Mẹ bỏ con vào lồng đi bán vé số

Mẹ bỏ con vào lồng đi bán vé số
“Thực lòng em cũng không muốn làm như vậy! Là mẹ ai chẳng thương xót con nhưng do điều kiện em khó khăn quá em đành chấp nhận vậy..."

"Nếu không mang con đi thì một ngày chỉ bán được khoảng 70 – 80 ngàn đồng, còn mang cháu đi mọi người rủ lòng thương bán được gấp đôi. Em cũng chỉ muốn tích cóp được tiền mua đất xây nhà cho nó sau này” – Người mẹ trẻ dấm dúi khóc, lí nhí thủ thỉ với tôi.

Mẹ bỏ con vào lồng đi bán vé số ảnh 1

Hơn 7.000 ngày khổ đau

Chiều chầm chậm buông cả khu phố trở nên vắng vẻ, người mẹ trẻ như mất hồn vẫn cứ lang thang, chốc lại tạt vào quán ven đường mời khách mua vé số. Vẻ mặt thất thần, những bước chân rệu rã khiến những lời chào mua vé số trở nên yếu ớt và buồn bã. Chị giờ như chán ngán, trơ lì trước những lời đàm tiếu của thiên hạ.

Cuộc đời Nguyệt đã chịu quá nhiều đắng cay, quá tủi cực. Chỉ vì một phút nóng giận, vì miếng cơm manh áo Nguyệt phải xa đứa con – người thân duy nhất của chị. Để có được đứa trẻ đó Nguyệt phải đánh đổi bao đớn đau, bao uất hận.

“Từ ngày người ta bắt con nó đi mọi người thấy nó buồn bã lắm. Bây giờ chỉ đi bộ bán vé số, nhìn nó xanh xao hơn mọi khi, gương mặt thì lúc nào cũng thất thần chẳng muốn mời ai mua vé số…” - Anh Minh, chủ một quán nước ven đường ở TX Đồng Xoài (Bình Phước) chép miệng, thở dài nói với tôi.

Gặp được Nguyệt bây giờ khó khăn hơn trước rất nhiều, không phải vì chị bỏ nghề bán vé số mà chỉ vì một điều đơn giản: Nguyệt không còn chiếc xe cà tàng, chiếc lồng sắt chở con rong ruổi khắp thị xã mưu sinh.

Nguyệt vốn là một cô gái mồ côi mẹ khi mới lên 2 tuổi, được 8 tuổi thì bố cũng mất. Sau đó từ TP HCM về TX.Đồng Xoài (Bình Phước) sống chung cùng dì ghẻ. Cuộc sống lang bạt dường như khiến con người Nguyệt nguội lạnh, quên hết quá khứ.

Trong một thoáng nhắc lại quá khứ Nguyệt như vỡ òa, cô khóc như một đứa trẻ vừa chứng kiến cha mẹ mình lìa xa cõi trần: “Em khổ lắm, hai mươi năm nay chưa ngày nào em thấy hạnh phúc cả. Chỉ vì muốn dành dụm tiền mua đất cho con, mỗi ngày hai mẹ con chỉ ăn có 30 ngàn đồng, số tiền còn lại bỏ heo đất tích cóp. Hằng ngày bất kể nắng mưa, gió bụi, con em cũng phải cùng mẹ đi bán từ 5 giờ sáng đến 10 giờ tối, với hành trình gần 100km. Buổi sáng em mua 5 ngàn bún cho con ăn còn em nhịn đói. Buổi trưa mua 10 ngàn cơm hai mẹ con ăn chung. Tối cũng vậy, em mua 10 ngàn cơm hai em con ăn chung, đêm đến cháu nó đói em chỉ mua 5 ngàn bún cho nó ăn”.

Mẹ bỏ con vào lồng đi bán vé số ảnh 2

Hỏi về cha của cháu Quý, Nguyệt như lảng tránh đi cái nhìn của chúng tôi, chị như không muốn nhắc lại chuyện cũ, không muốn nhắc lại điều mà chị coi là “tủi nhục nhất cuộc đời: “Học hết lớp 8, em phải nghỉ học để phụ giúp gia đình. Năm 18 tuổi, em xin vào làm phụ việc tại nhà nghỉ T.P. (TX Đồng Xoài). Những lời dỗ ngon ngọt, thề non hẹn biển và dã tâm chiếm đoạt của lão chủ nhà mang “họ Sở” đã khiến chị mang bầu cháu Quý. Tủi nhục và đắng cay nhưng người mẹ trẻ không đành lòng bỏ đứa con trong bụng, chị bỏ việc, sau khi sinh thì sống cách ly gia đình và bắt đầu hành nghề bán vé số từ đó đến nay.

Mọi người không khỏi ái ngại với hoàn cảnh của Nguyệt. Nhiều khi vé số ế ẩm trời thì mưa như trút, thương con bị lạnh nhưng chị vẫn gắng gượng bắt đứa con nhỏ đi cùng. “Đã hai lần, hai mẹ con đang đạp xe trên đường thì bị xe ôtô tải chạy nhanh qua, hắt lên lề đường. Thằng Quý sợ hãi lại khóc thét…!”- Nguyệt chia sẻ.

Em cũng chỉ muốn tốt cho con

Vụ việc mẹ ruột bỏ con vào lồng sắt đi bán vé số ở Bình Phước đã gây nhiều bức xúc trong dư luận. Phóng viên có một buổi trò chuyện cùng người mẹ trẻ đó. Những gì Nguyệt nói thì quả chị đáng thương hơn đáng trách.

Tại sao chị đã bị chính quyền địa phương nhắc nhở mà vẫn tiếp tục bỏ con vào lồng sắt đi bán vé số?

Thực lòng em không muốn như vậy, nhưng vì điều kiện kinh tế quá khó khăn và thương con lớn lên sau này không có nhà cửa nên mới mang theo cháu cùng đi bán.

Vậy mang theo con như thế bán được nhiều hơn tới mức nào? Chị có cụ thể số tiền kiếm được?

Mang theo con như vậy khách hàng rủ lòng thương ạ. Nếu không mang theo con em chỉ bán được 70-80 ngàn đồng/ngày. Còn mang theo nó em bán được gấp đôi (trung bình 150 ngàn đồng/ngày).

Em mang con đi bán vé số cùng được bao lâu rồi?

Dạ, hơn 1 năm rồi ạ.

Vậy em tích cóp được nhiều chưa?

Em cũng tích cóp được hơn 40 triệu đồng rồi. Em dự tính cùng con bán thêm 1 năm nữa để đủ tiền mua đất và xây một căn nhà nhỏ.

Vậy còn tiền mà chính quyền và các nhà hảo tâm cho cháu trước đây đâu rồi?

Dạ em vẫn tiết kiệm trong ngân hàng. Em tính sau này lấy tiền đó cho cháu ăn học.

Có phải em có tiếng là “đánh con khét tiếng đất Đồng Xoài này”?

(Im lặng)

Mẹ bỏ con vào lồng đi bán vé số ảnh 3

Tại sao em lại đánh cháu?

Đúng là nhiều người nói em đánh con khét tiếng ở đất Đồng Xoài này. Nhiều lúc cháu đói hoặc giật mình tỉnh giấc vì tiếng ồn là khóc bù loa lên, trong khi xế chiều vé số còn ế nên đôi khi nóng em dùng tay tát vào mông, tay, chân của cháu. Nhiều người thấy vậy, cứ nghĩ em ghét bỏ cháu vì tức giận cha nó ( N.T.P. cùng sống tại Đồng Xoài) bỏ rơi.

Thế còn vết thương trên trán cháu Quý khâu 5 mũi vào tối ngày 15-11 thì sao? Mọi người nói em dùng dao chém con đúng không?

Không đâu ạ! Người ta ghét em nên nói em vậy thôi. Làm mẹ sao có thể mang dao chém con được. Em chỉ tức giận nhất thời thì phát cháu mấy cái. Còn viết khâu đó là do hôm đó em vừa dắt xe đạp từ vỉa hè quán cà phê xuống đường thì bị vấp ngã, làm xe đổ xuống đất. Lúc đó cháu Quý đang đứng trong lồng nên ngã theo xe, đập trán vào một viên đá bên đường nên phải khâu 5 mũi.

Nói đến đây Nguyệt không cầm được nước mắt, chị òa khóc như một đứa trẻ: “Em mồ côi mẹ từ 2 tuổi, em hiểu được cuộc sống thiếu mẹ. Em chỉ mong các chú các bác trả lại con cho em. Em xin cam đoan sẽ gửi cháu vào nhà trẻ và không đánh cháu nữa”.

Quả thật khi trò chuyện với Nguyệt cảm giác giận thương cứ lẫn lộn, đan xen vào nhau. Giận bởi chỉ vì chút lợi nhuận từ việc bán vé số mà chị mang đứa con nhỏ phải dãi dầu nắng mưa. Thương bởi Nguyệt còn quá trẻ đã phải chịu bao tủi hờn của số phận.

Có lẽ cũng chính cái số phận nghiệt ngã đó đã khiến Nguyệt có cách dạy con, nuôi con hà khắc để rồi có hậu quả đáng tiếc như hôm nay. Tất cả còn chưa muộn, niềm vui, hạnh phúc còn đang chờ họ phía trước.

Lợi dụng sự thương hại của mọi người và để việc buôn bán thuận lợi, chị Vũ Thị Thanh Nguyệt làm cái sọt bằng lưới B40, cột vào yên xe đạp rồi bỏ bé Quý vào trong, hằng ngày rong ruổi khắp nơi bán vé số bất kể nắng, mưa. Mặc dù nhiều người đã khuyên can, nhưng người mẹ nhẫn tâm vẫn bất chấp. Chưa hết, một số người dân còn chứng kiến Nguyệt nhiều lần đánh bé Quý dẫn đến gây thương tích.

Chiều 17-11, cháu Vũ Hoàng Ngọc Quý (sinh ngày 2-5-2010) đã chính thức được chính quyền địa phương cách ly tạm thời khỏi mẹ ruột Vũ Thị Thanh Nguyệt (21 tuổi, ngụ phường Tân Phú, TX Đồng Xoài, Bình Phước) vì người mẹ có hành vi ngược đãi cháu. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn đưa cháu Quý đi giám định thương tật (vết thương khâu 5 mũi trên trán được cho là do mẹ ruột gây ra).

Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Phước Trần Hữu Quyền cho biết, đang xem xét trả lại cháu Quý cho chị Nguyệt sau một tuần cách ly. Hiện cháu Quý đang được tạm gửi tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.

Ông Quyền thông tin: "Sau khi giám định vết thương trên trán cháu Quý đúng như Nguyệt đã khai báo với các cơ quan chức năng "do cháu bị té" nên Sở đang xem xét việc trả lại cháu Quý (hiện đang được tạm gửi tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh chăm sóc - PV) cho Nguyệt, nhưng buộc Nguyệt phải làm cam kết gửi bé Quý vào nhà trẻ, không được ngược đãi; đồng thời giao cho chính quyền địa phương tiếp tục giám sát".

Theo Tiêu Phong
Cảnh sát toàn cầu

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG