Trước đó, ngày 24/2, hai máy bay vận tải quân sự Airbus A400M của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã bay tới sân bay Boryspil để vận chuyển hàng cứu trợ nhân đạo và sơ tán công dân Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, hai máy bay không thể cất cánh khi không phận Ukraine bị đóng cửa do bùng phát xung đột với Nga.
Máy bay vận tải quân sự A400M của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ mắc kẹt ở Ukraine. Ảnh: militaryleak |
Airbus A400M là máy bay vận tải quân sự bốn động cơ cánh quạt được thiết kế bởi Airbus Military (nay là Airbus Defense and Space). Máy bay được đưa vào sử dụng năm 2013 với nhiệm vụ vận tải chiến thuật để thay thế các máy bay vận tải cũ, chẳng hạn như Transall C-160 và Lockheed C-130 Hercules. Ngoài khả năng vận tải, A400M có thể thực hiện tiếp nhiên liệu trên không và sơ tán y tế khi được trang bị các thiết bị phù hợp.
Máy bay có trọng tải cất cánh lên tới 141 tấn. Ảnh: Wikipedia |
A400M có chiều dài 45,1 m; sải cánh 42,4 m; chiều cao 14,7 m và trọng lượng 70 tấn và trọng lượng cất cánh tối đa lên tới 141 tấn. Máy bay được thiết kế chủ yếu từ vật liệu composite, có khả năng vận chuyển hàng hoá vào các địa điểm có đường băng nhỏ.
A400M được trang bị 4 động cơ phản lực cánh quạt TP400-D6. Ảnh: Airbus |
Máy bay vận tải được trang bị động cơ TP400-D6 do EuroProp International (EPI) sản xuất. Mỗi động cơ có công suất tối đa hơn 11.000 mã lực cho phép vận chuyển tối đa 37 tấn hàng hóa hoặc 116 binh sĩ với trang bị vũ khí đầy đủ. A400M có tốc độ hành trình 780 km/h, tốc độ tối đa đạt 825 km/h, có thể hoạt động trong bán kính 9.300 km với trần bay đạt 11 km.
Máy bay vận tải có thể sử dụng để tiếp nhiên liệu trên không. Ảnh: Airbus |
A400M có thể chuyển đổi thành máy bay tiếp dầu chiến thuật có khả năng tiếp nhiên liệu cho nhiều loại máy bay và trực thăng trong vòng hai giờ.
Buồng lái hiện đại của máy bay vận tải. Ảnh: Airbus |
Máy bay được thiết kế với buồng lái tương thích với tầm nhìn ban đêm, kết hợp với hệ thống điện tử hàng không bao gồm hệ thống điều khiển và hiển thị thông tin buồng lái với 9 màn hình lớn.
Ngoài ra, A400M cũng được trang bị hệ thống định vị độc lập bao gồm hệ thống tham chiếu quán tính (IRS) được tích hợp với hệ thống định vị toàn cầu (GPS).