- Sải bước trên sàn catwalk từ năm 18 tuổi và từng giành danh hiệu "Siêu mẫu ăn ảnh" vào năm 2004, điều gì khiến anh quyết định chia tay nghề mẫu để theo đuổi sự nghiệp diễn xuất?
- Năm 18 tuổi, tôi bắt đầu theo học lớp đào tạo người mẫu tại cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Một năm sau đó, khi tham gia vào cuộc thi Siêu mẫu 2004, tôi may mắn giành được giải Siêu mẫu ăn ảnh và thường xuyên có dịp xuất hiện trên các sàn catwalk. Bước ngoặt bắt đầu khi một anh đồng nghiệp rủ tôi đi thi điện ảnh. Vào thời điểm đó, tôi nghĩ người mẫu là nghề có tuổi và công việc này chưa thực sự phát triển ở miền Bắc, còn tôi lại không có ý định Nam tiến.
Cuối cùng, tôi quyết định thi vào Đại học Sân khấu Điện ảnh. Thú thật, khi đó tôi không có khái niệm sẽ theo đuổi sự nghiệp diễn xuất lâu dài và chỉ nghĩ đi học cho vui. Nhưng đến năm thứ 2, tôi bắt đầu nhận được lời mời đi đóng phim. Dần dần, tôi gần như không xuất hiện với tư cách người mẫu nữa vì không thể sắp xếp giữa việc đi học, đóng phim và đi diễn.
Mạnh Trường và bạn diễn Huyền Trang.
- Sở hữu ngoại hình sáng, khuôn mặt điển trai, vóc dáng người mẫu, anh nghĩ sao khi được đánh giá là một mỹ nam của màn ảnh Việt?
- Đó là một sự ưu ái rất lớn mà báo chí và người hâm mộ đã dành cho tôi. Tuy nhiên, tôi muốn được chú ý và yêu mến qua từng vai diễn. Có được ngoại hình sáng là một lợi thế song đôi khi cũng là bất lợi đối với người diễn viên. Bởi nó khiến họ bị đóng khung trong một tuýp nhân vật. Nếu để ý bạn sẽ thấy hầu như những vai diễn của tôi đều là những vai chính diện, từ công tử con nhà giàu Nguyên trong Những cánh hoa bay cho tới trinh sát Hoàn trong Bí mật tam giác vàng hay gần đây nhất là anh chàng si tình Việt trong Hoa nở trái mùa.
Khi bị đóng khung vào một dạng vai nào đó, đương nhiên diễn viên sẽ có chút buồn. Nhưng ngược lại, khi đạo diễn và các nhà sản xuất chọn vai, họ sẽ nghĩ tới mình đầu tiên và khán giả cũng ấn tượng với mình qua những vai diễn đó. Hiện tại, tôi muốn vào một vai phản diện, gai góc hơn.
- Vậy vai diễn mới nhất trong "Đường lên Điện Biên" mang đến cho anh cảm xúc gì?
- Được đạo diễn, nhà sản xuất chú ý tới qua một số vai diễn trước đây, cộng thêm việc hợp với vai người lính vệ quốc đoàn Hùng, tôi may mắn được anh Bùi Tuấn Dũng mời tham gia Đường lên Điện Biên. Thực sự lúc đầu tôi cũng đắn đo vì phim chiến tranh là một đề tài khó, đặc biệt là đối với một diễn viên trẻ. Tuy nhiên, tôi biết đây là một ê-kíp chuyên nghiệp, có thể nói là chuyên nghiệp nhất về đề tài chiến tranh tại Hà Nội từ khói lửa, âm thanh cho tới hình ảnh… Đặc biệt, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng là người đã có rất nhiều bộ phim hay về đề tài này như Đường thư hay Những người viết huyền thoại. Chính vì vậy, tôi quyết định nhận lời tham gia.
Từ trước đến nay khán giả luôn có nếp nghĩ, phim chiến tranh rất khô cứng, không có nhiều điều thú vị, hấp dẫn. Tuy nhiên, tôi tự tin đây là một bộ phim có chất lượng và không cảm thấy hối tiếc khi tham gia Đường lên Điện Biên.
Nam diễn viên sinh năm 1985 chia sẻ, anh chuẩn bị lên chức bố lần thứ hai
- Không ít diễn viên khi tham gia những bộ phim "tên rơi đạn lạc" đã bị thương. Anh thì sao?
- Những tổn thương ngoài da là điều không tránh khỏi bởi những cảnh khói lửa bên ngoài ghê gớm hơn các bạn thấy trong phim nhiều. Đó là thuốc nổ thật và có tính sát thương thật song việc bị thương nặng hoặc nguy hiểm gần như không có.
Tuy nhiên, có một cảnh quay khiến ê-kíp khá lo lắng là khi cưỡi ngựa xuống dốc. Bình thường muốn đóng những cảnh này, người diễn viên phải tập luyện rất nhiều mà chúng tôi lại không có thời gian làm quen với ngựa nên rất hồi hộp. Ngoài việc tập kỹ thuật, cưỡi thử, còn phải vuốt ve, làm quen với "bạn diễn" đặc biệt. Điều khiến đoàn làm phim đau đầu nhất chính là việc có bom nổ xung quanh. Lúc có tiếng nổ, mọi người rất sợ ngựa sẽ chồm lên. Quả thật, đến cảnh cuối cùng, chú ngựa lồng lên chạy và diễn viên Mạnh Hưng bị ngã, may mắn là không bị thương.
- Tham gia một bộ phim về đề tài chiến tranh, theo anh điều khó khăn, trở ngại lớn nhất là gì?
- Khó khăn lớn nhất chính là kiến thức, vốn sống của mình về những cuộc chiến không nhiều. Đối với thế hệ 8x như tôi, mọi thứ về chiến tranh đều chỉ thông tin được biết qua sách vở, báo chí, phim ảnh.
Còn về ngoại hình, ban đầu tôi nghĩ đó là một trở ngại bởi có rất nhiều người cho rằng bộ đội ngày xưa không có ai to cao đến thế. Chiều cao khiến tôi bị chênh khá nhiều khi đứng với một số bạn diễn nữ và đặc biệt là diễn viên quần chúng. Bản thân tôi cũng sợ vẻ ngoài có phần hiện đại của mình không phù hợp với phim. Tuy nhiên, sau khi mặc trang phục, hóa trang, tôi lại khá ưng ý với tạo hình của nhân vật Hùng.
Ngoài ra, trong quá trình quay phim, cả đoàn phải đi sâu vào trong rừng và ngủ lại qua đêm ở các làng bản. Ở đó không hề có khách sạn hay nhà nghỉ mà chỉ có nhà sàn của người dân. Có những ngày thời tiết xuống đến 1 độ, chăn gối ẩm thấp và cả ê-kíp không thể chợp mắt được. Điều đơn giản nhất như vấn đề vệ sinh cũng rất khó khăn. Kỷ lục trong đoàn có những người một tuần mới được tắm. Câu hỏi vui mỗi buổi sáng của chúng tôi thường là "hôm qua đã được tắm chưa". Tuy rất khó khăn, vất vả nhưng bù lại, chúng tôi đều cảm thấy rất vui và luôn cố gắng hết mình để hoàn thành bộ phim.
- Vào vai một anh vệ quốc đoàn đào hoa, lãng mạn nhưng không kém phần cá tính và chính trực. Anh nghiền ngẫm thế nào để hoàn thành tròn vai diễn của mình?
- Bản thân mỗi anh vệ quốc đoàn luôn là những con người chính trực, nghiêm túc. Tuy nhiên, Hùng lại có thêm vẻ đào hoa và sự lãng mạn. Đó là nét tính cách rất hay của nhân vật nhưng cũng là cái khó đối với người diễn viên. Để hóa thân thành nhân vật, tôi đã phải tham khảo rất nhiều các thước phim tư liệu. Bên cạnh đó, trước và sau mỗi cảnh quay, tôi đều tham khảo ý kiến của anh Tuấn Dũng. Những lúc chuyển giao từ cảnh cương nghị sang tình cảm, đạo diễn sẽ là người “nắn chỉnh”, truyền tải để diễn viên có được sự chuẩn bị tốt nhất cho cảnh quay.
Trong Đường lên Điện Biên, tôi có dịp hợp tác với diễn viên Huyền Trang. Trước đó, cả hai từng làm việc cùng trong bộ phim Hoa nở trái mùa của đạo diễn Khải Anh. Vì thế, khi biết bạn diễn cùng là cô ấy, tôi cảm thấy yên tâm hơn. Huyền Trang là một diễn viên chuyên nghiệp được đào tạo bài bản, ý thức công việc tốt. Cả hai rất ăn ý và dễ dàng tung hứng với nhau khi diễn xuất.
- Vợ anh phản ứng ra sao khi chồng thường xuyên xa nhà và diễn cảnh tình cảm cùng các cô nàng xinh đẹp?
- Tôi với vợ học cùng cấp hai và có sáu năm hẹn hò trước khi tiến tới hôn nhân nên rất hiểu đối phương. Hiện tại, chúng tôi đã bên nhau 12 năm và đang chuẩn bị đón thành viên thứ tư của gia đình.
Dù không làm trong lĩnh vực nghệ thuật song vợ tôi là một người rất tâm lý, biết thông cảm và sẻ chia với chồng. Lấy người làm nghề diễn viên, hơn ai hết cô ấy rất hiểu tính chất công việc của tôi vì thế gần như không có chuyện ghen tuông. Vợ tôi thường xuyên xem phim chồng đóng và là một khán giả rất khó tính. Hầu như những cảnh tôi hỏi cô ấy đều chưa nói hài lòng và luôn đưa ra những lời góp ý chân thành. Điều đó giúp tôi rất nhiều trong việc diễn xuất.
Bản thân tôi cũng luôn cố gắng tối đa để vợ có thể yên tâm. Ví dụ như mỗi lần phải đi đóng phim xa nhà, tôi sẽ tranh thủ những ngày nghỉ để về nhà thăm vợ con. Hoặc nếu bối cảnh quay ở địa điểm dưới 100km, tôi sẽ chủ động đi lại để có thể về trong ngày. Đối với cuộc sống hôn nhân gia đình, điều quan trọng nhất chính là trách nhiệm và tin tưởng lẫn nhau. Mọi thứ xuất phát từ tình yêu sẽ luôn bền chặt.