Hành trình đưa điện lên non
Hòa Bình là tỉnh miền núi với địa hình hiểm trở, nơi có nhiều xã, bản nằm sâu trong các dãy núi và khu vực lòng hồ. Để mang ánh sáng điện lưới quốc gia đến các vùng này, ngành điện lực Hòa Bình đã phải đối mặt với nhiều khó khăn. Từ việc vận chuyển máy móc, thiết bị vượt núi đến những mùa mưa lũ khắc nghiệt, từng mét dây điện, từng cột điện đều là sự kết tinh của công sức và quyết tâm.
Trong giai đoạn 2019-2023, Hòa Bình đã đầu tư hơn 1.744 tỷ đồng vào hệ thống lưới điện, với nhiều dự án lớn. Trong đó, lưới điện 110kV là 918,264 tỷ đồng và lưới điện trung hạ áp là 825,958 tỷ đồng; bình quân mỗi năm là 348,84 tỷ đồng/năm.
![]() |
Tập trung nâng cấp hệ thống điện lưới và chất lượng điện góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn. |
Năm 2023, ngành điện Hòa Bình tiếp tục đầu tư, cải tạo lưới điện hạ áp khu vực xóm Trẳm với quy mô 3,2 km, tổng giá trị đầu tư 2,56 tỷ đồng. Với hai xã Hang Kia, Pà Cò - địa phương từng gắn với điểm nóng về buôn bán, sử dụng ma túy của huyện Mai Châu - năm 2023, cả 2 xã cũng đã được đầu tư dự án điện lên tới hơn 8,5 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư xây dựng mới 2,81 km đường dây 35kV; cải tạo nâng cấp 4,317 km đường dây 35kV; nâng công suất 1 TBA từ 31,5kVA lên 100kVA; xây dựng mới 3,15 km đường dây hạ thế; cải tạo 10,5 km tuyến đường dây hạ thế. Sự đầu tư kịp thời đã giúp vùng đất này bước sang một trang mới, nơi ánh sáng của điện không chỉ thắp sáng những căn nhà mà còn thắp lên hy vọng cho sự phát triển bền vững trong tương lai.
Đại diện Công ty Điện lực Hòa Bình cho biết, năm 2024 công ty đã tiếp tục triển khai các dự án đầu tư, xây dựng hạ tầng lưới điện mới. Trong đó, xây dựng trên 50 trạm biến áp phân phối khu vực huyện Kim Bôi, Đà Bắc, Cao Phong, Tân Lạc, Lạc Sơn, Lương Sơn và TP Hòa Bình.
Việc có điện đã giúp bà con thay đổi đáng kể trong đời sống. Từ việc sử dụng các thiết bị gia dụng cơ bản đến phát triển các mô hình sản xuất, chế biến nông sản, dòng điện quốc gia đã góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho các hộ dân tộc thiểu số.
![]() |
Ưu tiên đầu tư công trình tạo nguồn cấp nước sinh hoạt tại những vùng khó khăn, nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân |
Trong những năm qua, Công ty Điện lực Hòa Bình luôn quyết tâm khắc phục, tập trung ưu tiên dành nguồn lực đầu tư, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để phấn đấu đến năm 2025 tất cả các thôn bản vùng sâu, vùng xa Hòa Bình sẽ có điện và được sử dụng nguồn điện ổn định; cố gắng xóa việc sử dụng điện qua công tơ tổng, bảo đảm cho nhân dân sử dụng đủ, đúng chất lượng điện năng và giá bán điện do Chính phủ quy định.
Mục tiêu đến năm 2030: 65% dân số nông thôn được dùng nước sạch
Bên cạnh điện lưới, nước sạch là một trong những vấn đề cấp bách khác mà tỉnh Hòa Bình đang tích cực giải quyết. Theo kế hoạch phát triển của tỉnh, phấn đấu đến năm 2030, hơn 65% dân số nông thôn dự kiến sẽ được tiếp cận nước sạch đạt chuẩn. Đây là bước tiến lớn nhằm đảm bảo sức khỏe và cải thiện chất lượng sống cho cộng đồng dân tộc thiểu số.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95,8%. Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn đạt 50,4%.
Những năm qua, tỉnh Hòa Bình đã không ngừng quan tâm, đầu tư xây dựng các công trình nước sạch tập trung trên quy mô toàn tỉnh. Những công trình cấp nước sạch tập trung gắn với khai thác, quản lý vận hành theo quy hoạch được duyệt, đảm bảo an ninh nguồn nước, thích ứng biến đổi khí hậu,...
Đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung quy mô lớn, đồng bộ, liên xã, liên huyện, kết nối với hệ thống cấp nước đô thị ở những nơi phù hợp để đảm bảo công trình hoạt động hiệu quả, bền vững; ưu tiên sử dụng nguồn nước từ hệ thống công trình thủy lợi, hồ chứa, đập dâng cho cấp nước sinh hoạt; ưu tiên đầu tư công trình tạo nguồn cấp nước sinh hoạt tại vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng của hạn hán, ô nhiễm nguồn nước; hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung cho vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Các chương trình xây dựng trạm xử lý nước tại vùng cao đã đem lại hiệu quả tích cực. Người dân không còn phải sử dụng nguồn nước tự nhiên chưa qua xử lý, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật. Thay vào đó, nước sạch đã trở thành một phần trong sinh hoạt hàng ngày, mang lại sự thay đổi rõ rệt về sức khỏe và vệ sinh.
Việc đưa điện lưới và nước sạch về các vùng dân tộc thiểu số không chỉ cải thiện đời sống người dân mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Với điện, các hộ dân đã bắt đầu đầu tư vào sản xuất, chế biến nông sản, từ đó gia tăng thu nhập. Nước sạch đảm bảo sức khỏe, giảm chi phí chữa bệnh, đồng thời tạo điều kiện để trẻ em có một môi trường phát triển tốt hơn.
Dù đã đạt được nhiều thành tựu, hành trình đưa điện và nước sạch về vùng cao Hòa Bình vẫn còn đó những thách thức. Ngành điện lực và chính quyền địa phương cần tiếp tục phối hợp, tháo gỡ những khó khăn như giải phóng mặt bằng hay vận chuyển thiết bị đến vùng sâu. Đồng thời, ý thức của người dân trong việc bảo vệ tài sản điện và sử dụng nước cũng đóng vai trò quan trọng để đảm bảo những nỗ lực đầu tư mang lại hiệu quả lâu dài.