'Me – xừ' Nguyên vẫn cặm cụi truyền thần

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đến giờ, các cao bồi phố cổ vẫn gọi ông Bảo Nguyên là “me – xừ” (đọc trại từ Monsieur tiếng Pháp nghĩa là quý ông hoặc quý ngài): Me – xừ Nguyên chuyển chỗ rồi! Nhờ me-xừ Nguyên vẽ lại là nhất đấy, không ai bằng... “Quý ngài” U90 ấy tôi đã gặp vài lần, chỉ là không ngờ, ở tuổi này ông vẫn vẽ.

Báu vật phố cổ

Trong một chuyến điền dã, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Thành xúi tôi: cô phải viết về những “báu vật phố cổ” – những “người Hà Nội” sinh ra, lớn lên, gắn bó với phố cổ, thân mang tuyệt kỹ “nhất nghệ tinh” – họ chính là một phần hồn của phố, tiếc là nay chẳng còn nhiều!

Hơn chục năm trước, trong một dự án nghệ thuật của Hội Đồng Anh tôi đã có dịp ngồi rất lâu với me – xừ Nguyên (tên thật là Nguyễn Bảo Nguyên, sinh năm 1934). Khi đó cửa hàng truyền thần của ông vẫn ở số 47 Hàng Ngang, chỉ rộng khoảng 10m2, rất dễ nhận biết vì bên ngoài ông treo ảnh Albert Einstein lè lưỡi và Clark Gable cười nửa miệng. Cái cửa hàng này gắn bó với ông từ khi mới vào nghề. Xung quanh người ta bán quần áo, bên cạnh có một bà bán bánh trôi. Nam thanh nữ tú đi chơi phố thích ghé vào đây ngồi ngay ở vỉa hè xì xụp húp một bát bánh trôi nóng có vị gừng.

Bẵng đi, qua phố Hàng Ngang không còn thấy Albert Einstein và Clark Gable nữa, hỏi ra mới biết, cửa hàng của ông Nguyên bị cháy, và ông phải chuyển việc về nhà.

Trước nhà ông Nguyên ở Ô Quan Chưởng, tuy sống trong phố cổ nhưng ông vẫn thu xếp đủ không gian cho những kỷ vật riêng tư của mình. Mấy bức tranh nhỏ của Bùi Xuân Phái, bức thư họa của nhà thư pháp Lê Xuân Hòa, những đĩa gốm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và cả những bức tự họa của chủ nhân. Ông bảo ông vẫn sống theo kiểu “ngày xưa”, rất khó quen với những tiện nghi hiện đại của các con, trừ cái ti vi để xem bóng đá. Giường của ông là tám cái chiếu xếp chồng lên nhau, thay cho đệm, vì “nằm đệm tôi thấy đau lưng”.

Từ khi công nghệ ảnh và kỹ thuật photoshop trở nên vừa phổ biến vừa rẻ, những người làm nghề truyền thần ít hẳn đi, ông Nguyên vẫn trụ được với nghề. Khách của ông đa phần là người kỹ tính hoặc khách nước ngoài yêu thích các kỹ thuật thủ công. Người ta sẵn sàng bỏ ra số tiền gấp nhiều lần in ảnh và hàng tuần thậm chí hàng tháng chờ đợi để sở hữu một bức truyền thần do chính tay ông Bảo Nguyên tỉ mỉ tỉa tót từng nếp nhăn, từng cái nốt ruồi...

“Vẽ truyền thần quan trọng nhất phải có “cái thần”, khắc họa được dung mạo và khí chất của người mẫu. Có bức tranh chưa vẽ hết nét nhưng đã đạt được thần thái, có bức vẽ kỹ hơn nhưng lại làm mất đi cái thần thái xuất hiện phút chốc đó. Kinh nghiệm và sự cảm nhận tinh tế sẽ giúp ta bắt được khoảnh khắc cái “thần” xuất hiện. Điều này không ai dạy ai được”. Ông Nguyên chia sẻ.

Tính đến nay, ông Nguyên làm nghề truyền thần đã hơn 70 năm. Hiện hiệu truyền thần của ông chuyển về phố Trương Định, dự là sang năm, khi nhà nước sửa sang lại cửa hàng bị cháy thì me – xừ Nguyên sẽ quay về phố cổ để hành nghề!

Tuyệt kỹ truyền thần

“Truyền thần không phải là nghề gia truyền của gia đình tôi. Thuở ngoài 20 tuổi đi ngang qua những cửa hàng truyền thần tôi rất muốn làm được như họ. Tôi xin học việc nhưng không chỗ nào nhận. Tôi tự học bằng cách tập vẽ chân dung những người thân của mình. Trung bình người ta muốn học được nghề này phải mất 10 năm, muốn trở thành “cao thủ” phải mất 20 năm. Thời hoàng kim, nghề vẽ truyền thần của tôi có thu nhập cao gấp 6 lần thu nhập của một bác sĩ”. Vừa tỉa tót cái khăn vấn của một cụ bà “sống từ thời phong kiến” ông Nguyên vừa thủ thỉ kể.

Tốt nghiệp trường Bưởi, ông Nguyên thi vào khoa Vật lí nguyên tử (Đại học tổng hợp Hà Nội) và trở thành một trong những sinh viên ít ỏi của khoa. Trận ốm thập tử nhất sinh đúng kì thi tốt nghiệp khiến con đường khoa cử của ông bị gián đoạn. Trong một năm chờ thi lại, ông dự định sẽ kiếm một nghề làm thêm tạm thời để giúp gia đình. Nhưng xin học truyền thần không ai nhận, ông mày mò tự tìm ra cách của mình.

'Me – xừ' Nguyên vẫn cặm cụi truyền thần ảnh 1

Ông Bảo Nguyên gần 90 tuổi vẫn vẽ truyền thần mỗi ngày

“Dụng cụ hành nghề của tôi chỉ có một tờ giấy trắng loại tốt, bột cacbon và dăm ba cái bút tự chế. Cả Hà Nội không ai có loại bút vẽ giống tôi. Tôi lấy những cái đũa ăn cơm chẻ hai đầu, một đầu nhét miếng tẩy, một đầu nhét que tăm. Khi vẽ, đầu tăm là bút, lúc cần quấn thêm miếng bông nhỏ là thành cái chổi vẽ nét to. Mực vẽ của tôi cũng tự chế bằng muội than (còn gọi là muội đèn). Đây là chất liệu khó phai màu, rất bền”, me –xừ Nguyên hào phóng kể ra những bí mật nghề nghiệp.

Vốn chỉ định làm tạm thời rồi quay lại học, nhưng thu nhập tháng đầu tiên của thợ vẽ truyền thần là 250 đồng, gấp bốn lần lương của người kĩ sư đã làm nghề lâu năm, thế là ông gắn bó với nghề đến giờ.

Ông Bảo Nguyên có khoảng 100 bức tranh truyền thần nổi tiếng, trong đó có bức họa chân dung ông Nghè Vũ Tông Phan, nhà sử học Ngô Sỹ Liên, nhà văn Lan Khai- Nguyễn Đình Khả… Năm 2000, 14 tranh truyền thần của ông được trưng bày tại triển lãm Nhật Bản. Tranh của ông cũng từng được giới thiệu trong một số triển lãm của Anh, Pháp, Mỹ...

Cửa hàng ở ngay phố cổ, khách quốc tế rất đông: Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, Hồng Kông, Singapore… đủ cả, ông Nguyên lại tự mày mò học tiếng Anh để giao tiếp. “Tôi mua một quyển từ điển về tự tra rồi nghe băng nói theo. Nói thì thạo chứ không viết được nhiều”.

Ông Nguyên có thể vẽ mẫu trực tiếp, cũng có thể phục chế, vẽ lại chân dung từ ảnh. Một trong những “đề bài” khó nhất với ông chính là yêu cầu vẽ lại chân dung ông Nghè Vũ Tông Phan. Nhân dịp 200 năm ngày sinh của Vũ Tông Phan, anh Vũ Thế Khôi - hậu duệ 9 đời của ông Nghè đã đặt me-xừ Nguyên vẽ bức chân dung cụ tổ mà không có bất cứ tấm ảnh mẫu nào. Thế là suốt mấy tuần liền sau đó, ông Nguyên phải dành phần lớn thời gian để đọc lại tiểu sử cũng như thơ văn ông Nghè. Chưa đủ, ông còn đề nghị người nhà kể về cụ tổ của mình để hình dung, cảm nhận. "Sau buổi nói chuyện lần thứ 2 với con cháu họ Vũ - khi người khách về cứ như có một người ngồi bên giá vẽ làm mẫu. Tôi liền cầm bút lên vẽ rồi treo vào một chỗ kín đáo. Khi anh Khôi “rước” cụ về, cả họ vừa nhìn thấy đã công nhận đây là thần thái đạo mạo của dòng họ Vũ Tông”, ông nhớ lại.

'Me – xừ' Nguyên vẫn cặm cụi truyền thần ảnh 2

Hai bức tranh Albert Einstein lè lưỡi và Clark Gable cười nửa miệng ở cửa hàng truyền thần Bảo Nguyên

Cứ gọi tôi là thợ vẽ!

Gần 90 tuổi, hàng ngày ông Nguyên vẫn tận tụy với công việc của mình, như một công chức mẫn cán.

Ông khẳng định: “Tôi muốn người ta gọi tôi là thợ vẽ, chứ không phải là họa sỹ. Vì người họa sỹ có thể vẽ tranh lúc có hứng, lúc có thời gian hay sức khỏe. Nhưng người thợ vẽ dù không có những điều đó vẫn phải vẽ, vẽ bằng cái tâm và trách nhiệm nghề nghiệp. Không mấy ai đủ kiên nhẫn để theo đuổi nghề này và cũng không có bí quyết gì để thành công trong nghề”.

Nhà có 3 “báu vật dân gian sống”

Gia đình ông Bảo Nguyên có ba người nổi tiếng, được coi như những “báu vật dân gian sống”.

Người đầu tiên là cụ Nguyễn Hữu Mão - bố ông Nguyên, là người mê thơ nức tiếng. Lúc mất, gia tài cụ để lại cho con cháu là “vài tạ thơ” (theo nghĩa đen).

“Ngoài 90 tuổi cụ thường ra Bờ Hồ tập trung những bà thích thơ rồi đọc cho họ nghe bài cụ vừa viết, sau đó cụ thưởng cho người nghe thơ ít tiền nhuận tai.

Lúc ốm nặng, cụ cũng trốn ra Bờ Hồ đọc thơ, về bị viêm phế quản, ho sù sụ suốt đêm. Vợ con rầy la cụ cũng bỏ ngoài tai. Hơi khỏe là cụ lại lỉnh ra Bờ Hồ sinh hoạt hội thơ cóc.

Sau khi cụ mất, vợ con tìm thấy sổ ghi chép tiền trả nhuận tai cho các bà nghe thơ của cụ lên tới vài trăm triệu”, người con thứ ba kể về cụ Mão.

“Báu vật” thứ hai, chính là me-xừ Nguyên, được nhạc sĩ Cát Vận gọi là “người của phố”: “Thử hỏi một Thăng Long, phố cũ/ Sẽ còn gì nếu thiếu vắng ông”.

“Báu vật” thứ ba là nhà thơ dân gian Nguyễn Bảo Sinh, người có nhiều câu thơ nổi tiếng được truyền tụng rộng rãi, ví như: “Làm thơ phải có vân thơ/ Như vân tay ở trên tờ chứng minh”, hay: “Vợ là thánh chỉ Vua ban/ Có sao dùng vậy miễn bàn đúng sai”...

Ngoài vẽ chân dung, me – xừ Nguyên cũng vẽ cả phong cảnh. “Tôi không thích phố phường Hà Nội bây giờ, nó quá hỗn tạp và xô bồ. Tôi luôn hoài nhớ những “mái ngói lô xô” trong “phố Phái” xưa. Sau nhà tôi bây giờ cảnh cũ cũng mất cả, tôi phải lưu lại nó trong trí nhớ, trong cả những bức ảnh chụp vội để có thời giờ thì biến nó thành tranh truyền thần”.

MỚI - NÓNG