Theo đó, việc vi phạm quy định về an toàn lao động là một hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 10 Điều 12 của luật này. Chi tiết hơn, tại Điều 115 Luật Xây dựng đã quy định rất rõ về “An toàn trong thi công xây dựng công trình” và trách nhiệm này thuộc về cả chủ đầu tư và đơn vị thi công.
Theo quan điểm của luật sư Tuấn Anh, sở dĩ tình trạng vi phạm an toàn lao động liên tục tiếp diễn và ngày càng gia tăng là do chính con người, chủ đầu tư, chủ thầu xây dựng công trình, cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng và đôi khi là do chính những người công nhân xây dựng chưa biết sử dụng hết quyền của mình trong việc có thể từ chối thực hiện công việc khi điều kiện an toàn cho chính bản thân mình không đảm bảo. Trong một số trường hợp, chủ đầu tư, nhà thầu còn không ký hợp đồng lao động đối với những người trực tiếp làm việc tại công trường nhằm giảm bớt gánh nặng về bảo hiểm và các chế độ khác đối với người lao động. Đến khi xảy ra hậu quả, vi phạm mới bị phát lộ, xử lý.
Đối với trường hợp sử dụng lao động không ký hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có thể bị xử phạt từ 1 đến 2 triệu đồng đối với hành vi không ký hợp đồng với 1 đến 10 lao động, mức phạt tối đa đối với hành vi này là 20 triệu đồng khi số lượng người lao động không được ký hợp đồng lao động từ 301 người trở lên (Khoản 1 Điều 5 văn bản hợp nhất số 4756/VBHN-BLĐTBXH ngày 19/11/2015 của Bộ LĐ-TB&XH, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng).
“Ở đây, cứ sau mỗi vụ tai nạn lao động nghiêm trọng lại sẽ có việc thanh tra, kiểm tra về an toàn lao động. Rõ ràng là chúng ta “mất bò mới lo làm chuồng”.