Mẹ quá tuổi hoặc quá trẻ làm tăng nguy cơ sinh non

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
 Việt Nam là một trong số nhiều nước có tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh non tháng, nhẹ cân cao. Thống kê tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương gần đây cho thấy, tỷ lệ trẻ sinh non có xu hướng tăng lên, từ 15% (năm 2011) lên 18% (năm 2013).

Việt Nam đã có thể nuôi sống trẻ sinh thiếu tháng nặng 500g

Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, ước tính một năm có khoảng 4.000 trẻ đẻ non. Chia sẻ tại Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới vì trẻ sinh non diễn ra tại Hà Nội vào cuối tuần qua, ThS.BS Trần Diệu Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) cho hay: Trung tâm thường xuyên có 100 cháu nằm, có thời điểm quá tải, 2 cháu một giường. 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trên toàn cầu cứ 10 trẻ sinh ra thì có một trẻ đẻ non. Việt Nam nằm trong số 42 nước có tỷ lệ trẻ tử vong cao, 25% nguyên nhân tử vong là do sinh non - tỷ lệ rất cao. Mặc dù Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã có nhiều tiến bộ trong công tác chăm sóc, điều trị sản phụ khoa, nhưng tỷ lệ sinh non đang có xu hướng tăng lên.

ThS.BS Trần Diệu Linh cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến xu hướng này, trong đó một phần là do sự phát triển của các biện pháp hỗ trợ sinh sản. 

Trước kia nhiều phụ nữ bị vô sinh thì nay điều trị được, tăng khả năng có thai. Tuy nhiên, bản thân những phụ nữ này cũng gặp vấn đề, nội tiết không ổn định vì thế khả năng sẩy thai, sinh non rất dễ xảy ra. Minh chứng cụ thể, ThS.BS Trần Diệu Linh thông tin: Bệnh viện hiện có một ca sinh 4, thụ tinh trong ống nghiệm được 4 bào thai, gia đình muốn giữ. Mỗi cháu chỉ được hơn 1kg.

Ngoài ra, theo ThS.BS Trần Diệu Linh, tình trạng viêm nhiễm của người mẹ (viêm phổi, viêm họng, thậm chí sâu răng); sinh đa thai; rau tiền đạo; u xơ tử cung… cũng là nguyên nhân khiến trẻ sinh non. 

Bên cạnh đó, người mẹ khi mang thai bị suy kiệt sức khỏe; bị một số bệnh mãn tính ở tim, phổi, thận, huyết áp cao; bị vỡ ối non; sốt rét, sốt do nhiễm siêu vi - nhiễm trùng; tiền sản giật, sản giật cũng là yếu tố gây sinh non tự nhiên hay sinh non do can thiệp phẫu thuật; nhiễm trùng tiết niệu không triệu chứng. 

ThS.BS Trần Diệu Linh cũng cảnh báo: Mẹ quá tuổi hoặc quá trẻ cũng làm tăng nguy cơ sinh non. Bệnh viện từng có thai phụ sinh con khi mới 12 tuổi, bé sinh ra được 32 tuần, chỉ nặng 1,8 kg. Đặc biệt 30% trường hợp sinh thiếu tháng chưa tìm được nguyên nhân.

Trẻ sinh non cần sự chăm sóc đặc biệt

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới, trẻ sinh thiếu tháng (sinh non) là trẻ ra đời trước thời hạn bình thường trong tử cung, có tuổi thai từ 28 – 37 tuần. Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng – nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM) chia sẻ: Vì sinh chưa đủ tháng nên nhiều cơ quan trong cơ thể trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh, do đó trẻ rất dễ mắc bệnh. 

Ngay khi mới chào đời, trẻ có thể bị suy hô hấp, hạ thân nhiệt, hạ đường huyết, nhiễm trùng nặng, vàng da kéo dài, xuất huyết não - màng não (do gan chưa sản xuất được vitamin K1), bệnh màng trong. Trẻ sinh non cũng dễ bị loạn sản phổi, bệnh tim mạch (bệnh còn ống động mạch). 

Bệnh còn ống động mạch nếu không được phẫu thuật sớm có thể làm trẻ bị suy hô hấp, suy tim, viêm ruột... Trừ một số ít trẻ sinh non bị các bệnh kể trên, đa số vẫn phát triển rất tốt về thể chất và trí tuệ.

Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng cũng lưu ý: Sự phát triển của trẻ sinh thiếu tháng phụ thuộc rất nhiều vào sự chăm sóc, nuôi dưỡng và điều kiện môi trường xung quanh ngay từ phút đầu sau đẻ. 

Trẻ sinh thiếu tháng thường có sức đề kháng yếu và sức khỏe gặp nhiều rủi ro hơn so với trẻ bình thường, vì vậy cha mẹ cần có cách chăm sóc đặc biệt hơn. Với trẻ sinh non cần hướng dẫn các bà mẹ kỹ năng ấp con kangaroo, tránh mất nhiệt, bú sữa mẹ. 

Sau sinh, trẻ sinh non có cơ tâm vị yếu nên các bé còn dễ bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Vì vậy, sau khi xuất viện, gia đình cần cho trẻ ăn dặm nhiều bữa, sử dụng thuốc chống trào ngược theo chỉ định của bác sĩ, cho bé nằm đầu cao sau khi bú. Trẻ sinh non khi ăn cũng hay bị lâu tiêu do nhu động ruột yếu, có khi bị táo bón phải thụt tháo, bị viêm ruột hoại tử. Vì vậy cần cho bé ăn chậm, tốt nhất là dùng sữa mẹ.

Các bác sĩ khuyên sau khi xuất viện các bà mẹ cần đưa con đến tái khám theo hẹn của bác sĩ để theo dõi sức khỏe, sự phát triển vận động, tâm thần của bé có bắt kịp theo lứa tuổi hay không, để kịp thời can thiệp sớm. Trong trường hợp bé bỏ bú, bú kém, ọc nhiều sau khi bú, sốt... cần đưa bé đến bệnh viện gần nhất, không được để đến ngày tái khám.

Về vấn đề tiêm ngừa vaccine cho trẻ sinh non, theo lịch tiêm chủng của Chương trình Tiêm chủng Quốc gia, trẻ cần tiêm mũi 1 vaccine viêm gan B trong vòng 24 giờ sau sinh và vaccine BCG phòng lao càng sớm càng tốt (nhưng không nên để quá 1 tháng). Theo PGS.TS Phạm Nhật An, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, đối với trẻ sơ sinh thiếu tháng, tùy theo mức độ non tháng và nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con để quyết định việc tiêm phòng vaccine viêm gan B và vaccine BCG.

 Trường hợp thứ nhất - theo mức độ non tháng, không có nguy cơ lây truyền viêm gan B cao từ mẹ sang con thì thường trì hoãn việc tiêm vaccine tới lúc trẻ đạt được khoảng 2,5 kg. Nếu trẻ phát triển bình thường thì nên đưa trẻ đi tiêm chủng theo lịch của Chương trình Tiêm chủng Quốc gia. 

Cần lưu ý nên đưa trẻ đi tiêm khi thấy bé thật sự khỏe mạnh, sau tiêm nên theo dõi cẩn thận, khi thấy những dấu hiệu khác thường cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, tránh biến chứng. 

Nếu trường hợp nguy cơ lây truyền viêm gan B cao (mẹ có HBsAg dương tính, HBeAg dương tính) thì cần được tiêm phòng vaccine viêm gan B và huyết thanh chống viêm gan B đặc hiệu ngay sau khi đẻ.

Tại Việt Nam, tỷ lệ tử vong của trẻ dưới 5 tuổi vẫn rất cao, trong đó 75% là tử vong dưới 1 tuổi - nguyên nhân chủ yếu là sinh non. Việt Nam là một trong số nhiều nước có tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh non tháng, nhẹ cân chiếm tỷ lệ cao. “Điều này không phải không phòng tránh được. 

Bệnh viện Phụ sản Trung ương từng nuôi dưỡng thành công trẻ sinh non nặng 500g. Hiện trẻ sống và phát triển tốt, không bị những ảnh hưởng thông thường của trẻ sinh non như chậm phát triển trí tuệ hay mù…”, PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Theo Giadinh.net
MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.