Thảo luận dự án Luật Giáo dục đại học:
Mạnh dạn trao quyền tự chủ cho trường đại học
>Bộ trưởng Giáo dục trả lời nhiều câu hỏi 'nóng'
>Đưa đại học vào nề nếp
Chủ nhiệm UBVHGDTNTN&NĐ của QH, ông Đào Trọng Thi cho rằng, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm là thuộc tính cơ bản của cơ sở GDĐH. Đó cũng là xu thế phát triển của GDĐH hiện nay.
Theo đó, cơ sở GDĐH cần được tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh, tự chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo, cũng như mở ngành, chuyên ngành đào tạo trên cơ sở quy định điều kiện khung của Bộ GD-ĐT.
“Nhiều ĐBQH nhất trí việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở GDĐH và đề nghị quy định chi tiết trong luật điều kiện, tiêu chí để thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, đối với những trường không có đủ năng lực thực hiện quyền tự chủ thì phải hạn chế, đồng thời có chế tài xử lý những cơ sở này khi có hành vi vi phạm thực hiện quyền tự chủ” – ông Thi kiến nghị.
Theo Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, nên giao mạnh quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH, cho họ tự chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo. “Còn tình trạng mỗi năm phải xin chỉ tiêu đào tạo thì không biết bao giờ ĐH phát triển được, đi đến đâu cũng nhận được sự than thở như vậy” – bà Ngân nói.
Đồng tình quan điểm phải trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các trường, nhưng Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng “phải có lộ trình”. Vì hiện nay, chất lượng các cơ sở chưa đồng đều, có trường chưa đạt chuẩn. Những cơ sở nào đủ điều kiện, đã qua kiểm định thì mạnh dạn trao quyền tự chủ. Bộ GDĐT phải có quy định thật cụ thể, không làm đồng loạt ngay được.
Theo UBVHGDTNTN&NĐ, thảo luận về dự án Luật này, đa số ý kiến ĐBQH nhất trí quy định về việc kiểm định chất lượng GDĐH. Bên cạnh đó, bổ sung quy định kiểm định chất lượng đối với cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài, quy định bảo vệ quyền lợi người học tại những cơ sở này.
Về chất lượng giảng viên, nhiều ý kiến đề nghị quy định trình độ của giảng viên phải cao hơn một cấp so với trình độ mà giảng viên tham gia đào tạo.