Ngày hôm nay, cũng đất nước ấy, đang nhảy múa hát khúc ngợi ca chính chàng trai kia. Đó là câu chuyện về đất nước Argentina và chàng trai Leo Messi.
Messi giờ đang mỉm cười trên chính... quê hương anh. |
“Messi, tôi sẽ đợi cả đời để xin được chữ ký của anh”, “Messi, em sẽ (sanh) cho anh hàng ngàn đứa con”, “Messi, nếu anh chơi bóng ở thiên đường, tôi sẽ chết để tiếp tục xem anh” hay “Messi làm tôi sướng hơn vợ của mình”… là một số trong rất nhiều những băng rôn, biểu ngữ xuất hiện trên các khán đài của những nơi tuyển Argentina đi qua, dù đó là trên sân nhà hay sân khách, của ngày hôm nay.
Nếu không thể quay kim đồng hồ về một năm trước đó, có lẽ ai cũng tưởng chuyện Messi sống trong những ngày huy hoàng dưới vòng tay chở che và yêu thương của đồng bào là chuyện thường như “cơm bữa”. Nhưng sự thật, chuyện phải là “từ địa ngục lên thiên đường”.
Một năm trước, Messi như chìm dưới địa ngục sau khi trải qua hai nỗi thất vọng ê chề cùng tuyển Argentina tại World Cup 2010 và sau đó là Copa America 2011. Đó là mùa hè của những nỗi đau! Hàng tá sự chỉ trích và thổi phồng từ báo chí cùng người hâm mộ nước nhà dành cho Messi trỗi lên không ngớt.
Messi chỉ còn cách tìm về vòng tay chở che của mảnh đất Barcelona. Trong khi ngày hôm nay, 2012, một năm sau những chấn thương của lòng người bởi miệng lưỡi và ngòi bút, Messi đơn giản là một thực thể vĩ đại và quan trọng, như dòng chữ trên một băng rôn trong một trận đấu vừa qua của tuyển Argentina: “Messi – vật báu từ H đến O”.
Nếu nước (H2O) là thành phần quan trọng của sự sống thì chính bản thân Messi giờ cũng quan trọng vô cùng với sự tồn vong của Argentina thời Sabella. Nhưng nước, với sự mềm mại như mọi khi và cuồng nộ khi đúng lúc, cũng có lẽ là Messi của sự tương đồng trong trí tưởng tượng con người.
“Dối trá”, “kẻ thất bại” hay “điều bịa đặt” là những từ ngữ cay nghiệt nhất báo chí Argentina đặc biệt dành cho Messi sau khi Albiceleste thất bại ở tứ kết Copa America trước Uruguay trên loạt sút penalty ngay chính tại sân đấu quê nhà Santa Fe (Argentina).
Rồi cả một năm trước đó nữa, Messi gục ngã trước người Đức (4-0) trong trận tứ kết World Cup 2010. Thời điểm ấy, đến ngay Maradona, thần tượng, người thầy của Leo, cũng không thể dám bênh vực anh.
Một fan nữ giơ cao biểu ngữ: Messi, em sẽ cho anh hàng ngàn đứa con. |
Cũng trong khoảng thời gian đó, cha của Messi là ông Jorge Messi đã phải ra mặt chỉ trích báo giới nước nhà. Sau khi thừa nhận rằng “Leo đã chơi rất tệ” là những gì ông nghe thấy trên các khán đài khi người hâm mộ huýt sáo, quát tháo với cùng những cái chỉ tay, trỏ tay đầy cương nghị, ông Jorge với trọng trách của bậc sinh thành không thể làm thinh trước cảnh con trai của mình bị truyền thông chính quốc đối xử thậm tệ.
“Điều khiến chúng tôi cảm thấy tức giận nhất chính là những gì báo chí nói, chính họ xây nên tình cảnh chẳng ai mong muốn như hiện tại. Họ như thể thêm dầu vào lửa. Đúng thế, báo chí Argentina có quyển chỉ trích bởi điều đó hợp lý, bởi đội tuyển đã không chơi tốt. Nhưng tại sao lại có những lời đặt điều liên quan đến việc Leo không hát quốc ca Argentina…”
Ngôn từ chỉ trích từng bị lạm dụng đến mức cạn kiệt, thì giờ đây, ngôn từ ngợi ca dành cho Messi cũng rơi vào cảnh tương tự. Từ dân thường đến chuyên gia, tất cả ca tụng Messi đến nỗi những tính từ hay ho nhất trong từ điển cũng trở nên quá quen thuộc và “lờn”.
Những tiếng hô vang tên anh cất lên không ngơi nghỉ, từ khi các cầu thủ còn đang khởi động trên sân cho đến sau khi tiếng còi khép lại trận đấu cất lên. Theo một cách nào đó, người hâm mộ Argentina gọi Messi là “Chúa”, là “Đấng cứu thế - Messiah”.
Nhưng nên nhớ một điều rằng, chính Messi tự tạo nên diện mạo mới đó, chính Messi tìm kiếm cho mình điều đó. Tại vòng loại World Cup 2014, Leo đã gánh cả đội tuyển trên vai và giúp Argentina một chân đặt lên lãnh thổ Brazil.
Trong 5 trận chính thức của năm 2012 dưới màu áo lam – trắng, Messi ghi 5 bàn và giúp Albiceleste giành 4 chiến thắng, trận hòa duy nhất là trước Peru. Có thể nói, cuối cùng thì cuộc sống cũng đã lại mỉm cười với Leo trên chính quê hương anh!
Theo Thể Thao Văn Hóa