Sau 'lệnh' của Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước dừng quy định 'cấm cho vay'
Đêm 23/8, Ngân hàng Nhà nước ra thông cáo liên quan đến việc ban hành Thông tư số 10 về ngưng hiệu lực thi hành Thông tư số 06 từ ngày 1/9 cho đến khi có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới.
Lý giải về việc này, Ngân hàng Nhà nước cho biết, Thông tư 06 giúp kiểm soát rủi ro phát sinh trong quá trình cho vay, góp phần bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng.
"Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, để ưu tiên hơn nữa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã ngưng thi hành các điều khoản trên. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, xem xét các giải pháp phù hợp nhằm kiểm soát rủi ro, bảo đảm an toàn của hoạt động tổ chức tín dụng, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp", Ngân hàng Nhà nước nêu.
Ông Phạm Nhật Vượng giàu thứ 23 thế giới, cổ phiếu Vinfast 'lên đồng'
Tính đến 8h ngày 26/8 (giờ Việt Nam), cổ phiếu VFS đóng cửa tại mức giá 69,07 USD/cổ phiếu, tăng hơn 40,3% so với ngày hôm qua. Khối lượng khớp lệnh đạt hơn 15 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch ước tính 1 tỷ USD. Đáng chú ý, có thời điểm trong phiên giao dịch, giá cổ phiếu VFS lên đến ngưỡng 72,2 USD/cổ phiếu.
Giá cổ phiếu VFS liên tục tăng mạnh trong phiên ngày 25 /8. |
Cổ phiếu VinFast đã tăng 5 phiên liên tiếp đẩy thị giá tăng gấp hơn 3 lần so với thời điểm chào sàn. Vốn hóa thị trường đạt xấp xỉ 160 tỷ USD, tăng khoảng 110 tỷ USD.
Với mức vốn hóa thị trường hiện tại, VinFast ở vị trí thứ 3 trong danh sách những công ty sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, chỉ sau Tesla và Toyota. Ngoài ra, hãng ô tô của Việt Nam còn là công ty xe điện lớn thứ 2 toàn cầu, bỏ xa những cái tên phía sau.
Cổ phiếu VinFast bứt phá mạnh, tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng tăng vọt chỉ sau một đêm. Theo bảng xếp hạng tỷ phú thời gian thực của Forbes, nhà sáng lập VinFast là người có tài sản tăng nhanh nhất trong ngày 25/8 với giá trị 14,7 tỷ USD. Với khối tài sản lên đến 55,8 tỷ USD, ông Phạm Nhật Vượng đã lên vị trí thứ 23 trong danh sách tỷ phú USD theo bình chọn của Forbes.
Chủ tịch công ty LDG bị xử phạt hơn nửa tỷ đồng
Ngày 25/8, Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Khánh Hưng - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty CP Đầu tư LDG. Ông Nguyễn Khánh Hưng bị phạt hơn 520 triệu đồng vì bán 2,6 triệu cổ phiếu không công bố thông tin hôm 15/8. Ngoài phạt tiền, ông Hưng bị đình chỉ giao dịch chứng khoán 4 tháng.
Ông Hưng bị đình chỉ giao dịch chứng khoán 4 tháng. |
Tối 16/8 vừa qua, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) thông báo về việc loại bỏ giao dịch "bán chui" cổ phiếu của Chủ tịch LDG trong ngày 15/8. Số cổ phiếu LDG ông Hưng bán ra chiếm 22,81% khối lượng khớp lệnh cổ phiếu này trên toàn thị trường (giá trị gần 16,7 tỷ đồng).
Trong giải trình gửi HoSE, ông Hưng cho biết, từ ngày 8-15/8 có chuyến công tác xa nên đã giao thư ký thực hiện công bố thông tin theo quy định.
Sau 2 tháng bị khởi tố, vợ ông Nguyễn Đỗ Lăng muốn bán 1 triệu cổ phiếu
Sau 2 tháng bị bắt tạm giam, khởi tố trong vụ thao túng chứng khoán xảy ra ở nhóm Apec, bà Huỳnh Thị Mai Dung - vợ ông Nguyễn Đỗ Lăng - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Cotana (mã CSC) thông báo bán 1 triệu cổ phiếu CSC.
Cụ thể, bà Dung đăng ký bán 1 triệu cổ phiếu CSC trong tổng số 5,16 triệu cổ phiếu đang sở hữu để thực hiện đầu tư cá nhân. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh từ ngày 28/8 - 26/9.
Nếu giao dịch thành công, bà Dung sẽ giảm sở hữu tại CSC từ 16,57% xuống 13,36%.
Ban lãnh đạo APS cùng cổ đông hô "quyết tâm gồng lãi" gây nhiều tranh cãi trên mạng xã hội. |
Kết thúc phiên hôm nay (25/8), giá cổ phiếu CSC ở mức 35,400 đồng/đơn vị, tăng 19% so với đầu năm 2023. Ước tính theo giá này, nếu bán 1 triệu cổ phiếu, bà Dung có thể thu về hơn 35 tỷ đồng từ thương vụ.
Hai tháng trước, vợ chồng ông Nguyễn Đỗ Lăng và bà Huỳnh Thị Mai Dung cùng 3 bị can khác bị khởi tố, tạm giam trong vụ án hình sự "thao túng thị trường chứng khoán" xảy ra tại Công ty CP Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương (APS), Công ty CP Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương (API) và Công ty CP Đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ).
Sau Vinfast, Công ty VNG nộp hồ sơ lên sàn chứng khoán Mỹ
Công ty CP VNG (mã VNZ) vừa thông báo VNG Limited - cổ đông lớn nhất của VNZ đã chính thức nộp hồ sơ đăng ký phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) lên Ủy ban Giao dịch chứng khoán Hoa Kỳ.
"Kỳ lân" công nghệ Việt Nam VNG vừa thông báo VNG Limited đã nộp hồ sơ đăng ký theo mẫu F-1 lên SEC. |
VNG Limited, cổ đông của VNG, dự kiến sẽ IPO cổ phiếu phổ thông loại A tại sàn chứng khoán Nasdaq Global Select Market với mã giao dịch “VNG”.
Citigroup Global Markets Inc., Morgan Stanley & Co. LLC, UBS Securities LLC và BofA Securities, Inc sẽ là các nhà bảo lãnh phát hành cho đợt IPO này. Quy mô giao dịch và khoảng giá chào bán hiện chưa được xác định. Hồ sơ đăng ký theo mẫu F-1 sẽ còn tiếp tục được điều chỉnh và chưa được Ủy ban Giao dịch chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) công bố hiệu lực.
Vợ chồng chủ tịch, CEO công ty gạo Trung An đột ngột từ chức
Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (gọi tắt Công ty Trung An) cho biết, ngày 14/8, công ty đã nhận được đơn từ nhiệm của bà Lê Thị Tuyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) và ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc công ty. Điều khiến công ty bất ngờ là cả 2 lãnh đạo nêu trên của công ty vừa được bầu lại vào HĐQT nhiệm kỳ mới (2023-2028) tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023 vào tháng 6 vừa qua.
Vợ chồng ông Phạm Thái Bình và bà Lê Thị Tuyết. |
Giữa bối cảnh thị trường xuất khẩu gạo đang gặp nhiều thuận lợi, việc từ nhiệm cùng lúc của ông Phạm Thái Bình và bà Lê Thị Tuyết không khỏi gây chú ý. Lý do được phía Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An đưa ra là "cơ cấu lại nhân sự".
Theo tìm hiểu, sau khi xin từ nhiệm vị trí tổng giám đốc, HĐQT Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An đã họp và bầu ông Phạm Thái Bình đảm nhiệm vị trí chủ tịch HĐQT. Cùng với đó, ông Bình được bổ nhiệm giữ chức vụ phó tổng giám đốc.
Trong khi đó, bà Lê Thị Tuyết không còn giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty Trung An, song bà vẫn còn là thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028.
Pouyuen Việt Nam cắt giảm hơn 1.200 công nhân không xác định thời hạn
Sau 3 lần cắt giảm hơn 8.000 lao động do không có đơn hàng, Công ty Pouyuen Việt Nam tiếp tục chấm dứt hợp đồng với hơn 1.200 lao động trong tháng 8 này với lý do tương tự.
Dự kiến ngày 26/8, công ty sẽ thực hiện thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động với công nhân và thông tin về các chế độ liên quan khi người lao động chấp nhận nghỉ việc.
Đối với lao động đồng thuận nghỉ việc, công ty sẽ hỗ trợ cho mỗi năm làm việc là 0,8 tháng lương, kể cả thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Mức lương tính trợ cấp là bình quân mức lương 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
Sau khi hai bên thống nhất thỏa thuận, lao động không phải đến nhà máy vẫn được trả lương và đóng các khoản bảo hiểm. Trong tháng 9, công ty sẽ trả sổ bảo hiểm xã hội (BHXH), hoàn tất các thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động và chi trả các chế độ liên quan cho người lao động.
Vì sao giá xăng dầu thế giới giảm, Việt Nam tăng 5 lần liên tiếp?
Giá xăng ngày 21/8 tiếp tục tăng, giá bán lẻ xăng E5 RON 92 tăng 517 đồng/lít lên 23.329 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 608 đồng/lít, lên 24.601 đồng/lít. Đây là lần thứ 5 liên tiếp, giá xăng dầu trong nước tăng.
Việc giá dầu thế giới giảm trong những ngày gần đây nhưng giá xăng dầu trong nước vừa tiếp tục tăng khiến người tiêu dùng không khỏi thắc mắc.
Lý giải về vấn đề này, đại diện một doanh nghiệp đầu mối cho biết, giá xăng dầu trong nước liên quan đến giá dầu thô thế giới, rồi từ giá dầu thô qua chế biến sẽ ra giá xăng dầu thành phẩm của thị trường Singapore.
Hiện giá xăng dầu của Việt Nam có sự liên thông chặt chẽ nhất với giá xăng dầu của thị trường Singapore vì nhập khẩu trực tiếp từ đó, không phụ thuộc hoàn toàn vào diễn biến giá dầu thô thế giới. Chính vì vậy, khi giá thế giới có sự tăng giảm, giá trong nước sẽ biến động theo tương ứng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, giá dầu thô thế giới giảm nhưng giá xăng dầu bán lẻ trong nước vẫn có thể tăng bởi vì biến động muộn hơn giá dầu thô khoảng 30 ngày, chưa kể cơ quan quản lý dùng các công cụ thuế phí theo từng giai đoạn để điều chỉnh mức tác động với thị trường trong nước.