Thủy đậu là bệnh lành tính nhưng nếu các bậc phụ huynh không biết cách chăm sóc và điều trị kịp thời cho con sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm. Những ngày sau Tết, tại các bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai số trẻ nhập viện vì thủy đậu tăng vọt.
Gia đình khăn gói vào viện chăm con
Theo bác sĩ Trần Thị Thu Hương - Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương: Tại Bệnh viện số trẻ nhập viện vì thủy đậu tăng hơn trong những ngày đầu xuân. Đa số các gia đình đưa con đến viện trong tình trạng xuất hiện các nốt ban ngứa, sốt nhẹ. Trung bình 1 tuần tiếp nhận khoảng 4-8 trẻ. Một số trường hợp nhẹ được điều trị ngoại trú, được kê đơn thuốc hướng dẫn điều trị tại nhà.
Gia đình chị Hoài (Láng Hạ, Hà Nội) cũng có con nhập viện do có biểu hiện của thủy đậu. Bé Nga bị sốt nhẹ khi học ở trường và ngay đêm thì kèm theo triệu chứng chảy nước mũi, đau họng, xuất hiện các vết ngứa. Điều trị 2 ngày con không đỡ các vết ngứa lan dần sang chân, tay nên chị đưa con nhập viện. Chị chia sẻ: “Mấy ngày đầu nhập viện con quấy khóc sốt ruột nhưng đến ngày thứ 5 khi các vết ban bắt đầu khô, đóng vẩy thì con ổn định hơn. Khoa Truyền nhiễm được trang bị sạch sẽ, thoáng đãng nên cũng đỡ bí bách hơn". Chị Hoài chia sẻ, hàng ngày chị vẫn lau người bằng nước ấm cho con chứ không “kiêng” tắm như một số mẹ vẫn mách.
Mẹ con chị Dung (Mỹ Đức, Hà Nội) khăn gói lên Bệnh viện Nhi Trung ương từ sáng ngày 26/2. Bé Hoàng Nam 19 tháng tuổi sốt nhẹ và cũng được chẩn đoán bị thủy đậu. Nhà xa sợ một mình không xoay sở được, bà mẹ chồng lại khăn gói lên cùng con dâu và cháu nội. Chị Hoài cho biết: Gần nhà chị đang có dịch thủy đậu nhưng chị mải đi làm không để ý nên để con chơi với các bạn đang bị. Kết quả là Nam bị lây chéo từ một số trẻ hàng xóm.
Trẻ bị thủy đậu không nên kiêng tắm
Theo PGS-TS. Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai dấu hiệu của trẻ bị thủy đậu:
- Bệnh thủy đậu xuất hiện các nốt ban gây ngứa, lan từ thân lên cổ, mặt, chân, tay… Từ 7-10 ngày các nốt ban chuyển từ sưng màu đỏ sang các chỗ phồng rộp chứa dịch.
- Trẻ bị thủy đậu có biểu hiện sốt từ 1-2 ngày và phát ban.
- Bệnh thủy đậu tiến triển nhanh, đến ngày thứ 4 hoặc ngày thứ 6 thì nốt đậu đóng vẩy.
Phần lớn trẻ mắc thủy đậu nhập viện trong tình trạng viêm nhiễm phổi nặng. Các mẹ nên để ý không cho trẻ gãi và và thường xuyên vệ sinh cho trẻ để tránh tình trạng nhiễm khuẩn máu do vi khuẩn tụ cầu.
Một số biến chứng thường gặp nhất là bị nhiễm trùng tại các nốt đậu. Những người bị biến chứng này nếu không chữa trị kịp thời, tổn thương sẽ ăn sâu, lan rộng nên cho dù được chữa khỏi vẫn có thể để lại nốt sẹo rỗ gây mất thẩm mỹ, nặng hơn còn dẫn đến viêm mô tế bào, nhiễm trùng máu. Ngoài ra, người mắc bệnh thủy đậu còn có thể bị biến chứng viêm phổi, viêm não.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai
Theo bác sĩ, các cách phòng tránh cho trẻ khi bị thủy đậu:
- Nên cắt móng tay cho trẻ hoặc đeo găng tay để tránh tình trạng trẻ gãi gây nhiễm trùng.
- Tất cả trẻ em, trừ những trẻ suy giảm miễn dịch đều nên được tiêm phòng thuỷ đậu.
Theo bác sĩ Hồ Thị Hoài Thu – Viện Da liễu cho biết: Nhiều người quan niệm khi bị thủy đậu phải kiêng nước, kiêng gió thật kỹ nên khi bị thủy đậu thường kiêng không tắm rửa, vệ sinh cơ thể, thậm chí không dám ra khỏi nhà vì tránh gió. Đây là một quan niệm sai lầm. Với bệnh thủy đậu, trẻ vẫn cần tắm rửa, vệ sinh hàng ngày nhưng cần phải đun nước ấm, tốt nhất tắm bằng nước lá chè xanh đun sôi, giữ ấm cơ thể, chú ý súc miệng nước muối thường xuyên và ăn uống nhiều chất để tăng cường đề kháng.
PGS-TS Phạm Ngọc Đính, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ khuyến cáo, bệnh thuỷ đậu tuy chưa thành dịch tại các tỉnh phía Bắc, nhưng cũng rất nhiều ca mắc. Đối với căn bệnh này, đã có vắc-xin phòng ngừa, do đó, ngoài việc giữ vệ sinh, tránh nước và gió cho các cháu khi đã mắc bệnh, việc tiêm chủng là biện pháp phòng hữu hiệu nhất.