Méo mặt với sữa

Méo mặt với sữa
TP - Vốn đã có 3 đợt tăng giá từ đầu năm nhưng nay hàng loạt hãng sữa lại nhích giá thêm 2-19%. Người dân lại méo mặt với giá sữa.

Kiên quyết không cho tăng giá bất hợp lý
> Bộ Tài chính yêu cầu giải trình tăng giá sữa

Sữa nào cũng tăng giá

Sáng 14-12, ghé cửa hàng sữa K.A trên “phố sữa” Nguyễn Thông, quận 3 hỏi mua lon sữa Gain plus cho trẻ 1-3 tuổi của hãng Abbott chị Nguyễn Thị Hương, ở quận 7 được nhân viên cửa hàng thông báo giá đã tăng 445 nghìn đồng so với 398 nghìn trước đây. “29 mặt hàng khác của hãng sữa Abbott đã tăng lên 9%. Khảo sát của phóng viên tại “phố sữa” này, Mead Johnson cũng tăng giá 18% - 19% từ ngày 1-12. “Đây là lần thứ ba họ tăng giá trong năm nay”- nhân viên cửa hàng H.K cho biết. Trong khi đó, hãng sữa Nestlé cũng tăng 5/20 mặt hàng từ 2% - 10% bắt đầu từ ngày 20-12 tới.

Vin vào đợt tăng giá “khủng khiếp”, các cửa hàng, đại lý bán sữa khác ở TPHCM hét giá mỗi nơi một phách. Ở đại lý sữa trên đường Lý Phục Man, quận 7 mặt hàng sữa Abbott loại 900g, giá cũ khoảng 400.000 đồng/hộp, nay đã tăng lên 430.000 đồng/hộp, trong khi ở siêu thị Citimart giá 450.000 đồng. Tại một cửa hàng trên đường Lý Chính Thắng, quận 3 loại Abbott 1,7 kg, giá bán trước đây 819.000 đồng/hộp, nay là khoảng 910 nghìn đồng/hộp, trong khi ở siêu thị Citimart, siêu thị Lotte và Coop mart ở quận 7, các loại sữa trên đều có giá cao hơn cửa hàng 10.000-20.000 đồng/hộp. Riêng sữa Mead Johnson loại hộp 900g đã đội thêm khoảng 70.000 đồng/hộp ở các siêu thị, còn ở đại lý sữa trên đường Nguyễn Thông đội lên 80-90 nghìn đồng/hộp.

“Hết hãng sữa này đến lượt hãng sữa khác tăng giá khiến người tiêu dùng hoa mắt”- chị Hương nói. Trước đó, từ tháng 9, một loạt nhãn sữa tăng giá từ 4% - 15%, trong đó nhiều nhất là các loại sữa bột của công ty Fierelam capinal như Dutchlady, Friso, Friso Gold, Friso Gold Mum khi đồng loạt tăng giá từ 5.400 - 81.000 đồng/hộp. Sữa Dumex cũng tăng 10% - 13%. Vừa tăng giá từ tháng 9 với dòng sữa Lactogen từ 3% - 10% nay hãng sữa Nestlé lại tiếp tục tăng giá thêm 5 mặt hàng.

Cần thuốc trị

Cũng như mọi lần, các hãng sữa cho rằng do biến động tỷ giá, nguyên liệu, điện nước tăng giá… nên giá sữa mới tăng. Có đơn vị còn viện lý do mã số nhập khẩu một số mặt hàng nguyên liệu sữa sắp xếp lại đã làm cho mức thuế nhập khẩu tăng lên...Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, chi phí đầu vào trong sản xuất sữa không tăng đến mức như các nhà sản xuất, phân phối hô hoán. “Sữa bột gầy tại thị trường châu Úc khoảng 3.200- 3.500 USD/tấn, giảm 100USD/tấn, trong khi các loại nguyên liệu khác như bơ, chất béo, phô mai lại giảm mạnh đến 300 USD/tấn, nhưng không hiểu sao các hãng sữa ngoại vẫn cứ tăng giá”- một nhà phân phối phàn nàn.

Một chuyên gia nhìn nhận, gần 90% thị phần sữa bột trong nước do các hãng sữa nước ngoài thống lĩnh. Nếu không có liều thuốc đủ mạnh, thị trường sữa trong nước dễ bị các hãng sữa này lũng đoạn, độc quyền. Đó là chưa kể, trong nhiều lần thanh tra, cơ quan quản lý giá còn phát hiện một trong những nguyên nhân đẩy giá thành sữa tăng lên là do doanh nghiệp mạnh tay chi cho quảng cáo, khuyến mại cao gấp nhiều lần so với mức quy định 10%. Trong khi đó, giá gốc của các sản phẩm sữa nhập khẩu vẫn còn mù mờ, chưa được cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ. Anh Trọng Hòa, đại lý bán sữa bột nước ngoài tại đường Nguyễn Thông, quận 3, cho biết “thủ phạm” đẩy giá sữa tăng là do khâu phân phối. Chưa kể những trường hợp hãng sữa “bán đứt” cho đại lý, sau đó đại lý phân phối lại với giá cao hơn nên hãng sữa bó tay. “Do không có chức năng phân phối hàng hóa trực tiếp, mà phải qua công ty phân phối tại Việt Nam nên nhà phân phối mặc sức làm giá đến các đại lý, cơ sở bán buôn, bán lẻ. Khi đến tay người dân giá sữa đã đội lên hàng chục lần”- một chuyên gia cho biết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG