Từ con đường qua huyện Phú Thiện (giáp thị xã Ayun Pa), các dự án điện mặt trời đã chạy ngút mắt người đi đường. Dọc Quốc lộ 25, đoạn gần đèo Tô Na (cách thị xã Ayun Pa gần 10 km) la liệt dự án điện mặt trời, mỗi dự án chiếm khoảng 1 ha đất. Có dự án làm đã xong, nhưng không ít còn dang dở cột dựng. Ngay trong trung tâm thị xã, tại ngã ba Cây Xoài, có khoảng 10 nhà dân lắp điện áp mái, với diện tích khoảng 500 m2.
“Ở đây, người ta thi nhau làm điện mặt trời. Có tiền thì làm thôi, hệ quả sau này ra sao, tôi cũng chưa biết. Nhiều người dân vùng này chung băn khoăn với Trưởng công an thị xã Ksor H'Bơ Khắp như phát biểu trước Quốc hội. Sau này pin năng lượng mặt trời hết hạn sử dụng để làm gì? Đưa lên mặt trăng hay để nướng bò một nắng? Không thể tưởng tượng được sẽ ra sao khi pin hết hạn sử dụng người ta mà ném xuống sông Ba”, một cư dân Ayun Pa nói.
Trước "sức nóng" của điện mặt trời, đầu tháng 11, UBND thị xã Ayun Pa ra công văn chấn chỉnh. UBND thị xã yêu cầu đơn vị trực thuộc thường xuyên theo dõi, giám sát để đảm bảo thực hiện theo quy định trong triển khai các dự án trang trại nông nghiệp, kể cả giai đoạn đầu kết hợp hệ thống điện mặt trời mái nhà tại trang trại nông nghiệp. Chính quyền cũng yêu cầu những đơn vị trực thuộc kịp thời phát hiện các sai phạm và tham mưu, đề xuất xử lý nghiêm các vi phạm về đất đai, xây dựng…
Theo báo cáo rà soát, kiểm tra một số dự án nông nghiệp đang triển khai ở Gia Lai của Sở TN&MT tỉnh này, thời gian qua xảy ra tình trạng ồ ạt đầu tư xây dựng hệ thống điện mặt trời áp mái. Từ đó dẫn tới cơn sốt chuyển mục đích sang đất trang trại nông nghiệp chăn nuôi, trồng trọt, gây áp lực với cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương. Tổng số dự án trang trại nông nghiệp và điện áp mái (theo kết quả rà soát của UBND cấp huyện) là 230.
Các dự án nông nghiệp này được triển khai theo chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND cấp huyện; các chủ đầu tư chủ yếu là hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để xây dựng công trình trang trại chăn nuôi, trồng trọt với mục đích chủ yếu lắp đặt tấm quang điện (tấm pin năng lượng) để đấu nối vào hệ thống lưới điện.
Sở TN&MT Gia Lai cho rằng, việc triển khai các dự án trang trại nông nghiệp còn thiếu chặt chẽ. Cụ thể, UBND cấp huyện nơi có dự án chưa lường được các vấn đề pháp lý phát sinh sau khi có chủ trương chấp thuận các dự án phát triển nông nghiệp. Sở TN&MT cũng cho rằng, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan lĩnh vực này còn chưa đồng bộ; thiếu hướng dẫn của các bộ, ngành, dẫn đến các đơn vị chức năng lúng túng trong việc hướng dẫn UBND cấp huyện, các tổ chức, cá nhân quy trình, thủ tục triển khai xây dựng hệ thống điện mặt trời mái nhà, nhất là đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà tận dụng các dự án nông nghiệp.
Sở TN&MT Gia Lai chỉ rõ, việc chuyển sử dụng đất trồng cây lâu năm sang đất nông nghiệp khác để xây dựng các công trình trang trại là không phù hợp. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không quy định hành vi này vi phạm trong lĩnh vực đất đai. Do đó, không có cơ sở pháp lý để xử phạt vi phạm hành chính đối với việc trên.
Sở này còn băn khoăn, với số lượng lớn dự án trang trại nông nghiệp và điện áp mái, nếu kiểm tra chi tiết việc chấp hành pháp luật của chủ dự án và các tổ chức, cá nhân sẽ mất rất nhiều thời gian (kiểm tra hồ sơ pháp lý, đối chiếu với kết quả triển khai dự án tại thực địa).
Trong khi đó nội dung kiểm tra, thẩm quyền xử lý vi phạm (nếu có) đều thuộc UBND cấp huyện. Sở Công Thương, NN&PTNT và TN&MT đề nghị UBND tỉnh Gia Lai giao nhiệm vụ kiểm tra cho UBND cấp huyện thực hiện, tổng hợp báo cáo kết quả kiểm tra về UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo.
Mới đây, ông Đỗ Tiến Đông, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Gia Lai chủ trì cuộc họp về tình hình thực hiện và các vướng mắc liên quan đến các dự án trang trại nông nghiệp kết hợp hệ thống điện mặt trời áp mái. Ông Đông kết luận, UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát để đảm bảo thực hiện theo đúng quy định.
Theo báo cáo của Sở TN&MT Gia Lai, qua đối chiếu kế hoạch sử dụng đất năm 2020 tại 5 huyện (Chư Prông, Đức Cơ, Đắk Đoa, Phú Thiện, Ia Grai), xác định chỉ có 11/89 dự án phù hợp với kế hoạch sử dụng đất cấp huyện.