, Tú Anh vẫn chưa lập gia đình và miệt mài với hành trình đưa sách đến với trẻ em vùng sâu vùng xa. “Cũng có lúc nghĩ đến việc lập gia đình. Thế nhưng, nếu có gia đình thì không còn thời gian để mang con chữ đến với các em nhỏ nơi sâu, xa của tổ quốc. Còn cô đơn sẽ còn giúp đỡ được nhiều người, bởi vì ngoài việc mang sách đến bản xa, mình và nhóm còn hỗ trợ nhiều hoàn cảnh khác”, Tú Anh chia sẻ.

Miệt mài mang sách cho trẻ vùng xa ảnh 1 Thí sinh HHVN Lê Ngọc Trang chia sẻ về chương trình

Ông Điểu Nương, Trưởng thôn Bù Cà Mau (xã Phú Nghĩa), bày tỏ: “Chương trình thư viện sách của anh Tú Anh rất ý nghĩa đối với học sinh, bởi nơi đây còn khó khăn, thiếu thốn nhiều lắm. Tôi thấy ở Tú Anh một sự chân thành, vì tương lai trẻ em thật sự. Cảm ơn Tú Anh đã mang đến Bù Cà Mau một thông điệp đầy ý nghĩa, nhân văn”.

Với chủ đề “Ðường tới tương lai”, hành trình nhân ái cùng với nhóm thí sinh Hoa hậu Việt Nam 2020 diễn ra tại điểm trường Bù Cà Mau (xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, Bình Phước) trong hai ngày 18 và 19/10.

Tham gia hành trình có các thí sinh Ngô Thị Thu Hương, Lê Trúc Linh, Ðậu Hải Minh Anh, Nguyễn Lê Ngọc Thảo và Lê Ngọc Trang. Tại đây các người đẹp hiểu thêm về ý nghĩa, giá trị của dự án “1001 thư viện nơi bản xa”. Lê Ngọc Trang, thí sinh Hoa hậu Việt Nam 2020 chia sẻ: “Ngay sau khi biết sẽ tham gia nhóm nhân ái đồng hành cùng với anh Tú Anh tại điểm trường Bù Cà Mau, em đã kêu gọi và nhận được nhiều tập sách vở để mang đến góp vào thư viện cho các em học sinh bản xa”.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.