Mật đắng và trái ngọt hậu ly hôn

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
“Khi một cánh cửa này khép lại, thì sẽ có nhiều cánh cửa khác mở ra”.

Hậu ly hôn và áp lực kinh tế

Sau ly hôn, điều “ám ảnh” nhất đối với chị Trúc (Phạm Văn Hai, Q.Tân Bình, Tp.HCM) là câu nói mỉa mai của chồng cũ: “Bỏ tôi à, để xem cô có nuôi nổi mình không?!”. Chị biết mình không còn ở cái tuổi đôi mươi nữa, những năm tháng làm vợ làm mẹ đã cướp đi của chị rất nhiều thứ quý giá, tuổi xuân, công việc, người thân - vì ngày chị quyết định lấy anh, bố mẹ đã tuyên bố không nhìn mặt chị. Niềm an ủi duy nhất của chị là các con. Hai đứa rất thương chị và muốn về sống cùng mẹ. Nhưng lúc này, chị phải đối diện với việc bị tước quyền nuôi con, vì chị không có tiềm lực kinh tế để lo cho các con một cuộc sống đầy đủ.

Vào cái tuổi ngoài tứ tuần, chị phải tìm lại trong đống giấy tờ tùy thân tấm bằng đại học chuyên ngành marketing của trường kinh tế ngày nào đã bị quên lãng từ bấy lâu nay. Vì sau khi kết hôn, anh Hùng chồng chị đã khuyên vợ nên ở nhà chăm lo cho gia đình, con cái, để anh có nhiều thời gian phấn đấu, nhưng cuộc sống có ai biết trước chữ ngờ. Trong khi con đường sự nghiệp của anh cứ thẳng tiến, thì đường sự nghiệp của chị chỉ gói gọn trong ba từ “bà nội trợ”.

Chị đã nộp hồ sơ nhiều nơi, nhưng nơi nào cũng lắc đầu không nhận vì họ chỉ tuyển những người có kinh nghiệm và tuổi đời dưới 35. Cuộc sống thật sự bế tắc, rồi làm sao có thể dành được quyền nuôi con, khi mà chị không thể tự lo nổi cho mình? Áp lực kinh tế thật sự là một gánh nặng trên đôi vai của chị.

Sau bao ngày rạc người, mỏi gối đi xin việc không thành, chị đã nảy sinh ra một sáng kiến là bán café cốc, vừa không tốn nhiều vốn mà lại có thu nhập ổn định, với số tiền ít ỏi chị nhận được sau khi ly hôn thì một quán café cốc thật sự là cứu cánh.

Quán café cốc của chị tuy nhỏ, nhưng lại rất đông khách bởi ai cũng quý cô bán hành sởi lởi, hiền hậu, nhờ thế mà thu nhập của chị cũng đều đều mỗi tháng dư từ 5-7 triệu. Chắt chiu tích lũy từng đồng, sau 2 năm khổ cực chị đã mở cho mình một cửa hàng café ăn sáng khang trang và đông khách.

Điều kiện kinh tế tốt hơn, ngay lập tức chị đón hai con về nuôi. Lúc này chồng chị cũng đã có gia đình riêng và người vợ sau cũng sinh cho anh một cậu con trai kháu kỉnh, nên anh cũng không mặn mà việc đấu tranh để dành quyền nuôi con với chị nữa. Có hai con bên cạnh, chị như được tiếp thêm sức mạnh để cố gắng làm ăn lo cho các con một tương lai ổn định.

Ly hôn sau 10 năm chị đã làm chủ một nhà hàng chuyên tổ chức tiệc cưới có tiếng trên đường Hoàng Văn Thụ, Q. Tân Bình, Tp.HCM với doanh thu nhiều người mơ ước. Hai con chị được học hành đàng hoàng đứa nào cũng được du học tại trường tốt nhất.

Nỗi sợ cành cong

Sau ly hôn, dù chưa đến 40 tuổi và có nhan sắc, nhưng trái tim của chị Lan (Trần Văn Kiểu, Q.6, Tp.HCM) đã chết thật rồi với tình yêu nam nữ. Không đến mức hận thù đàn ông, nhưng kinh sợ thì chị có. Nhiều người đã đến tìm hiểu, đàn ông góa vợ có, đàn ông ly dị có, trai tân chưa vợ cũng có, nhưng chị vẫn lạnh lùng từ chối hết. Lúc nào chị cũng lấy con cái và công việc làm niềm vui sống dù nhiều đêm không ngủ được chị đã rơi nước mắt tủi thương phận mình.

Khi nghĩ về quá khứ chị Lan thấy ân hận vô cùng. Chị ân hận không phải vì là người quyết định ly hôn mà vì đã không tìm hiểu kỹ khi lấy người đàn ông ấy. Nghĩ lại quá khứ kinh hoàng khi còn bên chồng mà chị không khỏi rùng mình ghê sợ.

Chồng cũ của chị là một người có vẻ ngoài lịch lãm, nhưng lại ghen tuông khủng khiếp. Anh ta hay đánh đập chị vì những ly do hết sức vô lý. Trong danh bạ điện thoại của chị, không bao giờ có bất kỳ một số điện thoại của người đàn ông nào ngoài số của chồng.

Một lần, sau giờ tan tầm, vì bị kẹt xe mà chị về nhà trễ gần 1 giờ đồng hồ. Về đến nhà, vừa kịp dựng chống xe, chưa kịp bỏ túi xách chị đã bị chồng giáng cho cái bạt tay nẩy đom đóm mắt, ù cả tai. Chưa kịp định thần xem chuyện gì xảy ra, chị đã phải hứng chịu tiếp trận mưa đòn tay đấm chân đá kèm theo lời thóa mạ của chồng.

Mặc các con khóc thét. Mặc chị van lạy cầu xin. Gã chồng cứ đấm đá và chửi rủa chị không ngừng. Hắn cứ khăng khăng vì chị đi gặp trai nên mới về trễ. Phải đến khi hai ba người đàn ông hàng xóm chạy vào can thiệp hắn mới buông tha cho chị. Đấy không phải lần đầu chị Lan bị chồng bạo hành. Nhưng đấy chính là giọt nước tràn ly khiến chị nhất quyết ly hôn mặc những lời năn nỉ, van xin được tha thứ như bao lần trước của gã chồng ghen tuông bệnh hoạn.

Sau khi ly hôn, làm người mẹ đơn thân, nhiều lúc chị muốn quỵ ngã trước những áp lực cuộc sống. Những lúc như thế, đâu đó trong lòng như có tiếng vọng thôi thúc chị tìm cho mình một bờ vai đàn ông để nương tựa cho vơi đi những nhọc nhằn cô đơn buồn tủi. Nhưng ngay lập tức, những hình ảnh tủi nhục ngày nào tràn về như sóng cồn đã nhanh chóng cuốn phăng tiếng vọng yếu ớt kia đi.

Cứ thế, giờ đây khi đã bước qua tuổi 50, chị Lan vẫn đi về một mình khi hai đứa con nay đã lớn khôn và có gia đình riêng.

Gạn đục khơi trong

Chuyên gia tâm lý Khuất Thu Hồng-Viện Nghiên cứu, Phát triển Xã hội chia sẻ: Là một trong những biến cố lớn trong đời người nên ly hôn rất dễ khiến những người trong cuộc bị hụt hẵn và ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống sau này. Nhưng không vì vậy mà ly hôn hoàn toàn mang tính tiêu cực. Bạn hãy nhớ câu “Khi một cánh cửa này khép lại, thì sẽ có nhiều cánh cửa khác mở ra” mà tỉnh táo nhìn nhận. Vì dù nước đục, chúng ta vẫn có thể “gạn đục khơi trong”.

Sau khi ly hôn người phụ nữ thường là người phải chịu nhiều thiệt thòi và áp lực trong cuộc sống nhiều hơn nam giới. Nhiều người phụ nữ còn lâm vào tình trạng bế tắc, muốn tìm đến cái chết để giải thoát, nhưng vì con cái nên họ phải cố gắng vươn lên.

Để lấy lại thăng bằng sau khi ly hôn, người phụ nữ nên làm mới mình nhiều hơn, cần xây dựng mối quan hệ tốt với những người xung quanh như: bạn bè, người thân, đồng nghiệp, bởi nhờ những mối quan hệ này người phụ nữ sẽ có thêm sức mạnh để tiếp tục cuộc sống không có người đàn ông bên cạnh.

Ngoài ra, bạn cũng nên tha thứ cho người cũ dù trước đây họ có đối xử tệ bạc với bạn như thế nào, thì tha thứ vẫn là cách trả thù tốt nhất. Cũng không nên có tâm lý “sợ cành cong”, bởi không phải bất kỳ người đàn ông nào cũng xấu, bạn cần có niềm tin vào cuộc sống, như thế mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn.

Những nguyên nhân dẫn đến ly hôn:

- 27,7% ly hôn do mâu thuẫn về lối sống

- 25,9% ly hôn do ngoại tình

- 13% ly hôn do nguyên nhân kinh tế.

- 6,7 % do bạo lực gia đình.

- 2,2% do sức khỏe.

- 1,3% do xa nhau lâu ngày.

Theo Theo SKGĐ
MỚI - NÓNG