Phòng tranh gần như một phiên chợ tranh lộn xộn dành cho mọi người. Đây là triển lãm thu hút rất nhiều người quan tâm và là đề tài gây hao tổn giấy mực trong năm. Họa sĩ Đỗ Hiệp - đại diện nhóm chia sẻ cởi mở với Tiền Phong.
Một mùa kinh tế suy trầm, một thị trường tranh nguội lạnh, đấy có phải là lý do để các anh mở triển lãm với cái tên rất khiêu khích SALE OFF? Đến nay, vẫn có những họa sĩ chưa hoàn toàn thỏa mãn với việc giải thích ý niệm của các anh. Họ vẫn cho rằng các anh đang hạ thấp nghệ thuật, đưa nghệ thuật tới chỗ chợ búa? Anh nghĩ sao?
Kinh tế suy trầm chỉ là một lý do, vấn đề chính là “mang tranh người Việt đến cho người Việt” bằng cách giễu nhại thị trường nghệ thuật, tranh giả tranh nhái và sự “thần thánh hóa” nghệ thuật của nhiều người, cứ ôm khư khư tranh của mình, cho rằng nó cần sự nâng niu, chiều chuộng, phải để ở không gian sang trọng như bảo tàng cơ.
Mà thực sự họ quên mất rằng công chúng, người xem mới chính là nhân tố giúp tác phẩm của họ sống được. Tranh của họ phải bán đắt, phải bán giá cao, họ cứ đi so với giá thế giới mà không cân bằng với mức thu nhập của đại đa số người dân Việt Nam. Triển lãm sắp đặt này giúp những người dân thường với mức thu nhập bình dân cũng có tranh treo, không cứ phải đại gia nhiều tiền.
Còn vấn đề chợ búa thì tôi nghĩ khác, nếu là chợ búa thì anh không bán tranh nữa đi, vẽ ra rồi mang tặng hay cất ở nhà rồi ngắm thôi. Chứ mang ra Gallery hay rao bán thì đó cũng là chợ búa rồi.
Nghệ thuật cũng chỉ là một món hàng cao cấp hơn một số hàng hóa khác thui (chưa bằng Gucci hay Vertu nhé) . Nếu bảo bán “hạ giá” là chợ búa thì quá là bảo thủ đấy! Phải bán giá thật cao, thật “cắt cổ” thì mới là nâng niu, trân trọng nghệ thuật sao? Tôi nghĩ vấn đề chính là tranh của tôi được trao cho người yêu thích và họ trân trọng nó.
Nhiều người cả trong và ngoài giới nói triển lãm SALE OFF của các anh là một triển lãm ấn tượng nhất trong năm. Anh và các bạn thấy có đúng không? Hay anh cho rằng còn những triển lãm khác cũng ấn tượng không kém?
Ấy chết, nếu tự nhận là nhất thì những cuộc triển lãm trong năm qua của nhiều “củ nghệ” khác “dằn vặt” chết. Điều đó là dành cho cảm nhận của mọi người thôi. Chúng tôi đã làm hết mình trong triển lãm này, mặc dù khi kết thúc, nhìn lại vẫn còn nhiều việc phải thêm. Nó đánh giá một sự thay đổi lớn trong quan niệm về cách đưa nghệ thuật đến gần với công chúng.
Trong năm qua có nhiều triển lãm song tôi cũng không nắm được hết, theo tôi có một số triển lãm đáng chú ý: Im- tại Om studio, “Du cư trong thành phố” của Nguyễn Hồng Phương, hay gần đây là “Phập phồng” của nhóm 6 nghệ sĩ nữ.
Dư âm sau triển lãm thế nào? Có thể bật mí về số tranh các anh bán được nhờ “chính sách” SALE OFF?
Sau khi triển lãm kết thúc, chúng tôi vẫn nhận được rất nhiều sự chia sẻ và cổ vũ của bạn bè cũng như những sự quan tâm của báo giới trong Nam ngoài Bắc. Công chúng muốn có thêm nhiều nữa những cuộc triển lãm “tranh hạ giá” như vậy, thực sự là họ rất muốn được mua tranh của họa sĩ về treo, họ nói “không phải ra Nguyễn Thái Học mua tranh chép về treo nữa”.
Tôi nghĩ đó là sự động viên tuyệt vời nhất, còn gì tuyệt vời hơn khi mà mình đến một gia đình nào đó chơi và thấy tranh của họa sĩ treo trong nhà chứ?
Số tranh và tiền bán được thì cũng ngoài sự mong đợi, khoảng 50 bức tranh cả to và nhỏ được bán ra với số tiền thấp nhất là 400.000 đồng (20USD) và cao nhất là 24 triệu đồng (1.200 USD), và thật đáng mừng là có tới 90% trong số đó là bán cho người Việt.
Nghe rằng các anh định “Nam tiến”, nhưng rồi lại thôi, vì sao vậy?
Chúng tôi đã lên kế hoạch, song bị hoãn lại do không kịp về thời gian vì ngay sau khi kết thúc SALE OFF, tôi đã lên kế hoạch cho một cuộc triển lãm tới vào giữa tháng 1-2012. Triển lãm này có tên là “ĐẠI GIA VIỆT NAM” , lần triển lãm này tôi mời thêm 11 nghệ sĩ cùng tham gia, và vẫn diễn ra tại 16 Ngô Quyền.
Triển lãm trưng bày một loạt tranh các nhà doanh nghiệp thành đạt ở VN (với ý niệm nhắc đến một tầng lớp quan trọng trong việc thúc đẩy nghệ thuật nước nhà, với giả định nếu các đại gia ấy quan tâm đến nghệ thuật như những lĩnh vực khác như bóng đá, xe hơi, bất động sản, người đẹp…). Triển lãm này kết thúc một năm làm việc khá là “chăm chỉ” của tôi và các bạn, hy vọng là mọi người sẽ xem một triển lãm “tất niên” vui vẻ.
Anh có thể nhận xét đôi điều về nghệ thuật trình diễn (performance art) ở VN?
Nghệ thuật trình diễn ở VN thực sự chưa có tác phẩm lớn, gây được sức ảnh hưởng sâu. Nhiều năm qua cũng chỉ là những tác phẩm mang tính “tìm tòi”, “cảm hứng” mà thôi. Tuy nhiên, nó cũng đã tạo thêm nhiều thiện cảm và yêu thích cho công chúng ở VN, phá đi những sự tò mò, thiếu thiện cảm với nghệ thuật trình diễn (cho là “lố lăng, gây sốc” như thời gian đầu).
- Xin cảm ơn anh và chúc triển lãm “ĐẠI GIA VIỆT NAM” của các anh thành công.