Theo đó, sau một thời gian thiết kế và sản xuất cuối tháng 10 vừa qua, Tập đoàn Alstom của Pháp đã hoàn thành sản xuất đoàn tàu đầu tiên và tổ chức lễ ra mắt. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung tham dự và ký Biên bản ghi nhớ về hợp đồng hiện tại với đại diện Tập đoàn Alstom.
MRB cho biết, Tập đoàn Alstom là đơn vị đứng đầu trong Liên danh với Colas Rail và Thales trong việc thiết kế, sản xuất tàu đô thị, do vậy năm 2017 tập đoàn đã được đại diện thành phố Hà Nội chấp thuận cung cấp hệ thống metro tích hợp cho dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Ga Hà Nội. Trong đó, Alstom sẽ cung cấp và tích hợp hệ thống metro bao gồm 10 đoàn tàu và hệ thống vận hành kèm theo, như tín hiệu, hệ thống cấp điện và thiết bị đề pô… Mỗi đoàn tàu gồm 4 toa với tổng chiều dài 78,2m, có 94 ghế và khu vực dành cho người tàn tật...
Cũng theo MRB, Tập đoàn Alstom vừa ra mắt đoàn tàu đầu tiên tại Pháp và đặt mục tiêu đến tháng 6/2020, đoàn tàu sẽ được chuyển về Việt Nam và lắp đặt thêm các thiết bị nghe nhìn, tín hiệu. Đến tháng 8/2020 sẽ có 4 đoàn tàu được chuyển về dự án để tích hợp các bộ phận và chạy thử trong 2 tháng để đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn của Việt Nam trước khi đưa vào khai thác.
Theo thiết kế, tàu sẽ khai thác với tốc độ thương mại 35km/giờ, tốc độ thiết kế tối đa đạt 80km/giờ. Đây được coi là tiêu chuẩn thiết kế của các tuyến metro trên thế giới.
Vận chuyển 23 nghìn hành khách/mỗi giờ
Đoàn tàu có thiết kế cửa rộng tạo điều kiện cho hành khách lên xuống, bố trí không gian dành riêng cho hành khách có khả năng di chuyển hạn chế.. Đoàn tàu có thân toa xe bằng nhôm trọng lượng nhẹ và hoàn toàn chạy bằng điện. “Thiết kế màu sắc nội ngoại thất của tàu cũng được lấy cảm hứng từ bản sắc Việt Nam như quả thanh long và cánh đồng lúa, và được công chúng đón nhận rất tích cực trong đợt khảo sát lấy ý kiến cộng đồng tổ chức vào tháng 09/2018”, đại diện MRB thông tin.
Về sức chuyên chở của đoàn tàu, đại diện MRB cho hay, với tổng chiều dài toa hơn 78 mét và 4 khoang, dự kiến mỗi đoàn tàu sẽ có sức chở tổng cộng gần 950 hành khách mỗi chuyến, mỗi giờ dự án có sẽ chuyên chở hơn 23.900 hành khách.
Để tránh trường hợp các đoàn tàu nhập về không có hồ sơ kỹ thuật cũng như hồ sơ kiểm tra an toàn như dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đại diện MRT cho biết, sau khi hoàn thiện các đoàn tàu sẽ trải qua một loạt các thử nghiệm tĩnh và động tại Trung tâm thử nghiệm Đường sắt Valenciennes (Pháp). “Tiếp đến, nhà sản xuất được yêu cầu thực hiện thử nghiệm trên hệ thống điều khiển tự động của đoàn tàu và thiết bị nghe-nhìn trực quan trên tàu. Cụ thể, tiến độ này sẽ được thực hiện vào nửa cuối năm 2020 tại công trường của dự án đường sắt thí điểm đoạn Nhổn - ga Hà Nội.Thời gian dự kiến đưa các đoàn tàu vào vận hành thương mại khoảng nửa đầu năm 2021”, đại diện MRB nhấn mạnh.
Dự án đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội dài 12,5km, gồm 8,5km trên cao và 4km đi ngầm đi qua quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm. Sau khi được điều chỉnh tiến độ, dự án dự kiến đưa vào khai thác vận hành đoạn trên cao vào tháng 4/2021, vận hành toàn tuyến vào tháng 12/2022.