Những ngày bão lụt vừa qua và cả hiện nay, trên các tuyến đường liên tục xuất hiện hàng dãy dài xe băng rôn đỏ hướng về miền Bắc để cứu trợ. Hình ảnh này làm nức lòng người đi đường.
Để tạo điều kiện cho các chủ phương tiện đi cứu trợ, ngày 13/9, ít ngày sau khi bão số 3 đổ bộ, hoàn lưu bão gây ảnh hưởng nặng nề tại miền núi phía Bắc, Cục trưởng Đường bộ Bùi Quang Thái đã ký công văn gửi các doanh nghiệp BOT, các chủ đầu tư đường cao tốc triển khai miễn phí cho các xe cứu trợ, tạo điều kiện cho xe cứu trợ qua trạm nhanh nhất. Các xe miễn phí phải được ghi nhận, lưu trữ hồ sơ, dữ liệu thu phí theo quy định.
Xe chở bia dán băng rôn cứu trợ nhưng vẫn muốn miễn phí cầu đường |
Theo xác nhận của Cục Đường bộ và các doanh nghiệp BOT, việc miễn phí cho các xe cứu trợ sẽ được cơ quan quản lý nhà nước khấu trừ khi quyết toán dự án, các chủ đầu tư cao tốc, dự án BOT không phải chịu khoản chi phí miễn giảm này.
Việc miễn phí cầu đường cho xe cứu trợ đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác cứu trợ. Tuy nhiên, nhiều phức tạp đã nảy sinh, chẳng hạn, trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vừa qua đã xuất hiện trường hợp xe dán băng rôn cứu trợ nhưng lại chở bia, máy cày từ Bắc vào Nam, song vẫn đòi miễn cước vận tải. Sự việc này đã khiến nhiều cơ quan phải vào cuộc để xử lý và xảy ra ùn tắc tại trạm thu phí. Các nhà đầu tư BOT và cao tốc cho biết, những ngày qua, họ đã tuân thủ đúng yêu cầu của Cục Đường bộ.
Xe dán băng rôn cứu trợ nhưng chở máy cày từ Bắc vào Nam |
Bà Bùi Thị Quỳnh, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và khai thác đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chia sẻ: “Chúng tôi yêu cầu tài xế các xe cứu trợ phải có giấy tờ và băng rôn rõ ràng. Khi đi qua trạm, họ sẽ được hướng dẫn vào làn xử lý sự cố để kiểm tra nhanh chóng, tránh gây ùn tắc. Nếu trên đường trở về, xe chở hàng hóa không phải hàng cứu trợ, chúng tôi sẽ thu phí như bình thường". Theo bà Quỳnh, để đảm bảo tính chính xác và minh bạch, bên cạnh camera, nhân viên trạm thu phí còn chụp lại hình ảnh xe cứu trợ và lập biên bản thống kê số lượng xe cứu trợ qua trạm theo từng ngày.
Ông Vũ Ngọc Oánh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, cho biết, công ty luôn ủng hộ và linh hoạt trong việc hỗ trợ các phương tiện chở hàng cứu trợ. Thông thường, các xe cứu trợ sẽ có giấy tờ xác nhận từ chính quyền địa phương hoặc các tổ chức như Hội Chữ thập đỏ, Mặt trận Tổ quốc. Tuy nhiên, trong những trường hợp xe cứu trợ tự phát của người dân không có đầy đủ giấy tờ nhưng có treo băng rôn cứu trợ và vận chuyển nhu yếu phẩm thì công ty sẽ linh động cho qua và sẽ lưu lại hình ảnh để theo dõi. Trường hợp phát hiện phương tiện không chở hàng cứu trợ công ty vẫn sẽ thu phí.
Một chủ đầu tư BOT cho hay, chủ hàng cứu trợ đa phần là người có điều kiện kinh tế nên họ không quá đặt nặng vào việc miễn phí đường bộ, vấn đề phát sinh chủ yếu ở các đơn vị vận chuyển thuê. "Khi ký hợp đồng vận chuyển hàng cứu trợ, đơn vị vận chuyển thường đã tính phí đường bộ với chủ hàng nhưng khi qua trạm, họ lại che thẻ thu phí tự động vào để được miễn. Trên đường về, để tận dụng thùng xe rỗng, họ lại nhận chở hàng hóa khác. Việc này là bình thường, cần thiết nhưng đó là hoạt động thương mại, cần phải thu phí. Việc vận hành cơ chế miễn phí cho xe cứu trợ là rất nhân văn nhưng cũng phát sinh rất nhiều tình huống khó xử", vị này nói.
Cần đơn giản hóa quy trình kiểm tra
Ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (đơn vị cùng báo Giao thông lập cầu vận chuyển hàng hóa cứu trợ bão lụt vừa qua) cho biết: “Việc miễn phí cho xe cứu trợ là việc tốt, nhưng cần xác định rõ xe nào là chở hàng cứu trợ và xe nào là hàng kinh doanh. Nếu là hàng cứu trợ, các trạm BOT sẽ miễn phí. Nhưng nếu xe chở hàng thương mại thì phải đóng phí theo quy định. Không thể lợi dụng chính sách cứu trợ để trốn phí”, ông Hùng nói. Ông Hùng cho biết, quá trình triển khai, Hiệp hội đã kiểm soát rất chặt chẽ lộ trình và mục tiêu cứu trợ để tránh tình trạng trục lợi việc miễn phí.
Cảnh ùn tắc tại trạm thu phí cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vì phải kiểm tra, xử lý xe cứu trợ. |
Về giải pháp tránh ùn tắc và gian lận khi miễn phí cho xe cứu trợ, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng các đơn vị, tổ chức đi cứu trợ nên lập danh sách cụ thể, có người đứng đầu ký xác nhận và cam kết. Trước khi di chuyển, danh sách này nên được kết nối trước với các trạm BOT trên cung đường di chuyển để giảm thời gian kiểm tra. Trong trường hợp có sai phạm, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.
Chuyên gia kinh tế Ngô Long cho rằng cần đơn giản hóa quy trình kiểm tra và nhận diện phương tiện cứu trợ để tránh gây ùn tắc. Ông Long đề xuất giải pháp in tem như tem đăng kiểm để dán lên xe cứu trợ nhằm nhận diện nhanh chóng và chính xác hơn tại các trạm thu phí; đồng thời, cần có chế tài xử phạt nghiêm đối với các phương tiện lợi dụng chính sách này để trốn phí.
Đại diện Cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, việc hỗ trợ phương tiện cứu trợ là trách nhiệm cần thiết trong bối cảnh thiên tai. Tuy nhiên, cần phải có sự linh hoạt trong việc kiểm tra các xe cứu trợ. Đại diện Cục này cũng thừa nhận, việc ùn tắc tại các trạm thu phí trong giai đoạn xe cứu trợ lưu thông là điều khó tránh khỏi, đặc biệt khi số lượng xe tham gia cứu trợ tăng đột biến. Tuy nhiên, cơ quan này vẫn đang nỗ lực phối hợp với các đơn vị để phân làn, điều tiết giao thông, giảm thiểu tác động tiêu cực, đồng thời đảm bảo việc miễn phí cho các phương tiện cứu trợ được thực hiện đúng quy định và nhanh chóng. Cục Đường bộ cũng cho biết đã xác định thời gian miễn phí cho các phương tiện cứu trợ sẽ chỉ diễn ra trong khoảng 1 tháng, đủ để đồng bào các vùng bão lụt cơ bản khắc phục hậu quả.