Vụ án không phức tạp vì không có nhiều tình tiết pháp lý, mà khiến người ta đắng lòng thương cảm bởi phía sau vụ án này là sự thiếu hiểu biết pháp luật của người nông dân, là thảm cảnh của mẹ con bà lão vì nghèo khó mà phạm tội.
Chỉ vì con chuột
Gia đình không có đất sản xuất nên hàng năm cứ vào độ tháng giêng và tháng sáu, anh Hoàng lại tất bật cùng một số anh em hàng xóm, theo ghe người ta lên tận Đồng Tháp để cắt, vác lúa mướn. Nhưng cuộc sống vẫn vậy, nghèo túng luẩn quẩn. Căn nhà bé xíu lại lụp xụp, xiêu vẹo không có tiền sửa chữa. Cô vợ ốm yếu, hay đau bệnh mỗi khi trái gió trở trời. Hai đứa con thơ đang trong tuổi ăn tuổi lớn mà luôn nheo nhóc đói khát. Trước kia, bà Thu vẫn thường cùng anh Hoàng đi cắt lúa ở Đồng Tháp.
Thời gian gần đây, bà Thu ngày một tuổi già, sức yếu nên không đi nữa mà giao phần trách nhiệm của cả nhà lên đôi vai của anh Hoàng. Muốn thoát khỏi số phận nghèo đói, anh Hoàng nhiều đêm suy nghĩ, muốn làm một cái gì đó cho lớn lao, cho ra hồn một chút để cả nhà được nhờ. Không lẽ quanh năm suốt tháng chỉ biết đi làm mướn ở Đồng Tháp hoài vậy sao. Làm mãi, rốt cuộc vẫn nghèo túng.
Những ngày cuối tháng 5-2011 gần đây, anh Hoàng bạo dạn hỏi mướn hai công đất ruộng của người hàng xóm kế bên đất nhà mình. Miếng đất này, người chủ đã muốn cho thuê từ bấy lâu, nhưng vẫn chưa ai ngó ngàng tới vì sợ dọn cỏ cực khổ. Đối với anh Hoàng, cỏ rác chút xỉu, anh không ngại. Miễn chịu cực làm là cái gì cũng xong. Thế là hai mẹ con bỏ công ra làm chỉ mấy ngày cũng sạch bóng, không khác gì mấy miếng đất màu mỡ gần bên đó.
Không thể chậm trễ hơn, mẹ con anh Hoàng dọn luôn khoảng đất nhỏ xíu của nhà mình nằm kế bên để tiến hành gieo mạ cho kịp vụ. Hai mẹ con hớn hở làm ngày làm đêm không biết mệt. Trong thâm tâm của họ lúc nào cũng nghĩ về một vụ mùa bội thu sắp tới cho gia đình. Chỗ gieo mạ được anh Hoàng làm láng mướt, be bờ thẳng băng, vuông vức trông khá đẹp mắt. Giống mạ được bà mẹ cất công hỏi mua ở tận xóm trên đem về ngâm ủ và được anh Hoàng gieo ngay sau đó.
Sáng hôm sau ngày gieo mạ, khi ra thăm đồng anh Hoàng phát hiện dấu chân chuột lội dấu trong ruộng mạ và không chỉ có thê, lũ chuột còn cắn phá đi một mớ mạ gieo. Không thể để trình trạng này tiếp tục diễn ra, anh Hoàng liền vào bàn với bà Thu là phải tìm cách ngăn chặn chuột cắn mạ.
Hai mẹ con bàn tính đến chuyện dùng lúa trộn thuốc chuột để diệt chúng. Nhưng kế bên ruộng mạ là chuồng gà, chuồng vịt của hàng xóm. “Lỡ không may gà vịt nhà họ có xổng chuồng ra ăn rồi ngộ độc chết thì lấy tiền đâu mà đền. Với lại vì con gà, con vịt mà để mất tình nghĩa xóm giềng thì không đáng”, bà mẹ bàn với con trai cách dùng điện để bẫy chuột, liền bảo anh Hoàng ra tiệm bán đồ điện gần nhà mua dây vừa đủ để kéo từ nhà ra ruộng mạ.
Học được bài bản cách bẫy điện diệt chuột từ trên Đồng Tháp, người con trai ra tiệm sửa xe đạp xin vài sợi dây thép, nối chúng lại với nhau rồi giăng xung quanh ruộng mạ. Khi làm bẫy chuột, người con trai đã tính toán chính xác khoảng cách giữa cọng thép so với mặt đất là hai đốt ngón tay vừa vặn không hơn không kém để khi con chuột chui ngang thì bị điện giật chết. Mẹ con thống nhất với nhau: “Vào mỗi đêm thì cắm điện một lần từ 18h đến 19h. Con phải đi soi cá, soi ếch vào ban đêm kiếm cái ăn nên nhiệm vụ cắm điện diệt chuột là của má”.
Diệt chuột hóa diệt… người
Cắm điện diệt chuột được hơn một tuần, mẹ con bà lão nhận thấy chuột không dám cắn phá, ruộng mạ phún xanh mơn mởn. Vì mạ cũng còn nhỏ nên bà Thu và anh Hoàng cố níu để bẫy điện lại cho mạ lớn hơn chút mới tháo bỏ.
Tối 19-5-2011, bà Thu tiếp tục cắm điện để bẫy chuột. Thường thì khoảng ít phút, bà ra vào thăm chừng nhưng hôm đó, chỉ vì mải mê xem phim hoạt hình cùng hai đứa cháu nên cả nửa tiếng đồng hồ sau bà mới bước ra thăm chừng. Khi nhìn ra đám mạ thấy có ánh đèn nằm dưới ruộng cứ rọi mãi về một hướng, nghi ngờ có chuyện dữ xảy ra, bà vội xách đèn pin chạy ra thì phát hiện có người vừa bị điện giật. Thấy vậy bà mới tri hô lên cho mọi người chạy lại cứu giúp nhưng đã muộn.
Nhận được tin báo, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bến Tre kịp thời có mặt để khám nghiệm tử thi. Kết quả khám nghiệm cho thấy nạn nhân là anh Phan Văn Luận (ngụ ấp Gia Thạnh, xã Thạnh Ngãi). Trong lúc đi soi nhái trong khu vực đám mạ, anh Luận đã bị điện giật chết. Bà Thu thì đã bị lực lượng công an mời về làm việc ngay đêm đó.
Sáng hôm sau, Cơ quan điều tra tiếp tục khám nghiệm hiện trường. Tại căn nhà lụp xụp, bốn cột nhà xiêu vẹo, hai đứa con của anh Hoàng đang chạy lẫm chẫm dưới chân người mẹ ốm tong ốm teo, mặt tái xanh nhờn nhợt không chút máu. Ánh mắt của người mẹ và hai con đang nhìn chằm chằm vào ruộng mạ. Chắc chắn hai đứa bé kia không biết gì về việc nhà mình bỗng dưng đông người đến thế, cũng không thể hình dung ra điều gì sẽ đến với mái nhà mà chúng đang ở.
Anh Hoàng cứ loay hoay tái diễn lại cách làm bẫy điện diệt chuột mà mình từng làm trước đó. Một hồi lâu, một cán bộ điều tra trầm ngâm hỏi: “Ai dạy anh làm như vậy?”. Anh đứng bần thần một hồi lâu rồi thành thật: “Trước kia tôi đi làm mướn ở Đồng Tháp, thấy ở trên đó người ta làm như vậy nên về bắt chước làm theo”. Hỏi tiếp: “Sao anh biết cắm điện diệt chuột có thể nguy hiểm cho người, Nhà nước đã cấm mà sao vẫn làm?”. Đáp nghẹn ngào: “Tôi cũng biết giăng điện nguy hiểm, nhưng vì chuột cắn mạ quá làm tôi nóng ruột… Tất cả tiền bạc tài sản trong nhà đã dồn vào đám mạ nên không thể để chuột phá được. Nào ngờ có chuyện xảy ra vậy đâu”.
Thảm cảnh từ đói nghèo
Vừa xong việc tái diễn lại hiện trường cho lực lượng điều tra, nhìn thấy nải chuối già ngã gãy do đêm mưa gió hôm trước đó, anh xin phép các cán bộ công an cho được xách vào nhà đưa cho vợ dù nảu chuối nhìn còn non. Anh còn xin phép cho ăn vội một chén cơm để cho kịp theo lực lượng điều tra về tỉnh.
Khi vừa bước lên xe, người vợ hỏi chồng: “Sao anh không đem cơm cho mẹ”. Người chồng trả lời: “Hồi sáng sớm có anh công an mua cho mẹ hộp cơm, mẹ ăn chưa hết nên vẫn còn. Mà em nhớ nấu mấy con cá hồi hôm anh bắt được còn bỏ trong chum nghe, làm cho các con ăn”. Người vợ cùng hai đứa con nước mắt lưng tròng trong ánh mắt tròn xoe, nhìn theo đến khi bóng chiếc xe khuất lẫn vào những lá dừa xanh hai bên đường.
Một ngày đầu tháng 9-2011, phiên tòa xét xử vụ án giết người diễn ra khá nhanh chóng, hai bị cáo chỉ gục đầu thờ thẫn mà không biết nói gì nhiều. Với tội danh giết người, bà Nguyễn Thị Thu bị kết án 5 năm tù giam; cùng đồng phạm là con trai Phạm Minh Hoàng lãnh 2 năm tù giam.
Một kiểm sát viên VKSND tỉnh Bến Tre kể lại, những hình ảnh trong vụ án mẹ con bà lão nghèo giết người vì bẫy chuột đã ám ảnh không ít những người tham gia vụ án. Xét thấy hoàn cảnh đáng thương của gia đình, VKSND tỉnh Bến Tre đã ra quyết định kháng nghị, đề nghị Tòa xem xét giảm hình phạt đối với bị cáo Phạm Minh Hoàng xuống còn tù treo, để bị cáo Hoàng có cơ hội chăm sóc vợ và hai đứa con nhỏ.
“Họ nghèo đến mức không có đất để làm ruộng, phải thuê đất trồng cấy, xót xa trước cảnh những cây lúa của mình bị chuột cắn nên mới dại dột phạm tội. Nạn nhân thì cũng đã chết, để lại nỗi đau cho tất cả các bên trong vụ việc đáng tiếc này”, vị kiểm sát viên này ngậm ngùi.
Theo Pháp luật & Thời đại