Sau Tết, hàng loạt hải sản như tôm, cá, ghẹ... bị phát hiện "ngậm" hóa chất, đạm, ure, chất bảo quản hoa quả để giữ độ tươi ngon. Với vài chú ý cách chọn hải sản tươi ngon dưới đây sẽ giúp bạn tránh được tình trạng "tiền mất, tật mang" khi mua phải hàng kém chất lượng.
Đối với việc chọn cá bạn có thể phân biệt được cá tươi và cá để lâu ngày khi quan sát mắt cá. Cá tươi mắt lồi và trong, giác mạc có độ đàn hồi khi ấn vào. Cá ươn mắt lõm, màu đục, giác mạc nhăn nhúm hoặc rách rưới.
Bạn có thể ấn ngón tay vào thịt cá, nếu thấy thịt rắn chắc, đàn hồi, không để lại vết ấn là cá tươi ngon.
Mực tươi dày mình, trắng trong, thịt chắc không bị nát thì nên mua. Với mực nang, chú ý lớp màng màu nâu bao quanh đều, không bị rách. Chọn mực ống có lớp thịt màu sáng hơi hồng, dầu vẫn dính chặt vào thân, túi mực chưa bị vỡ.
Muốn chọn mua cua ngon, bạn hãy dùng tay ấn vào yếm cua, nếu yếm cứng chắc là cua dày thịt, ăn ngon.
Ngoài ra, bạn nên nhớ tránh mua ghẹ, tôm, cua vào những ngày rằm hoặc gần rằm (giữa tháng âm lịch), vì lúc đó hải sản không được ngon.
Để tránh mua tôm bơm tạp chất hoặc "ngậm" chất bảo quản, bạn không nên mua những con mình thẳng đơ. Thông thường, mình tôm mềm, cong.
Tôm có tạp chất thường bị phù đầu, đuôi xoè, gai vểnh. Không nên mua những con tôm đã bị chảy nhớt.
Sò tươi thì vỏ khép chặt. Nếu vỏ sò đang mở, bạn chạm tay vào thì khép lại nhanh chóng, nước trong ruột nhiều và trong, mùi hơi tanh, nếu là sò hến đã bảo quản quá lâu, không còn tươi, vỏ khép lại chậm, nước trong ruột ít và đục, có mùi thối.
Tương tự đối với ngao, những con vỏ còn cứng, và đóng chặt miệng thì nên mua. Nếu bạn tách thử vỏ ngao thấy dễ dàng thì những con này đã chết, không nên mua. Ngoài ra, những con ngao há miệng, kiểm tra bằng cách dùng tay chạm vào chúng, nếu thấy ngao di chuyển hoặc miệng khép lại, tức là ngao còn tươi sống